Thi bằng lái xe ôtô: Học phí tăng gấp đôi và có 600 câu hỏi
Kể từ năm 2020, sẽ có nhiều quy định mới khi thi bằng lái xe ô tô. Theo đó các chương trình trình sát hạch và thi sẽ khó hơn trước, lệ phí và việc cấp bằng lái xe cũng sẽ thay đổi.
Trước thực trạng số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng không ngừng gia tăng do người dân không hiểu luật, tình trạng mua bằng, thiếu kinh nghiệm lái xe ô tô, đạo đức tài xế xuống cấp... Do vậy, để siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo thì quy định mới trong thi và cấp bằng lái xe sẽ có hiệu lực từ năm 2020.
Với quy định mới này, các chương trình sát hạch và thi sẽ khó hơn trước, lệ phí và việc cấp bằng lái xe cũng sẽ thay đổi.
Học phí tăng gấp đôi
Theo thông tư mới nhất của Bộ Giao thông vận tải (38/2019/TT-BGVT) về quy định đào tạo và sát hạch bằng lái xe các hạng tại Việt Nam thì mức học phí đào tạo lái xe ô tô trong năm 2020 sẽ tăng gấp đôi và kèm theo quy định thi bằng lái xe ô tô cũng có nhiều thay đổi.
Nguyên nhân cho việc tăng lệ phí gấp đôi chính là bổ sung thêm 100 giờ bao gồm các chương trình học mới về đạo đức lái xe và học sửa chữa xe cơ bản. Đối với bằng B2 sẽ có mức lệ phí tăng gấp đôi so với trước từ 15 triệu lên 30 triệu.
Thêm vào đó, từ ngày 1/6/2020 với mỗi Giấy phép lái xe (GPLX) sẽ có một mã QR riêng để cơ quan chức năng có thể nhận biết được cơ sở, trung tâm cấp bằng, bên cạnh đó tránh được tình trạng mua và làm bằng lái xe giả.
Bộ đề thi lý thuyết tăng lên 600 câu
Bộ đề thi lý thuyết cũng tăng số câu hỏi từ 450 câu lên 600 câu hỏi, trong đó có 100 câu điểm liệt mà học viên cần lưu ý. Chỉ cần trả lời sai 1 câu hỏi thuộc số câu điểm liệt thí sinh sẽ bị hủy thẳng tay kết quả bài thi lý thuyết, đồng nghĩa với việc bị trượt.
Trang bị thiết bị giám sát học viên
Quy định mới cũng nêu rõ, từ năm 2020 các cơ sở đào tạo lái xe ô tô trang bị, duy trì cabin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành. Bên cạnh đó, từ ngày 1/5/2020 các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát và nhận dạng học viên trong thời gian học lý thuyết. Điều này có nghĩa là học viên phải học đầy đủ thời gian đào tạo lý thuyết mới được dự sát hạch.
Việc đào tạo và sát hạch bằng lái xe thông qua thiết bị mô phỏng dự kiến sẽ được triển khai từ năm 2021. Thời gian học trên thiết bị mô phỏng dự kiến là 3 giờ. Sau khi hoàn thành khóa tập lái trên sân và trước khi tập lái trên đường.
Trình tự sát hạch mới sẽ là lý thuyết-mô phỏng-sa hình-đường trường. Như vậy, nếu không vượt qua bài thi trên thiết bị mô phỏng, bạn sẽ không được tham gia thi sát hạch trên ô tô.
Bổ sung thêm nội dung tác hại của bia rượu
Bên cạnh đó, chương trình học lý thuyết sẽ có thêm nội dung đào tạo mới dù thời lượng từng môn không thay đổi. Trong đó đổi tên môn học đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông.
Trước đó, trả lời tại phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, Bộ cũng tăng cường giám sát thời gian học cả lý thuyết và thực hành đồng thời tăng độ khó của các đề thi. Cụ thể, mức độ khó được nâng lên trong những tình huống thi và nếu học viên không làm đúng có thể bị đánh rớt ngay. Như xe vượt đèn đỏ có ký hiệu đường sắt, học viên mắc lỗi trong tình huống này sẽ gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng.
“Bộ cũng cố gắng cải tiến công tác đào tạo, đảm bảo lái xe nhận bằng có thể tham gia giao thông tốt nhất,” Bộ trưởng khẳng định.
Theo Bộ trưởng Thể, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm, Thanh tra Bộ tiến hành kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạnh lái xe. Bên cạnh đó, Bộ cũng tham mưu với Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật phù hợp với thực tế.
P.V