Thảm cảnh COVID-19 tại Ấn Độ qua bức thư của Đại sứ Việt Nam: Nhân ơi, xin em đừng chết!
Bức thư của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gửi một kỹ sư Việt Nam đang hỗ trợ xây trụ sở Đại sứ quán vừa mắc COVID-19 đang thu hút sự quan tâm của dân mạng khi lột tả phần nào thảm cảnh vì dịch bệnh tại nước này.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Ấn Độ đang diễn biến theo chiều hướng rất xấu. Chỉ trong 24h qua, Ấn Độ có thêm 349.691 ca nhiễm mới và 2.767 ca tử vong, theo hãng tin Reuters.
Thủ đô New Delhi, tâm dịch ở nước này, đang khủng hoảng y tế trầm trọng. Ca nhiễm mới mỗi ngày vẫn cao khiến các bệnh viện quá tải và lâm vào khủng hoảng thiếu oxy trầm trọng. Rất nhiều hãng tin trên thế giới có bài viết và đăng tải những hình ảnh đau lòng về khủng hoảng y tế hay tình trạng quá tải ở các lò thiêu tại Ấn Độ giữa làn sóng COVID-19 nghiêm trọng.
Và mới đây, bức thư của Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu gửi cho Tuổi Trẻ, trong đó viết cho Nhân, một kỹ sư Việt Nam đang hỗ trợ xây trụ sở Đại sứ quán vừa mắc COVID-19, sau khi được chia sẻ trên MXH đã khiến dân mạng xót xa. Bức thư có đoạn:
"Nhân yêu quý,
Từ lúc em nhập viện, 24 tiếng đồng hồ đã trôi qua mà Đại sứ không nhận được bất kỳ tin tức nào của em.
Một tuần qua thật khủng khiếp, mọi việc diễn biến nhanh không ngờ. Mới hôm thứ năm tuần trước (15-4) sau khi đi công tác về, Đại sứ cùng em còn say sưa bàn các giải pháp chống thấm cho trụ sở mới của Đại sứ quán (ĐSQ) thì ngay hôm sau em đã sốt và phải nghỉ ở nhà.
Cũng đúng chiều hôm thứ sáu (16-4), Thủ hiến vùng New Delhi lên tivi công bố lệnh phong tỏa toàn bộ thủ đô khi đợt dịch lần thứ 2 bất ngờ tấn công Ấn Độ với số ca nhiễm trên 200.000 người chỉ trong 24 giờ.
Sau em đến lượt các bạn Tuấn "béo", Tuấn "râu", Trung, Cường, Bền và Tùng lần lượt sốt. Trong ĐSQ, anh Hùng ở bộ phận bếp cũng đã mắc COVID-19.
Đại sứ cứ tưởng với việc kích hoạt ngay nhóm hỗ trợ khẩn cấp, khai báo tình trạng sức khỏe của mỗi người 3 lần một ngày trên phần mềm chung, cùng nhau làm "bác sĩ" theo dõi và chữa trị cho nhau, chúng ta sẽ khống chế được bệnh dịch như cách mà Đại sứ và 38 đồng nghiệp ĐSQ đã làm và dắt tay nhau lặng lẽ vượt qua đợt dịch cuối tháng 9 năm ngoái. Nhưng Đại sứ đã lầm. Cuộc chiến lần này nguy hiểm và cam go hơn rất nhiều"....
Đại sứ Phạm Sanh Châu sau đó kể tới khó khăn khi các bệnh viện ở Ấn Độ rơi vào tình trạng quá tải, khiến chuyện xét nghiệm cho bệnh nhân, trong đó có các nhân viên làm việc ở Đại sứ quán. Thậm chí, ngay cả kết quả xét nghiệm có rồi cũng không thể tìm thấy vì mọi thứ đang hỗn loạn vì quá tải.
Theo bức thư gửi Tuổi Trẻ, Đại sứ Phạm Sanh Châu tiết lộ, kỹ sư Nhân đã trải qua ngày thứ 5 nhiễm bệnh và vẫn sốt rất cao. Tuy nhiên, dù các nhân viên trong Đại sứ quán huy động tìm cách để có giường bệnh cho Nhân, cùng những nhân viên khác, nhưng vô vọng bởi ở thời điểm hiện tại, điều này rất khó khăn. Trong thư, vị Đại sứ kể lại quá trình đưa kỹ sư Nhân nhập viện, trong tình cảnh thiếu thốn, vô cùng xúc động. "Đúng như dự đoán, mãi 3 tiếng sau khi Đại sứ về, em mới được nhập viện vì họ không tìm thấy kết quả xét nghiệm dương tính của em. Nhìn thấy em lê lết ngồi ngoài đường chờ đợi mà lòng Đại sứ quặn đau. May mắn thay khi em tiếp cận được bình oxy thì nồng độ oxy trong máu của em chỉ còn 80%."
Cuối thư, Đại sứ Phạm Sanh Châu mong anh Nhân sẽ vượt qua cửa tử thành công: "Nhân ơi, với tư cách là một Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền, tôi ra lệnh cho em không được chết vì dự án của chúng ta vẫn còn dang dở. Ngôi nhà Việt thật đẹp giữa thủ đô New Delhi đang đợi chúng ta hoàn tất. Hơn bao giờ hết ĐSQ cần có em".
Những dòng tâm sự trong bức thư trên của Đại sứ Phạm Sanh Châu phần nào lột tả mảng tối của tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại Ấn Độ và tình trạng của kỹ sư tên Nhân khiến dân mạng vô cùng xót xa: "Nhân ơi, cố lên em!", "Cầu mong em Nhân sẽ vượt qua, mong tất cả các bạn sẽ bình yên giữa tâm dịch. Con virus này ngày càng khủng khiếp", "Một sự lo lắng ko hề nhẹ. Chúc Đại sứ và toàn thể anh em cán bộ trong ĐSQ VN tại Ấn Độ vượt qua sóng gió và qua đại dịch này"...
Bên cạnh đó, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự lo ngại trước diễn biến dịch bệnh ở Ấn Độ: "Thật nguy hiểm vô cùng. Tổ chức các lễ hội đông nghịt người tham dự khiên tình hình COVID-19 ở Ấn Độ ngày càng tồi tệ hơn", "Ấn Độ đang trải qua thời kỳ khủng hoảng vì COVID-19. Cầu mong tất cả mọi người đều vượt qua"...