Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 28/04/2020 02:00 (GMT+7)

Phúc Thọ: Khi nào mới xử lý dứt điểm nạn khai thác cát trái phép?

Hàng loạt báo cáo của chính quyền xã gửi lên cấp huyện và các cơ quan chức năng, đề nghị xử lý nạn khai thác cát trên địa bàn. Điều bi hài là cấp xã càng báo cáo, "cát tặc" lại càng khai thác mạnh.

Cát tặc lộng hành xuyên đêm như... trẩy hội

Nhiều năm trở lại đây, tình trạng “cát tặc” lộng hành trên địa bàn Hà Nội có nhiều diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu trên sông Hồng đoạn qua các huyện ngoại thành.

Bất chấp việc UBND TP. Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản nghiêm cấm việc khai thác cát trái phép trên sông Hồng, cũng như xử lý các bãi tập kết cát không phép.

Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Phúc Thọ vẫn diễn ra hết sức công khai khiến người dân địa phương vô cùng bức xúc.

Mới đây, trước tình trạng cát tặc ngang nhiên lộng hành trên sông Hồng, người dân xã Xuân Đình đã phải tự tổ chức người canh gác, khua chiêng, gõ trống để xua đuổi tàu khai thác cát. Sự việc được báo cáo lên UBND xã và các lực lượng chức năng nhưng hàng đêm, các tàu cát vẫn vô tư hoạt động.

Thậm chí, lãnh đạo xã Xuân Đình phải than thở là chính quyền đã "tê liệt" với nạn cát tặc, khi mà xã càng báo cáo nhiều, cát tặc lại có xu hướng hoạt động mạnh hơn trước.

Mặt trời chưa lặn hẳn nhưng "cát tặc" đã ngang nhiên lộng hành.

Người dân cho biết, những tàu cuốc và tàu cát này không biết từ đâu kéo đến, từ nhiều tháng nay tập trung tại khu vực thôn Vân Đình để khai thác cát, thời điểm hoạt động từ khoảng 5h chiều hôm trước đến 6-7h sáng hôm sau trong sự “tê liệt” của chính quyền sở tại cũng như sự phản đối của người dân.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, 16h30 chiều ngày 22/4, chúng tôi đã có mặt tại đoạn sông Hồng chảy qua thôn Vân Đình, xã Xuân Đình để ghi nhận tình hình thực tế.

Vào thời điểm trên, PV tận mắt chứng kiến nhiều tàu thuyền tấp nập “dàn trận” với gần 20 chiếc tàu sức chứa khoảng 300-500m3 đậu sát nhà máy gạch của Công ty Nguyên Hưng, cách đó chừng 50m, 3 chiếc tàu cuốc nằm im bất động.

Đến khoảng 17h, động cơ của 3 chiếc tàu cuốc rền vang, từ từ di chuyển ra giữa sông đến các vị trí đã được cắm cọc đánh dấu từ trước rồi thả neo theo hàng ngang. Sau đó, những chiếc tàu chứa chầm chậm tiến vào máng chảy để bắt đầu hoạt động khai thác cát.

Hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra rầm rộ, công khai trong sự oán thán của người dân địa phương.

Chỉ trong thời gian chưa đầy 3 giờ đồng hồ, chiếc tàu chứa hơn 300 khối đã đầy khoang cát. Sau khi “no” cát, những chiếc tàu này nhanh chóng rời khỏi “mỏ” để theo dòng về xuôi, nhường chỗ cho các tàu khác. Phía xung quanh, hàng loạt tàu hút tự hành sức chứa từ 200-300 khối cùng kéo đến “ăn hôi”, tạo nên một công trường khai thác cát vô cùng nhộn nhịp.

Cứ như vậy, tới 12h đêm, khi chúng tôi rời khỏi địa điểm trên thì các phương tiện vẫn tấp nập khai thác cát như một công trường hợp pháp.

Theo ước tính của người dân, mỗi đêm một chiếc tàu cuốc có thể khai thác cát đầy cho 5 chiếc tàu chứa, tính theo giá cát thị trường hiện nay thì số tiền thu về là một con số khổng lồ nên các đối tượng này vô cùng manh động và liều lĩnh, bất chấp khu dân cư đông đúc nằm cách bờ sông chưa đầy 100m.

Điều khiến người dân bức xúc hơn cả là mặc dù hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra công khai giữa ban ngày, kéo dài từ tháng này sang tháng khác nhưng không hề thấy bóng dáng của cảnh sát giao thông đường thủy và các cơ quan chức năng huyện Phúc Thọ kiểm tra, xử lý dứt điểm.

Công an huyện Phúc Thọ thông tin

Theo tìm hiểu của PV, hiện nay trên địa bàn xã Xuân Đình không có bất cứ dự án nạo vét luồng cũng như mỏ cát nào được cấp phép hoạt động. Đồng nghĩa với việc hoạt động của những phương tiện tàu cuốc, tàu hút tại xã Xuân Đình nói trên là hành vi khai thác cát trái phép.

Để làm rõ vai trò và trách nhiệm trong công tác kiểm tra, xử lý tội phạm, PV đã liên hệ làm việc với Công an huyện Phúc Thọ. Một cán bộ Công an huyện Phúc Thọ cho biết, lực lượng chức năng đã nắm được thông tin khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Xuân Đình.

Khi được hỏi tại sao cơ quan công an biết “cát tặc” hoạt động tại đây nhưng lại không xử lý, vị cán bộ này cho biết, để xử lý được các đối tượng trên, cơ quan công an gặp rất nhiều khó khăn như thường xuyên bị các đối tượng theo dõi ngược; thuê mượn tàu thuyền khó khăn do người dân đứng ra giúp lực lượng chức năng thường bị đe dọa; các đối tượng cát tặc lợi dụng địa bàn giáp ranh và đêm khuya để khai thác…

Phải chăng đang có sự chống lưng, "bảo kê" cho hoạt động khai thác cát trái phép diễn ra?

Theo thông tin từ Công an huyện Phúc Thọ cung cấp, từ tháng 6/2019 đến nay, Công an huyện Phúc Thọ đã bắt giữ, xử lý được 9 vụ khai thác cát trái phép. Khi PV thắc mắc số vụ bắt giữ được liệu có đúng so với thực tế, đồng thời số liệu không thấy nhắc đến các tàu cuốc và tàu hút đang hoạt động tại xã Xuân Đình, vị cán bộ này cho biết, Công an huyện đang xây dựng kế hoạch để bắt giữ các đối tượng trên.

Được biết, trước tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Cẩm Đình cũ, nay là xã Xuân Đình, UBND huyện Phúc Thọ đã nhiều lần giao Công an huyện Phúc Thọ chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý dứt điểm tình trạng này.

Tuy nhiên, trên thực tế nạn cát tặc tại đây vẫn tiếp tục hoành hành, hoạt động công khai mang tính chất có tổ chức, thách thức chính quyền địa phương và người dân địa phương.

Liệu đến khi nào, người dân xã Xuân Đình mới thôi khỏi lo lắng trước nạn “cát tặc” gây ra? Ai là người phải đứng ra chịu trách nhiệm trong sự việc này?

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới