Phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội): Khó khăn của người dân trong vùng thoát lũ
Trước thực trạng dân số cơ học tăng nhanh, lại có thêm một số đơn vị chuyên ngành chức năng đóng quân, phường Phúc Xá đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thoả mãn những nhu cầu và đi lại cho người dân.
Không được cấp phép sửa chữa, cải tạo nhà
Gia đình ông Phạm Văn Thái ở số 6-A4, Khu tập thế Bộ Công an có 6 nhân khẩu sống trong một căn nhà 2 tầng, diện tích đất 55 m2, xây từ cách đây 20 năm, nay hiện đang bị xuống cấp nhiêm trọng. Nhà, đất tuy có “sổ đỏ” hẳn hoi mà ông Thái nộp đơn xin được cải tạo 6 tháng, nay vẫn chưa được đáp ứng.
“Vừa qua nhà tôi mới có thêm cháu nội, tăng cư nhân khẩu, đồng nghĩa với tăng nhu cầu ở. Tôi xin được đập nhà đi xây lại để cơi thêm một tum nữa. Các anh ấy ở phường bảo phải chờ cấp trên duyệt quy hoạch mới được xây. Chẳng hiểu họ duyệt cái gì, sao mà lâu thế!”, ông Thái chia sẻ. Đây một trong hơn 40 hộ gia đình có nhà nguy hiểm xin khôi phục trong năm 2019, theo UBND phường Phúc Xá.
Ngày 24/6/2016, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 20/2016/QĐ-UBND về quy định chi tiết một số nội dung về cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội, mà tại điều 4 có nêu: “Công trình nhà ở không phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ hoặc quy hoạch đê điều đồng thời không nằm trong khu vực đang sạt lở nguy hiểm hoặc có nguy cơ sạt lở nguy hiểm thì chỉ được sửa chữa, cải tạo giữ nguyên quy mô công trình hiện trạng; không thay đổi vị trí, diện tích xây dựng, diện tích san tầng lửng, chiều cao, số tầng và công năng sử dụng”.
Tuy nhiên, theo Công văn số 1268/UBND-QLĐT ngày 22/8/2016 của UBND quận Ba Đình gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội, hiện cấp chính quyền này vẫn chưa nhận được bàn giao hồ sơ quy hoạch chỉ giới thoát lũ và phạm vi bảo vệ đê điều đã được điều chỉnh. Vì vậy, UBND quận Ba Đình gặp khó khăn khi xem xét giải quyết hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng cho các hộ dân tại địa bàn.
Phúc đáp văn bản nói trên, tại Công văn số 2677/SNN-ĐĐ ngày 27/10/2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội cho rằng: Theo Quyết định số 257/QĐ-TTg, ngày 18/2/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sống Hồng, sông Thái Bình, không còn quy định về chỉ giới thoát lũ, mốc chỉ giới thoát lũ nữa mà thay vào đó là quy định về không gian thoát lũ (được xác định bao gồm khu vực lòng sông và bãi sông nằm giữa hai đê).
Đối với khu vực có dân cư tập trung hiện có, được tồn tại, bảo vệ; được cải tạo xây dựng mới công trình, nhà ở theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất. Ngoài ra, địa phương này còn được sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực, với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có (Phụ lục III - Quyết định số 257/QĐ-TTg.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội tại Văn bản 2677/SNN-ĐĐ nói trên, “trình tự, thủ tục thực hiện điều trình quy hoạch theo quy định của Luật Đê Điều, dự kiến kế hoạch sau khi xin ý kiến thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ trình HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 5/2017”. Đến nay, quy hoạch ấy vẫn chưa được cấp nào phê duyệt và vì vậy, khó khăn trong việc cấp phép cho người dân hiện đang sống trong vùng thoát lũ sửa chữa và xây dựng mới nhà ở vẫn chưa được tháo gỡ.
Cửa khẩu quá chật hẹp
Một khó khăn khác cũng đang đặt ra cho những nhà quản lý ở đây, đó là nhu cầu mở rộng hai cửa khẩu trên tuyến đê Hữu Hồng dài 1.550m, đoạn qua địa bàn phường Phúc Xá, từ K63+950 đến K65+200. Đó là các cửa khẩu: Tân Ấp (tại vị trí K63+450) và Long Biên (tại K65+120). Các cửa khẩu này được xây dựng hẹp và có trụ bê tông nổi được bố trí ngay giữa các cửa, dẫn đến chiều rộng lưu thông ở đây càng hẹp hơn.
Theo UBND phường Phúc Xá, nếu như trước năm 2010, phường Phúc Xá chỉ có khoảng 1,2 vạn dân thì đến nay, số này đã lên đến trên 2,5 vạn dân. Thêm vào đó, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn phường này có Đội Phòng cháy chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn số 2 và Trung đoàn cơ động, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được điều về đóng tại đây, phục vụ công tác trật tự, an ninh và quốc phòng. Điều này dẫn đến hàng ngày, lượng người và các phương tiện giao thông qua lại trên địa bàn rất lớn, gây ra tình trạng ùn tắc thường xuyên tại các vị trí cửa khẩu nói trên, nhất là khi các phương tiện chuyên ngành, đa phần là các xe chuyên dụng lớn của 2 đơn vị nói trên được triển khai làm vụ nhiệm vụ.
Trước tình hình này, tại nhiều cuộc họp, các cử tri phường Phúc Xá đã nhiều lần phát biểu kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền mở rộng 2 cửa khẩu nói trên. Các cấp chính quyền cơ quan đã có văn bản kiến nghị không chỉ mở rộng hai cửa khẩu nói trên mà còn cải tạo, sửa chữa đường Hồng Hà phục vụ nhu cầu chính đáng của nhân dân.
Ngày 03/10/2018, Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội) có Văn bản số 1388/CCĐĐ-QL cho biết: “Sẽ tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hà Nội đề xuất UBND TP ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư sửa chữa, mở rộng 2 cửa khẩu theo kiến nghị của UBND phường Phúc Xá và cử tri trong kế hoạch đầu tư, tu bổ đê điều năn 2019”. Tuy vậy, hơn 1 năm trôi qua, nguyện vọng của người dân ở đây cũng vẫn chưa được cấp nào giải quyết.
Từ những phản ánh trên, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TP Hà Nội nhanh chóng vào cuộc, quan tâm, tháo gỡ để người dân trong vùng thoát lũ phường Phúc Xá sớm cải thiện và ổn định đời sống.