Quốc ca Việt Nam trường tồn cùng dân tộc!
Bảy mươi tư năm đã trôi qua, trải qua nhiều biến động của lịch sử đất nước, “Quốc ca” một tuyệt phẩm vẫn vững vàng cùng với Đảng và đồng bào cả nước nếm mật nằm gai và chia ngọt sẻ bùi, vượt qua những thử thách cam go để tiến lên phía trước.
Gần một thế kỷ, dân tộc Việt Nam sống trong cảnh màn đêm nô lệ của chế độ thực dân nửa phong kiến. Bầu trời Việt Nam lúc bấy giờ ảm đạm bởi sự bóc lột thậm tệ của đế quốc Pháp. Nhưng với truyền thống của bốn ngàn năm lịch sử, các chí sĩ yêu nước đã lãnh đạo nhân dân và nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra…
Tuy những cuộc khởi nghĩa đó đã thất bại và bị kẻ thù dìm trong biển máu, nhưng ngọn lửa yêu nước vẫn ngầm cháy trong lòng dân tộc ta, để rồi mùa thu năm ấy… tiếng nói thân thương của Bác Hồ kính yêu đã cất lên: “Đồng bào nghe tôi nói rõ không?…”, lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới và ca khúc “Tiến quân ca” hùng tráng vang lên giữa biển người của Thủ đô sôi động. (“Tiến quân ca” tiền thân của “Quốc ca” ngày nay).
“Đoàn quân Việt Minh đi
Sao vàng phấp phới
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”.
Theo các tài liệu thì nhạc sĩ Văn Cao viết “Tiến quân ca” năm 1944, lúc ấy ông mới 21 tuổi, công bằng để đánh giá: chỉ trừ các vĩ nhân và một số người tài xuất chúng, còn bình thường thì 21 tuổi là tuổi đang ngồi trên ghế nhà trường, còn ở Văn Cao vào thời điểm này ngoài tài năng âm nhạc, ông còn có một tố chất thiên bẩm để tiên đoán được con đường cách mạng của Đảng, Bác Hồ và dân tộc.
Chính nhờ tố chất đó cộng với tài năng âm nhạc, đạo đức cách mạng và lòng tự tôn về dân tộc có sẵn trong trái tim nhiệt huyết của ông, thôi thúc ông viết thành công ca khúc bất hũ này. Để phù hợp với thời kì của lịch sử dân tộc, năm 1955 Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã mời nhạc sĩ Văn Cao cùng sửa chữa một số ca từ và từ đó ca khúc “Tiến quân ca” đã trở thành “Quốc ca” hùng tráng của dân tộc Việt Nam.
“Đoàn quân Việt Nam đi
Chung lòng cứu quốc
Bước chân rộn vang trên đường gập ghềnh xa
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước…”.
Âm hưởng của “Quốc ca” thiêng liêng, vang vọng hồn sông núi và rất đỗi tự hào. Từ một dân tộc không có một tấc sắt trong tay, nhân dân Việt Nam phải sống rên xiết dưới gót giày đinh của lũ thực dân đế quốc, Văn Cao đã nhìn rõ nỗi đau đớn đó và ông thật sự tự hào khi mặt trận Việt Minh ra đời cùng với đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hùng dũng, những chiến sĩ xả thân vì sự nghiệp cách mạng, ra đi không hẹn ngày trở lại, máu của họ thấm đỏ màu cờ Tổ quốc Việt Nam thân yêu! Những câu đầu của Quốc ca đã thể hiện ý nghĩa cao đẹp đó.
Nói đến ca từ và tri thức âm nhạc trong “Quốc ca”, chúng ta đều thống nhất với nhau rằng: Cho đến thời điểm này, khi “Quốc ca’ được cất lên không những các bậc tiền bối cách mạng mà thế hệ tuổi trẻ hôm nay rất muốn được ngược dòng lịch sử để tìm lại những nhân chứng lịch sử, những hy sinh mất mát, những nghĩa cử cao đẹp đã làm nên cuộc cách mạng Tháng tám vĩ đại nền tảng của chín năm kháng chiến trường kỳ đưa lại mãi mãi những mùa xuân cho dân tộc:
“Đường vinh quang xây xác quân thù
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng
Tiến mau ra sa trường
Tiến lên, cùng tiến lên
Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Lúc bấy giờ là một nhạc sĩ trẻ nhưng Văn Cao đã có một thế giới quan vững vàng, uyên bác; uyên bác ở âm nhạc, tin tưởng tuyệt đối vào tiến trình của cách mạng Việt Nam. Đó là niềm tin yêu vào Đảng, vào Bác Hồ kính yêu và sức mạnh vĩ đại của nhân dân ta. Tuy gian khổ, chông gai chờ ở phía trước, nhưng vinh quang sẽ trở về với dân tộc.
Chúng ta trân trọng Văn Cao là những triết lý ở nhiều lĩnh vực, trong đó có những quan điểm về lịch sử và sự vận động đi lên mang quy luật biện chứng đưa cách mạng Việt Nam đến ngày thắng lợi. Mấy mươi năm đã trôi qua, mỗi người dân chúng ta ai cũng nhớ năm 1944-1945 ở thế kỷ trước, vận mệnh của đất nước ta “Ngàn cân treo đầu sợi tóc” bởi các thế lực hung bạo trong nước và nước ngoài muốn tiêu diệt ngọn lửa cách mạng và Nhà nước non trẻ của ta mới ra đời. Tuy thế, Văn Cao đã nắm vững quy luật của con đường cách mạng để lột tả bằng cả khối óc và trái tim của mình cho ca khúc “Tiến quân ca” và “Tiến quân ca” là khúc quân hành bằng máu dẫn đường cho các chiến sĩ vệ quốc đoàn làm nên những chiến thắng vang dội, sau này là chiến thắng Điện Biên Phủ. Và cũng là âm hưởng tuyệt vời để nung nấu trong trái tim của người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam và rồi làm nên Đại thắng Mùa xuân năm 1975, đưa non sông Việt Nam về một mối.
Theo các tài liệu và thực tiễn của lịch sử, khi nhạc sĩ Văn Cao viết “Tiến quân ca” thì năm 1940 lá cờ đỏ sao vàng đã được các nghĩa quân sử dụng trong cuộc khởi nghĩa Nam kì lịch sử. Đến năm 1945, lá cờ đỏ sao vàng tung bay giữa Quảng trường Ba Đình và các địa điểm khác trong cả nước (Quốc kì). Điều này càng minh chứng ở Văn Cao có một tầm nhìn xa để lượng hóa về quá khứ, hiện tại, tương lai của con đường cách mạng...
Về âm nhạc, Văn Cao là một trong những người thầy của nền âm nhạc Việt Nam, phân tích âm nhạc của ông, theo tôi không giản đơn…! nhất là “Quốc ca” của một dân tộc, nhưng khi nghe âm nhạc của “Quốc ca”, mỗi người dân Việt Nam như nghe hồn thiêng của dân tộc vọng về từ ngàn năm xưa, quyện vào lòng yêu nước để làm nên lịch sử. Tấm lòng của Văn Cao là tấm lòng theo dõi từng nhịp bước của dân tộc Việt Nam.
Bảy mươi tư năm đã trôi qua, trải qua nhiều biến động của lịch sử đất nước, “Quốc ca” một tuyệt phẩm vẫn vững vàng cùng với Đảng và đồng bào cả nước nếm mật nằm gai và chia ngọt sẻ bùi, vượt qua những thử thách cam go để tiến lên trên con đường đổi mới. Ngày nay, trong các lễ hội hay các cuộc ngoại giao, khi “Quốc ca” được cất lên, trong lòng mỗi chúng ta như có hơi thở của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống, hình ảnh Bác Hồ kính yêu và những lời căn dặn của Người lại vang lên trong công cuộc đổi mới hôm nay. Tiếc rằng, ngày nay khi hát “Quốc ca” có một số cán bộ không phải hát từ trái tim của mình.
“Quốc ca” là một tuyệt phẩm ra đời từ lâu, nhưng có một số cán bộ hát sai những yếu tố cơ bản. Ví dụ đoạn: “Tiến mau ra sa trường” thì lại hát: “Tiến mau ra sạ trường” vừa sai cả ca từ vừa biến nốt Son thành nốt Mi. Không phải điều giản đơn mà trong ca khúc này Văn Cao đã sử dụng rất nhiều nốt Son. Đến đoạn cuối của bản nhạc, Văn Cao đã tài tình dùng cả lời và nhạc để chuyển điệu tạo thành cao trào của nhạc phẩm, ta tưởng tượng như một đoàn quân xông lên và giành chiến thắng. Kết của bài, ông lại dùng nốt Son: si la rê la la si son “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Qua đó, ta thấy ở Văn Cao thật tài tình, ông đã tiên đoán được về thành quả của cách mạng. Và hiện nay, đất nước đã đổi mới rất nhiều, các trang thiết bị dùng trong biểu diễn âm nhạc, nghệ thuật thật sự hiện đại, không phải vì sự hiện đại đó mà các buổi chào cờ, hát “Quốc ca” một số cán bộ lại dùng máy hát thay người. Ta hãy thử nghĩ việc làm đó có đúng phẩm chất của mình đối với Đảng, Bác Hồ và nhân dân hay không? Ở đây, tôi chưa nói một số cán bộ đứng trên bục giảng dùng tài liệu đọc về Chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh thì rất suôn sẻ, nhưng khi hát “Quốc ca” lại không thuộc lời …? Chưa nói đến “Quốc tế ca” lại càng xa lạ.
Nên chăng, một số cơ quan cần dành ít thời giờ để tập “Quốc ca” và “Quốc tế ca” như Trường THPT Phan Huy Chú ở quận Đống Đa có những tiết học đặc biệt: “Hát Quốc ca từ trái tim mình” đã được tác giả Minh Quyết miêu tả trong số báo Tết năm 2016 trên báo Kinh doanh và Pháp luật. “Quốc ca”- ca khúc bất hủ mãi mãi trường tồn với dân tộc Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Cao một trong những người thầy của nền âm nhạc Việt Nam, người đã được Bác Hồ đích thân chọn ca khúc “Tiến quân ca” làm “Quốc ca” không bao giờ phai mờ trong tâm tưởng của đại đa số người nhân Việt Nam.
Chuẩn bị bước sang năm 2020, là năm có nhiều sự kiện trọng đại, tôi xin viết những dòng tâm huyết này kính dâng lên Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và đây cũng là lời nói ân tình từ trong tâm của một người làm báo.