Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 08/12/2020 02:53 (GMT+7)

Thị trường điện thoại Mỹ: VinSmart có nhiều cơ hội tốt

Thời gian qua, nhiều báo quốc tế về công nghệ như chuyên trang PC Mag (Anh), XDA (Mỹ) và Kr-Asia (Singapore)... đã phân tích về tương lai của điện thoại Việt Vsmart khi gia nhập thị trường Mỹ.

Sản phẩm Việt sẵn sàng chinh phục người tiêu dùng Mỹ

Chuyên trang công nghệ XDA nhấn mạnh, VinSmart chuẩn bị bán điện thoại thông minh 5G “made in Vietnam” đầu tiên tại Mỹ vào năm 2021, ngay sau khi họ ký hợp đồng sản xuất 2 triệu điện thoại thông minh cho một nhà mạng Mỹ vào tháng 11/2020. Theo điều tra của Bloomberg, có khả năng đối tác của VinSmart là nhà mạng AT&T.

Ông Nguyễn Minh Việt, Giám đốc viện nghiên cứu của VinSmart đã chia sẻ với báo giới: “VinSmart dự định sản xuất và tung ra các dòng sản phẩm chiến lược trong Quý 4 năm nay, ví dụ như nền tảng 5G mới của Qualcomm với nhiều công nghệ tiên tiến khác về âm thanh và hình ảnh.”

Theo tờ The Nation của Thái Lan, nhà sản xuất điện thoại của Việt Nam vẫn đang ngày ngày chờ đợi sự ra mắt chính thức của dịch vụ di động 5G tại Việt Nam.

“Hiện tại, VinSmart đang phát triển và thương mại hóa các mẫu điện thoại 5G với giá cả phải chăng cho thị trường Mỹ vì đây là nơi mà 5G đã trở nên phổ biến. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã có kế hoạch bán tại Việt Nam khi Việt Nam phủ sóng 5G.” - Bà Nguyễn Thị Hồng, Tổng giám đốc khối điện thoại của VinSmart cũng cho biết.

Toàn cảnh nhà máy VinSmart với công suất sản xuất lên tới 130 triệu chiếc mỗi năm

Được biết, các đại gia viễn thông như Viettel, Mobifone và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cũng đã nhận được giấy phép thử nghiệm vào tháng 11 vừa qua để thử nghiệm thương mại 5G tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Thị trường Mỹ luôn có chỗ cho thương hiệu mới

Khác với Việt Nam, tại thị trường Mỹ, hai ông lớn T-Mobile và AT&T đã triển khai mạng 5G trên toàn quốc.

Với tuyên bố từ đại diện của VinSmart, trang Kr-Asia nhận đinh, hãng điện thoại Việt đang nhanh chóng “nhảy vào” đáp ứng thị trường Mỹ - nơi nhu cầu sử dụng điện thoại 4G và 5G ngày một tăng lên. Kr-Asia dẫn số liệu thống kê từ Công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, trong Quý 2/2020, có đến 70% số lượng điện thoại thông minh vào thị trường Mỹ từ các thương hiệu của Trung Quốc như Xiaomi, Oppo, Vivo…

Trang PC Mag cho biết, tại Mỹ, hai thị trường phân phối điện thoại chính là thị trường trả sau và trả trước.

Theo báo cáo từ Công ty nghiên cứu Wave7 (Mỹ), trong tháng 10/2020, 93% điện thoại trả sau được bán qua T-Mobile là của Apple hoặc Samsung; 96% tại Verizon và 99% tại AT&T. Cụ thể, AT&T đang bán điện thoại của Apple, Google, Kyocera, LG, Microsoft, Motorola, Samsung, Sonim và Tinno. Nhưng, rất ít trong số đó đạt được doanh số bán hàng lớn.

Khác với thị trường trả sau, thị trường trả trước của Mỹ được coi là cơ hội cho những nhà sản xuất vừa và nhỏ bởi tại đây, mỗi nhà sản xuất đều tìm được một thị trường ngách. Ví dụ, các mẫu điện thoại Wiko và Coolpad được phân phối bởi Boost và Assurance, nhà cung cấp cho người tiêu dùng có thu nhập thấp. Assurance cũng bán điện thoại của Unimax. Kroger Wireless, chuyên bán điện thoại thông qua các cửa hàng tạp hóa với các mẫu điện thoại Nuu, PCD và Foxxd.

PC Mag dẫn nguồn tin từ một trang web của Ấn Độ, Vsmart Aris 5G có thể sẽ được bán với giá khoảng 25.000 Rs (khoảng 338 USD). Đây có thể là lý do tại sao AT&T đang xem xét làm đối tác với nhà sản xuất điện thoại của Việt Nam nhằm mở rộng phân khúc điện thoại 5G tầm trung bởi mẫu điện thoại 5G rẻ nhất của AT&T là LG K92 5G đã có giá lên tới 395 USD.

Nhà báo công nghệ Sascha Segan khẳng định trong bài xã luận của PC Mag, vẫn còn chỗ cho những thương hiệu mới mong muốn gia nhập thị trường Mỹ.

Cùng chuyên mục

Top 5 đơn vị dịch vụ vệ sinh máy lạnh Đà Nẵng chất lượng
Nếu bạn ở Đà Nẵng và đang phân vân không biết nên phải chọn đơn vị vệ sinh máy lạnh nào thì hãy yên tâm, bài viết này sẽ gợi ý top 5 đơn vị dịch vụ vệ sinh máy lạnh tại các khu vực địa phương thuộc thành phố Đà Nẵng với chất lượng dịch vụ chuyên nghiệp để bạn lựa chọn.

Tin mới

Tạm giữ gần 10 tấn bột ngọt do nước ngoài sản xuất vi phạm về nhãn hàng hóa
Đội QLTT số 2, Cục QLTT tỉnh Phú Yên vừa phối hợp Phòng PC08 - Công an tỉnh Phú Yên tiến hành kiểm tra phương tiện xe ôtô tải biển kiểm soát số 78H-009.23 do ông Bùi Duy Tùng là người trực tiếp điều khiển. Đoàn công tác phát hiện trên xe đang vận chuyển gần 10 tấn bột ngọt vi phạm về nhãn hàng hóa