Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 19/11/2021 11:55 (GMT+7)

Thanh Oai - Hà Nội: Xót xa công viên tiền tỷ xây xong bỏ hoang

Công trình xây dựng quảng trường, công viên cây xanh huyện Thanh Oai có giá trị đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng không hiểu vì sao công trình xây xong không được đưa vào sử dụng mà bỏ hoang nhiều năm, cơ sở hạ tầng bên trong bị xuống cấp, bụi bẩn.

Vừa qua, Tòa soạn Môi trường và Đô thị Việt Nam có nhận được đơn thư phản ánh về việc công trình Quảng trường, Công viên cây xanh huyện Thanh Oai mặc dù đã hoàn thành các hạng mục nhưng lại bị bỏ hoang trong suốt một thời gian dài. Điều lạ là dù ngay đầu thị trấn Kim Bài và nằm hoàn toàn riêng biệt nhưng lại không có bất kỳ một cơ quan chức năng nào "ngó ngàng" tới công trình tiền tỷ này.

tm-img-alt
Phiến đá ghi tên Công viên huyện Thanh Oai với hàng gạch xỉn màu và cỏ dại mọc xung quanh

Được biết, Công trình này nằm trong dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 21B đoạn qua thị trấn Kim Bài (từ KM 10+350 đến KM 13+200) kết hợp xây dựng quảng trường công viên cây xanh huyện Thanh Oai với tổng chiều dài 2,85km và mức đầu tư khái toán hơn 265,8 tỷ đồng do UBND huyện Thanh Oai làm chủ đầu tư và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Oai làm đơn vị đại diện chủ đầu tư.

Đối với phần xây dựng Quảng trường, công viên cây xanh được xây dựng trên khu đất 12.517m2 gồm các hạng mục như: san nền, kè xây, tường rào, đài phun nước, sân đường nội bộ, bãi xe, nhà dịch vụ, hệ thống sân vườn, cây xanh và một số công trình phụ trợ khác. Đây được coi là một phần rất quan trọng trong việc tạo bộ mặt đô thị khang trang, khu sinh hoạt cộng đồng tại trung tâm huyện Thanh Oai.

tm-img-alt
Hàng gạch bị nứt toác đến cả đốt ngón tay, kéo dài nhiều mét ngay phía lối lên quảng trường

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì mà từ khi hoàn thành đến nay, công trình này gần như chưa phục vụ được bất kỳ một hoạt động sinh hoạt nào của người dân. Thậm chí đến thời điểm hiện tại, công trình không khác gì một dự án bị bỏ hoang dù giá trị đầu tư không hề nhỏ.

Theo bà N.T.V, một người dân sống gần khu vực công trình này thì từ rất lâu rồi nơi này luôn khóa cửa phía cổng vào mà người dân không biết lý do tại sao. Nhìn công trình nhiều tỷ đồng bị bỏ hoang mà chúng tôi rất xót xa nhưng cũng chỉ dám đứng nhìn từ phía ngoài vào mà thôi. Nhiều người còn thắc mắc là tại sao không có đơn vị nào chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo dưỡng công trình này?.

tm-img-alt
Hoa xấu hổ và cỏ dại mọc che lấp hết cả lối đi

Còn theo ông T. V.B nếu cứ để cỏ dại mọc che hết lên phần gạch lát, bờ tường thì đến lúc có muốn cải tạo để đưa vào sử dụng cũng khó vì nguyên vật liệu xây dựng có lẽ đã hỏng, xuống cấp hết rồi. Hầu như ai khi đi qua đây cũng đều nhìn thấy rất rõ sự xuống cấp của công trình nhưng chả hiểu tại sao các cấp chính quyền lại không có động thái gì tu sửa, giữ gìn cả. Nhiều đứa trẻ con cũng muốn vào phía trong chơi vì có khoảng sân rộng nhưng cửa khóa suốt ngày nên người lớn cũng không vào trong được.

tm-img-alt
Hệ thống gạch ốp bị bong tróc sắp bị hoa xấu hổ che lấp

Để tìm hiểu thực tế sự xuống cấp của công trình, PV phải tìm một khe hở để vào phía trong. Nhìn phía ngoài tan hoang 1 thì phía trong có lẽ phải tan hoang đến 10. Ngay phía cổng vào là một bụi cây xấu hổ mọc xanh tốt che mất cả nửa bức tường của nhà dịch vụ kéo dài hàng chục mét. Phiến đá ghi chữ "Công viên huyện Thanh Oai" dù nhìn vẫn còn mới nhưng không thể khỏa lấp được những hàng gạch lát đã xỉn màu ngay bên dưới chân.

Lối đi lên đài phun nước có hàng rào bằng inox cũng đã bắt đầu hoen rỉ, một số viên gạch ốp dài đến cả mét đã bị bung ra để lộ một khe hở rộng đến gần 1 đốt ngón tay. Bên cạnh là hàng cỏ dại mọc kín bờ bò cùng 2 cây xanh được trồng đã chết khô. Khu vực nhà vệ sinh cũng được rất nhiều cỏ dại che lấp gần một nửa bờ tường. Đi sâu thêm vào một đoạn là một cây dại mọc còn cao hơn cả cây thông phi lao được trồng.

Phía lối đi bên hông phải của công viên cỏ dại đã mọc lan hết ra cả lối đi, hàng cây được trồng cũng nham nhở cây chết và cây còn sống nhìn rất phản cảm. Nhiều viên gạch bo bờ bao đã nứt toác ngửa hết ra phía ngoài, đếm sơ qua cũng lên đến hơn chục viên. Cỏ dại cũng đã bắt đầu mọc lan ra phía ngoài khu vực sân rộng có đài phun nước che hết cả bờ bao dài đến mấy chục mét.

Phía sau Quảng trường là 2 chòi nghỉ đã bị cỏ dại mọc che gần hết lối vào với hoa xấu hổ chiếm tỷ lệ nhiều hơn cả. Lối đi phía sau rộng gần 2m cũng bị che kín chỉ còn đủ cho một người đi qua. Cạnh đó là một cây cảnh được trồng với đường kính khoảng 40cm đã bị đổ chắn ngang lối đi. Những khe nứt rộng đến cả đốt ngón tay xuất hiện rất nhiều tại khu vực phía sau Quảng trường càng làm cho khung cảnh thêm hoang hóa.

Phần hông bên trái cũng rậm rạp không kém với những hàng cỏ dại "mặc nhiên" vươn mình che hết lối đi. Một số cây hoa được trồng giống hoa cúc đã nở hoa xen lẫn màu hồng của hoa xấu hổ, màu trắng của hoa dại nhìn như một bức tranh tương phản giữa hiện tại và quá khứ.

Phía trên cùng là phần sân khấu được lát gạch màu vàng nhạt đã xuất hiện rất nhiều vết nứt dài đến 5-6m rất sát nhau. Trong khoảng sân khấu có đến hàng chục vết nứt như vậy càng tô điểm cho sự xuống cấp nghiêm trọng của quảng trường, công viên cây xanh của huyện Thanh Oai này.

Theo người dân nơi đây thì công trình này hoàn thành được khoảng 1 năm nay, tuy nhiên sự xuống cấp và rất nhiều cỏ dại mọc um tùm là điều không khó để nhận ra dù chỉ nhìn từ phía cổng vào.

Không biết với một công trình có giá trị lớn cả về vật chất lẫn tinh thần như vậy mà chính quyền huyện Thanh Oai lại "ngó lơ" như vậy có nguyên nhân gì không? Nhưng rõ ràng việc để hoang hóa cả một công trình nhiều tỷ đồng như vậy là không thể chấp nhận được. Rất mong các cơ quan chức năng TP. Hà Nội sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời.

Cùng chuyên mục

Vĩnh Phúc công bố danh sách 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc về tăng cường quản lý các dự án khu đô thị, nhà ở trên địa bàn và công khai các dự án vi phạm, chậm tiến độ, Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc vừa có báo cáo về 46 dự án trên địa bàn. 46 dự án khu đô thị, nhà ở chậm tiến độ được cập nhật đến hết ngày 29/2.
Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thêm chính sách ưu đãi với dự án nhà ở xã hội
Để góp phần xây dựng hoàn thiện các cơ chế chính sách, pháp luật và xác định các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư đẩy mạnh triển khai, thực hiện các dự án nhà ở xã hội nhanh hơn, Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho rằng cần tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thủ tục, cũng như bổ sung hoặc tăng thêm chính sách ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Tin mới

Shark Bình: Từ 2 triệu tiền viết phần mềm thuê, mua máy tính nhờ tiền bán đất đến 'cá mập' Shark Tank
Bà Phạm Thị Kim Hòa, mẹ của Shark Bình, chia sẻ rằng niềm đam mê công nghệ thông tin của con trai bà đã được bộc lộ từ khi còn học phổ thông. Khi ấy, để con trai có thể theo đuổi đam mê, bà đã không ngần ngại bán đi hai mảnh đất để mua cho Bình chiếc máy tính đầu tiên.