Thạch Thất, Hà Nội: Cây đa 9 gốc cần được quan tâm xứng tầm 'cây di sản'
Ngay cạnh bến nước làng Yên Lạc có một gốc đa trùm phủ cả một khoảng không gian rộng lớn. Người dân và các phương tiện giao thông đi lại dưới những nhánh, những gốc của cây đa. Đây là cây đa 9 gốc nằm cách chùa Tây Phương chừng 1km.
Cách trung tâm Thủ đô khoảng 30 km về phía Tây, làng Yên Lạc - tên nôm là Gượm, thuộc xã Cần Kiệm, Thạch Thất, ngoại thành Hà Nội, là một làng quê thơ mộng thuộc Xứ Đoài xưa. Nơi đây vẫn còn một quần thể cây đa - giếng nước - sân đình rất cổ kính, mang đậm nét truyền thống của làng quê Bắc Bộ. Đáng chú ý là cây đa cổ có 9 gốc khá kỳ thú, tuổi thọ chừng 500 năm.
Một số ảnh đẹp về cây đa 9 gốc. |
Các bậc cao niên trong làng cho biết, cây đa cổ này được trồng từ khi làm đình Yên Lạc vào năm Hồng Đức nguyên niên (1469) bên bờ tả của dòng Tích Giang đoan chảy qua làng. Trải qua năm tháng, cây phát triển, rễ đa rủ xuống đất tạo nên 9 gốc to nhỏ, uốn lượn liên kết với nhau, vươn cao, làm nên tán cây rộng lớn, che mát cả một khoảng đất rộng trước sân đình…
Nơi đây lưu truyền lại nhiều huyền thoại kỳ bí nơi gốc đa, bến nước... Dưới gốc đa chính, người dân đã lập cây hương. Các gia đình trong làng có việc trọng đại đều ra đây dâng lễ, cầu khấn. Bên cạnh đó, có bảng ghi lai lịch của cây đa cùng lời nhắc nhở người dân bảo vệ, giữ gìn cây đa cổ thụ quý, như một quy ước của làng. Cây đa được xem là báu vật linh thiêng mà ông cha đi trước đã ban tặng để bảo vệ dân làng khỏi thiên tai, địch họa, mang tới cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Quần thể “Cây đa – Bến nước – Sân đình” làng Yên Lạc đã được công nhận là Cụm di sản văn hóa cấp Quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một số cành cây đang có biểu hiện bị mục ruỗng, cần được chăm sóc, hồi phục.
Ông Kiều Văn Teo - Ban quản lý di tích cho biết: “Để bảo tồn được giá trị của di tích, địa phương đang làm hồ sơ xét “cây di sản” cho cây đa 9 gốc. Vì đây không chỉ là nét đẹp văn hóa mà còn là nét độc đáo hiếm gặp còn lưu giữ lại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mong rằng các Bộ - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng với phòng Văn hóa Thông tin huyện Thạch Thất quan tâm gìn giữ cây đa 500 tuổi này và có những hướng đi phù hợp hơn để giữ gìn bản sắc dân tộc, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân trong vùng”.