Thành phố New York đang sụt lún do sức nặng của các tòa nhà chọc trời
Giới khoa học cho biết các công trình nhà chọc trời đang đe dọa thành phố New York của Mỹ nhiều hơn là biến đổi khí hậu.
Thành phố New York phồn thịnh đang lún xuống với tốc độ nhanh và nghiên cứu mới nhất tiết lộ rằng nguyên nhân đằng sau nó chính là tham vọng ngày càng lớn của các nhà phát triển bất động sản.
Nhóm nghiên cứu tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ và Đại học Rhode Island phát hiện rằng sức nặng của những tòa nhà chọc trời khổng lồ của thành phố đang khiến năm quận ở đây bị lún từ 1 - 2 milimét mỗi năm.
Nhóm nghiên cứu này đã phân tích trọng lượng của 1.084.954 tòa nhà được xây dựng trên thành phố rộng 783km vuông này, với hơn 6.000 tòa nhà chọc trời và 247 trong số đó là nhà cao hơn 45 mét.
Trong lúc những công trình xây dựng khổng lồ này ép mặt đất bên dưới chúng ngày càng gần với mực nước biển thì biến đổi khí hậu đang nâng đại dương lên để nhấm chìm chúng.
Mặc dù vài milimét nghe có vẻ không đáng kể, nhưng một số khu vực của New York đang lún nhanh hơn nhiều lần, tương đương với tốc độ di chuyển nhanh nhất của các mảng kiến tạo Trái đất.
“Tình trạng này có thể trở nên trầm trọng hơn khi có bão”, nhà địa chất và đồng tác giả nghiên cứu Tom Parsons thuộc Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ nói.
Thành phố chìm xuống và thủy triều dâng cao sẽ khiến New York có nguy cơ bị ngập trong nước lũ cao hơn vào thời gian tới, khi một cơn bão như Sandy hoặc Ida hoành hành trên bờ biển Đại Tây Dương.
“Không nhất thiết là hòn đảo này sẽ bị nhấn chìm hoàn toàn. Nhưng bạn có thể bắt đầu hứng chịu ngập lụt”, ông Parsons kết luận.
Ông Parsons và các đồng nghiệp nói rằng nghiên cứu của họ có khả năng đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của tình hình, vì chưa tính đến sức nặng của các công trình xây dựng khác như đường nhựa, vỉa hè bê tông, đường sắt hoặc các phần cơ sở hạ tầng còn lại.
Năm ngoái, một số tác giả thuộc Đại học Rhode Island đã liệt kê New York cùng với 98 thành phố ven biển khác trên khắp thế giới đều đang chìm dưới sức nặng của những công trình xây dựng khổng lồ.
Ở hầu hết thành phố mà họ khảo sát, nền đất bên dưới đang rút đi nhanh hơn so với mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Đây là một sự kết hợp nguy hiểm đe dọa người dân với nguy cơ xảy ra lũ lụt lớn hơn sớm hơn so với dự đoán của các mô hình khí hậu ngày nay.
Đối với nghiên cứu mới này, đầu tiên, các nhà khoa học tính tổng khối lượng của hơn một triệu tòa nhà ở New York là 764 tỷ kg hay 1,68 nghìn tỷ pound.
Bằng cách kiểm tra toàn bộ khối trọng lượng đó được phân bố trên một lưới ô vuông có kích thước 100x100 mét, nhóm nghiên cứu đã có thể chuyển đổi khối lượng của tòa nhà thành một phép đo rõ ràng về phần lực đè lên nền đá bên dưới thành phố. Sau đó, họ đối chiếu kết quả với hình ảnh vệ tinh trên toàn thành phố để kiểm tra mô hình dựa trên dữ liệu trong thế giới thực.
Họ cho biết một yếu tố khác thậm chí có thể khiến vấn đề trở nên tồi tệ nhanh hơn là việc thoát nước và bơm nước ngầm, về cơ bản có thể hỗ trợ áp lực từ các tòa nhà xuống để nén chặt hơn nữa đất và đá bên dưới.
Ông Parsons và các đồng nghiệp lưu ý rằng mục đích của nghiên cứu trên là nhằm nâng cao nhận thức về việc mọi tòa nhà cao tầng được xây dựng tại các khu vực ven biển, sông hoặc ven hồ đều có thể góp phần gây ra nguy cơ lũ lụt trong tương lai.
Đáng chú ý, New York chắc chắn không đơn độc khi nói về vấn đề sụt lún ở các thành phố lớn. Một phần tư thủ đô Jakarta của Indonesia có thể chìm dưới nước vào năm 2050. Nhiều khu vực của thành phố Đông Nam Á này đã chìm gần 11 cm mỗi năm vì hoạt động khai thác nước ngầm. Hơn 30 triệu cư dân Jakarta đang tính đến khả năng di dời thủ đô hoặc phải tăng gấp đôi các biện pháp hành động vì khí hậu, chẳng hạn như lựa chọn xe buýt điện.
Trong khi đó, New York đứng thứ ba về khả năng hứng chịu lũ lụt trong tương lai. Phần lớn hạ lưu Manhattan chỉ cao hơn mực nước biển hiện tại 1 và 2 mét. Các cơn bão vào năm 2012 (Sandy) và 2021 (Ida) cũng cho thấy thành phố chủ yếu được trải nhựa có thể bị ngập trong nước nhanh như thế nào.