Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có trong vài ngày tới
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, vài ngày tới, Bộ sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024.
Được biết, quy chế thi tốt nghiệp THPT 2024 chủ yếu điều chỉnh về mặt kỹ thuật để có kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đảm bảo công bằng cho mọi thí sinh.
Quy chế thi tốt nghiệp THPT dự kiến bổ sung đầy đủ các chứng chỉ ngoại ngữ đủ tính pháp lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định để miễn thi bài thi ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp năm 2024, tạo sự công bằng chung cho các em và các chứng chỉ ngoại ngữ đã được công nhận.
Tháng 4/2024, thí sinh sẽ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi thi xong, có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển đại học.
Liên quan đến việc thí sinh vừa biết điểm thi tốt nghiệp, vừa biết kết quả xét tuyển sớm các trường, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý, dù đã trúng tuyển sớm nhưng vẫn chưa đỗ chính thức. Theo quy định, thí sinh phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT. Thí sinh phải xếp các nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên ngành nào yêu thích nhất lên trên.
Năm 2024 là năm cuối thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT theo chương trình cũ. Từ năm 2025, kỳ thi sẽ có nhiều thay đổi để phù hợp với lứa học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thong 2018 (chương trình mới).
Nhiều ý kiến băn khoăn là nếu học sinh không đạt điểm để vào đại học năm 2024 thì năm 2025 sẽ phải thi như thế nào. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho rằng, nếu các em sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học, các em phải thi cùng những thí sinh năm sau. Đồng thời khẳng định, sẽ không có kỳ thi lại. Đây là một cuộc đua có nhiều khó khăn, thách thức nên các thí sinh năm nay cần lường trước để nỗ lực hết mình để xét tuyển vào ngành mong muốn.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhìn nhận, chúng ta không thể tổ chức riêng một kỳ thi cho vài em không đỗ tốt nghiệp. Về mặt logic là như thế. Tỷ lệ này cực kỳ nhỏ nên các em phải ôn tập để thi cùng với thí sinh năm sau. Tuy nhiên đây là định hướng chung, còn phương án cuối cùng sẽ do lãnh đạo Bộ GD&ĐT quyết định.