Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 12/11/2021 20:15 (GMT+7)

Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên toà trực tuyến

Chiều 12/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến với 468/475 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành.

Nghị quyết về Tổ chức phiên tòa trực tuyến có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.

tm-img-alt
Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về Tổ chức phiên toà trực tuyến.

Theo đó, Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng, trừ các trường hợp sau đây: Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia quy định tại Chương XIII của Bộ luật Hình sự; vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh quy định tại Chương XXVI của Bộ luật Hình sự.

Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử kết nối với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm ngoài phòng xử án do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng liên tục, công khai, vào cùng một thời điểm.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến phải tuân thủ các quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng và các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật; bảo đảm sự tôn nghiêm của phiên tòa.

Về tổ chức thực hiện: Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao theo thẩm quyền ban hành hoặc chủ trì, phối hợp với Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết này.

Đồng thời, Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết. Tòa án Nhân dân Tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội việc thực hiện Nghị quyết này trong báo cáo công tác hằng năm.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Hội đồng Dân tộc, các uỷ ban khác của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Trước đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết. Theo đó, có ý kiến đề nghị làm rõ căn cứ ban hành Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị ban hành Nghị quyết thí điểm; thí điểm trước ở một số địa phương.

Ý kiến khác đề nghị không tổ chức thí điểm trong hoạt động xét xử của Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xét xử của Tòa án, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến căn cứ vào điểm e khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật là phù hợp.

Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội không quy định tổ chức thí điểm trong hoạt động xét xử; giao Tòa án Nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo việc thực hiện Nghị quyết này với Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm. Khi điều kiện chín muồi, sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng và đưa nội dung về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào luật.

Những ý kiến khác của đại biểu Quốc hội đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Nghị quyết.

Cùng chuyên mục

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.
Mỗi cá nhân được cấp một mã số BHXH và mã số BHYT
Theo BHXH Việt Nam, thông qua việc kết nối, xác thực và chuẩn hoá cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, sẽ đảm bảo mỗi cá nhân chỉ có một mã số bảo hiểm xã hội (BHXH), một mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được bổ sung số định danh cá nhân, căn cước công dân, xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...

Tin mới

Sắp xếp đơn vị hành chính của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 – 2025.