Singapore được coi là "thủ đô sấm sét" của thế giới
Theo Cơ quan Môi trường Singapore, mỗi năm tại nước này có 175 ngày có sấm sét. Tỉ lệ có sét đánh tại nước này gần như 2 ngày 1 lần.
Singapore đang trở thành "ứng cử viên" là "thủ đô sấm sét" của thế giới khi quốc gia Đông Nam Á này là một trong những nước ghi nhận tỷ lệ sấm sét cao nhất.
Sét là một tia lửa điện lớn gây ra do sự chênh lệch điện tích giữa các đám mây giông và mặt đất, hoặc bên trong các đám mây.
Theo Cơ quan Môi trường Singapore, mỗi năm tại Singapore có 175 ngày có sét, theo đó tỷ lệ có sét đánh tại nước này gần như 2 ngày 1 lần. Khoảng 20% sét đánh xuống mặt đất, và hiện tượng này tiềm ẩn nguy cơ đối với con người và cơ sở hạ tầng.
Tại Singapore, những cơn giông xảy ra quanh năm bắt nguồn từ hai hệ thống thời tiết mang mưa lớn. Thứ nhất, những cơn giông nội địa do gió mang hơi ẩm từ biển vào đất liền. Không khí ẩm ướt kết hợp với không khí nóng trên đất liền do nắng nóng gây ra và trong điều kiện không ổn định, tạo thành giông. Thứ hai, giông Sumatra là một dải giông kéo về Singapore sau khi hình thành và phát triển trên đảo Sumatra hoặc eo biển Malacca.
Giáo sư Steve Yim thuộc Khoa Môi trường châu Á, Đại học Công nghệ Nanyang cho biết: "Nói chung, biến đổi khí hậu có thể làm tăng tần suất sét đánh do sự đối lưu gia tăng và nhiều độ ẩm hơn trong khí quyển."
Về mặt lý thuyết, nhiệt độ tăng vọt trên toàn thế giới do biến đổi khí hậu có thể làm tăng khả năng xảy ra giông. Theo Hiệp hội Khí tượng hoàng gia Anh, bầu khí quyển ấm hơn chứa nhiều độ ẩm hơn, khoảng 7% độ ẩm hơn trên mỗi 1 độ C ấm lên.
Năm 2014, các nhà khoa học từ Đại học California, Berkeley và Đại học bang New York dự đoán rằng số lượng sét đánh ở Mỹ sẽ tăng khoảng 12% cho mỗi độ tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu. Giáo sư Steve Yim cho rằng vùng nhiệt đới sẽ cần giải phóng nhiều năng lượng hơn khi lớp khí quyển gần nhất với bề mặt Trái Đất nóng lên.
Theo ông, điều này có thể dẫn đến nhiều sét hơn, vì các dòng đối lưu - các chu kỳ do nhiệt gây ra bởi sự khác biệt về nhiệt độ - sẽ trở nên thường xuyên hơn. Tuy nhiên, Giáo sư Steve Yim cho biết, vẫn tồn tại những yếu tố không rõ ràng trong các mô hình để thể hiện sự tương tác giữa các chất khí dung và mây, ảnh hưởng đến độ chính xác của việc dự báo sét.