Quảng Bình: Nhiều hồ nuôi tôm xả thải bức tử môi trường?
Dòng nước thải đen quánh, bốc mùi nồng nặc từ hàng loạt hồ tôm ngày đêm xả ra biển khiến môi trường ven biển và đời sống người dân nhiều địa phương tại tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng.
Thời gian gần đây, Môi trường và Đô thị Việt Nam nhận được phản ánh của người dân về việc nhiều hồ nuôi tôm ven biển thuộc các xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) xả nước thải gây ô nhiễm, làm ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày.
Theo phản ánh của người dân, sau khi sử dụng nước để nuôi tôm nhiều chủ hồ đã xả nguồn nước thải trực tiếp ra biển mà không thông qua bất kỳ hệ thống xử lý nước thải. Nguồn nước thải được xả ra liên tục cả ngày lẫn đêm, có màu đen, đặc quánh, bốc mùi nồng nặc.
Một cống gom nước thải từ các hồ nuôi tôm ven biển tỉnh Quảng Bình cuồn cuộn đổ ra biển cả ngày lẫn đêm. |
Theo đó, bờ biển xã Bảo Ninh và xã Hải Ninh dài hơn 30km có hàng trăm hồ nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu là các hồ nuôi tôm bao quanh Quần thể khu Du lịch FLC. Dọc bờ biển có nhiều điểm xả nước thải không qua xử lý ra biển. Nước thải được xả lộ thiên hoặc thông qua ống nhựa lớn đặt âm dưới lớp cát.
Theo ghi nhận, tại thôn Cửa Phú (xã Bảo Ninh) có hơn chục điểm xả nước thải. Phần lớn các hồ nuôi nối ống nhựa cỡ lớn, đặt dưới lớp cát để xả nước thải. Đáng nói, tại đây có một cống xả rộng hơn 5m gom nước thải từ hàng loạt hồ tôm để lộ thiên, cuồn cuộn chảy ra biển những dòng nước đen quánh, chưa qua xử lý.
Dòng nước có màu đen ngòm, bốc mùi hôi thối nồng nặc. |
Qua tìm hiểu được biết, đây là các hồ nuôi tôm thuộc quản lý của Công ty TNHH thủy sản Ngô Vinh, Công ty Cổ phần Thanh Hương, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh. Việc xả nước thải ra biển cũng diễn ra khá phức tạp đã diễn ra từ lâu khiến người dân bức xúc.
Cụ thể, phía sau các trang trại tôm này có những con kênh rộng tầm 3m gom nước thải từ hàng trăm hồ tôm. Nước thải sau khi gom lại chảy loanh quanh trên cát hàng chục mét trước khi đổ ra biển. Nước thải có màu đen, chảy ào ạt khiến bọt trắng kéo dài cả con kênh. Đáng nói, con kênh này nằm lộ thiên, chảy trực tiếp trên mặt cát ra biển. Dòng nước đen, hôi thối bốc mùi cả khu vực khiến người dân mỗi lần qua đây phải dùng tay bịt mũi để không bị sặc.
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Liệu - Chủ tịch UBND xã Hải Ninh cho biết, hiện nay tại địa phương có khoảng 30 đơn vị nuôi tôm với diện tích mặt hồ hơn 35 ha. Việc xả nước thải ra môi trường địa phương xã cũng đã nắm và nhiều lần phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, nhắc nhở, xử lý.
Nước thải từ các hồ nuôi tôm được xả trực tiếp trên cát rồi chảy thẳng ra biển mà không qua xử lý. |
“Ngoài việc phối hợp với cơ quan chức năng, kiểm tra xử lý vi phạm khi có phản ánh thì địa phương cũng thường xuyên nắm tình hình, nhắc nhở và yêu cầu các đơn vị viết cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khi có lực lượng chức năng thì người nuôi đều chấp hành tốt nhưng sau đó họ lại lén lút xả thải nên cũng không quản lý hết được”, ông Liệu cho hay.
Cũng theo ông Liệu, khi phát hiện sai phạm về môi trường xã không đủ thẩm quyền để xử lý ngay mà phải chờ báo cáo lên phòng Tài nguyên Môi trường. Việc các hồ nuôi gây ô nhiễm thời gian qua cũng khiến địa phương đau đầu, sắp tới xã cũng sẽ tìm phương án chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng nhằm giảm thiểu ô nhiễm và mang hiệu quả kinh tế cao cho người dân.
Theo ông Nguyễn Viết Giai - Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quảng Ninh, việc ô nhiễm là do các hồ nuôi không chú trọng xây dựng hệ thống chứa và xử lý nước thải hoặc có làm hệ thống chứa nhưng không để nước thải có thời gian lắng động trước khi xả ra môi trường.
“Cuối năm 2019 phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương kiểm tra các đơn vị nuôi tôm tại xã Hải Ninh và phát hiện nhiều vi phạm về ô nhiễm môi trường. Đồng thời yêu cầu đơn vị nuôi thủy sản phải thực hiện đầy đủ, đúng các nội dung của đề án nuôi trồng thủy sản và kế hoạch bảo vệ môi trường đã đăng ký”, ông Giai cho biết.
Nước thải sau khi gom lại chảy loanh quanh trên cát hàng chục mét trước khi đổ ra biển. |
Sự việc này diễn ra trong thời gian dài, người dân nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương song chưa được xử lý dứt điểm khiến môi trường biển và khu vực lân cận bị ô nhiễm, cuộc sống mưu sinh của ngư dân gặp nhiều khó khăn và đặc biệt hàng trăm hồ nuôi tôm xả thải không qua xử lý sẽ gây tác nhân lớn ảnh hưởng đến môi trường bờ biển của các khu du lịch dọc bờ biển Quảng Bình.
Thiết nghĩ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ, sớm vào cuộc xử lý nghiêm các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản xả thải ra biển trái phép nhằm hướng đến việc phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường, đảm bảo cuộc sống cho người dân, cũng như bảo vệ nguồn nước ven biển trong sạch, góp phần phát triển ngành ngành du lịch gắn liền với bờ biển Quảng Bình một cách bền vững.
Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục thông tin.