Thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức theo quy định mới
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2023/NĐ-CP ngày 20/9/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP ngày 18/9/2020 về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, quy định rõ thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức.
Theo quy định tại Điều 31 Nghị định 112/2020/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 15 Điều 1 Nghị định 71/2023/NĐ-CP, thẩm quyền xử lý kỷ luật viên chức. Cụ thể:
Đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức giữ chức vụ, chức danh do bầu thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật.
Đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quản lý viên chức tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều 35 Nghị định 112/2020/NĐ-CP.
Trường hợp xử lý bằng hình thức buộc thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập báo cáo cấp có thẩm quyền tuyển dụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập có thẩm quyền tuyển dụng hoặc được phân cấp thẩm quyền tuyển dụng.
Đối với viên chức biệt phái, người đứng đầu cơ quan nơi viên chức được cử đến biệt phái tiến hành xử lý kỷ luật, thống nhất hình thức kỷ luật với cơ quan cử biệt phái trước khi quyết định hình thức kỷ luật.
Trường hợp kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc thì căn cứ vào đề xuất của Hội đồng xử lý kỷ luật, cơ quan cử biệt phái ra quyết định buộc thôi việc. Bên cạnh đó, hồ sơ, quyết định kỷ luật viên chức biệt phái phải được gửi về cơ quan quản lý viên chức biệt phái.
Ngoài ra, đối với viên chức làm việc trong Tòa án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân thì thẩm quyền xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý viên chức.