Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 10/06/2021 10:22 (GMT+7)

Phú Thọ: Ai giúp ‘con voi’ dự án trăm tỷ ‘chui lọt lỗ kim’?

Mặc dù chính quyền các cấp tỉnh Phú Thọ biết rõ một dự án khủng có giá trị gần 500 tỷ, được xây dựng “chui” trên diện tích hàng 10ha nhưng không hề có biện pháp xử lý khiến dư luận xã hội hoang mang.

Chính quyền buông lỏng quản lý…

Theo tìm hiểu, dự án nhà máy gạch Takao Granite do Công ty Cổ phần Takao Granite (sau đây viết tắt là Công ty) được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt chủ trương đầu tư theo Quyết định số 2357/QĐ-UBND ngày 25/09/2020. Dự án được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha tại xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tổng số vốn đầu tư dự án là 486 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2021, Chủ tịch UBND huyện Tam Nông Quách Hải Lý ký Quyết định số 2215/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng nhà máy gạch Takao Granite tỷ lệ 1/500.

Theo quyết định trên thì quy mô lao động dự án khoảng 500 lao động; tổng diện tích đất xây dựng nhà xưởng là 48.979m2, mật độ xây dựng 70%; tầng cao tối đa: 01 tầng; trung tâm điều hành được xây trên tổng diện tích đất là 2.666m2 (2.87%); tầng cao tối đa: 04 tầng.

Về hồ sơ pháp lý của dự án, đến nay, ngoài quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Phú Thọ và quyết định quy hoạch chi tiết của UBND huyện Tam Nông (như đã nêu trên) thì những hồ sơ như: Giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án vẫn chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép, phê duyệt.

Thế nhưng, không hiểu bằng cách nào hoặc có “ai” đó đứng sau hỗ trợ nên chủ dự án đã bỏ qua tất cả các trình tự thủ tục, hồ sơ theo quy định pháp luật để ngang nhiên tổ chức san lấp, tạo mặt bằng thi công “chui” hàng ngàn mét nhà xưởng trước sự ngỡ ngàng của người dân và sự thản nhiên của chính quyền sở tại.

Một trạm trộn bê tông được lắp đặt trái phép để phục vụ thi công dự án.

Theo ghi nhận thực tế của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thì tại khu vực này trước đây là những ngọn đồi, nay biến thành một mặt bằng với diện tích hàng ngàn m2 và đã được phủ kín bằng lớp bê tông kiên cố, cùng với đó là một khu nhà xưởng hoành tráng được mọc lên và đang gấp rút hoàn thiện.

Điều đáng nói là toàn bộ các công trình đã và đang thi công tại dự án này đến nay vẫn chưa được cấp phép xây dựng theo quy định, đây quả thực là điều mà khó có một doanh nghiệp hay chính quyền huyện nào nào trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có thể làm được.

Toàn bộ nhà xưởng tại dự án nhà máy gạch Takao Granite của Công ty Cổ phần TaKao Granite được lắp đặt, xây dựng “chui” mà không bị chính quyền sở tại ngăn chặn, xử lý.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Q là người dân sống gần khu vực dự án cũng ngỡ ngàng cho biết: “Người dân chúng tôi chỉ cần thò một cái cuốc xuống để múc đất, hay đặt một viên gạch để xây dựng mà không xin phép thì ngay lập tức chính quyền sẽ cho người xuống lập biên bản, thậm chí còn bị xử phạt hành chính. Vậy mà cả một công trình đồ sộ thế kia mà lại xây không phép thì chắc công ty này phải có quan hệ ‘khủng’ hoặc ai đó ‘chống lưng’ mới làm được thế”.

Để rộng đường dư luận, PV đã có buổi làm việc với chính quyền xã Thanh Uyên. Tại buổi làm việc, ông Thạch Văn Thi - Chủ tịch UBND xã đã thẳng thắn thừa nhận, dự án trên hiện tại mới chỉ có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định phê duyệt chi tiết 1/500 nên việc xây dựng trên là chưa đúng quy định.

Lý giải về vai trò, trách nhiệm của chính quyền xã trong việc quản lý nhà nước đối với những vi phạm xảy ra tại dự án, ông Thi cho biết: “Ngày 10/12/2020, chúng tôiđã có buổi làm việc vớicông ty để yêu cầuhọdừng hoạtđộngthi công để hoàn thiện thủ tục pháp lýtheo quy định.Tuy nhiên doanhnghiệp này đã không thực hiện như cam kết với chính quyền.

Trả lời câu hỏi của PV về việc đã xác định rõ hành vi vi phạm của chủ đầu tư dự án, vậy đến nay xã đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay báo cáo, đề xuất phương án xử lý lên cấp trên là UBND huyên Tam Nông. Ông Thi bất ngờ cho biết: “Xã chỉ nhắc nhở và yêu cầu công ty dừng thi công bằng miệng chứ chưa xử phạt. Còn việc chúng tôi không báo cáo bằng văn bản lên huyện là do phíaUBND huyệnTam Nôngvà UBND tỉnhPhú Thọcũng đều đã nắm được sựviệc (?!)”

Ngoài ra, ông Thi còn khẳng định đến nay xã chưa bao giờ phối hợp hay tham gia với các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Thọ hay huyện Tam Nông trong việc xử phạt (nếu có) đối với Công ty Cổ phần Takao Granite.

Nếu câu trả lời của người đứng đầu chính quyền xã Thanh Uyên là chính xác về việc UBND tỉnh Phú Thọ và huyện Tam Nông biết nhưng không đưa ra biện pháp xử lý hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư dự án, thì đây là dấu hiệu bao che cho sai phạm có hệ thống từ trên xuống dưới của các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ. Đến đây dư luận có quyền đặt câu hỏi: Cá nhân, tổ chức nào đã giúp "con voi” dự án trăm tỷ “chui qua lỗ kim”?

Doanh nghiệp coi thường pháp luật

Cũng tại buổi làm việc trên, thông tin về việc Công ty Cổ phần TaKao Granite đã được UBND tỉnh Phú Thọ ký hợp đồng thuê đất chưa. Ông Thạch Văn Thi nói chưa nắm được nội dung này, do đó ông Thi đề nghị PV liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để tìm hiểu.

Ngay sau buổi làm việc với chính quyền xã Thanh Uyên, PV đã liên hệ với ông Phùng Thanh Xuân - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần TaKao Granite. Trao đổi qua điện thoại, ông Xuân thừa nhận đến nay công ty chưa có hợp đồng thuê đất.

Khu nhà điều hành tạm thời của Dự án.

Khi được hỏi về việc chưa được thuê đất, chưa được cấp phép xây dựng theo quy định nhưng công ty vẫn tổ chức san lấp mặt bằng và thi công dự án. Có lẽ do không hài lòng với câu hỏi này, nên thay vì trả lời trực diện vào câu hỏi của PV thì ông Xuân lại tỏ thái độ bằng câu hỏi như thể thách thức: "Thì sao?".

Vẫn với thái độ đó, ông Xuân nói tiếp: "Mình đang làm(hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án – PV)chứ có cái gì đâu, mình có giết người,cháy nhà chết người gì đâu!".

Quả thực chúng tôi rất bất ngờ và không tin đó là thái độ và cách trả lời trên là của một vị lãnh đạo doanh nghiệp đang điều hành dự án với quy mô hoành tráng, có giá trị hàng trăm tỷ đồng. Nhưng phải thừa nhận một điều là ông Xuân nói đúng, bởi những hành vi vi phạm pháp luật (thi công chui tại dự án) trên thì cá nhân ông Xuân nói riêng hay Công ty Cổ phần TaKao Granite nói chung đều chưa gây ra hậu quả liên quan đến tính mạng con người.

Tuy nhiên, cần phải nhắc để ông Phùng Thanh Xuân hiểu rằng, nếu công ty ông vẫn tiếp tục “ngồi xổm” lên pháp luật để xây dựng dự án trái phép, sau đó đưa vào hoạt động khi chưa hoàn thiện các thủ tục về môi trường, phòng cháy chữa cháy thì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, cháy nổ nếu không may xảy ra thì hậu quả nó sẽ như thế nào. Khi đó thì ai đảm bảo và chịu trách nhiệm trước sức khoẻ và thậm chí là cả tính mạng con người? Và câu hỏi này chúng tôi cũng xin được gửi đến lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ và UBND huyện Tam Nông để tìm lời giải đáp.

Môi trường và Đô thị Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin về sự việc.

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc công bố danh sách 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn và công khai các dự án vi phạm, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về 46 dự án trên địa bàn. 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ được cập nhật đến hết ngày 29/2.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách ưu đãi với dự án nhà ở xã hội
Để góp phần xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật và xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhanh hơn, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục, cũng như bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Tin mới

Nam Em có hành động khó hiểu khi livestream bán hàng
Nam Em là cái tên được nhắc đến khá nhiều thời gian qua, nguyên nhân xuất phát từ những ồn ào vạ miệng của cô nàng. Mới đây, quay trở lại mạng xã hội livestream bán hàng, Nam Em lại có hành động khó hiểu khiến nhiều người phải bàn tán.
Sẽ xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng
Trong tờ trình dự thảo sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành đánh giá Nghị định này đã hoàn thành nhiệm vụ kể từ khi được ban hành. Tuy nhiên, trước những thay đổi của thị trường, Nghị định 24/2012/NĐ-CP cũng cần thay đổi để phù hợp. Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Đào Xuân Tuấn cho biết, một trong những nội dung được đề xuất trong dự thảo sửa đổi là xem xét xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và có thêm nhiều thương hiệu vàng khác.