“Thọ nhận phẩm vật trong lễ cúng dường là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật bảo hộ”
Đây là ý kiến của Hoà thượng Thích Tánh Nhiếp - Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình.
Những ngày qua, đoạn video clip ghi lại hình ảnh chư Tăng của một ngôi chùa đi khất thực và thọ nhận sự cúng dường (hoa quả, vật thực, tiền bạc của Phật tử và nhân dân thập phương) được đăng tải và lan truyền trên khắp các trang mạng xã hội. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đoạn clip này không bị cắt ghép nhằm những mục đích khác. Vậy nên hàng loạt ý kiến trái chiều đã xuất hiện. Có người cho rằng việc chư Tăng nhận tiền cúng dường là rất bình thường và hợp đạo lý, nhưng có ý kiến lại cho rằng đó là việc làm phản cảm.
Bàn về vấn đề này, Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp - Uỷ viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương GHPGVN, Phó ban Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế, Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Quảng Bình, trụ trì chùa Đại Giác cho hay, việc chư Tăng đi khất thực là truyền thống Phật giáo có từ ngàn xưa. Trong thời Phật tại thế, Ngài cùng các đệ tử cũng đi khất thực và nhận được sự dâng cúng của toàn thể nhân dân.
Người dân chuẩn bị thức ăn, thuốc men, y áo, tài sản, ruộng vườn, đất đai, tịnh xá, tịnh thất,... để dâng cúng Đức Phật và chúng Tăng. Đức Phật đã thọ nhận sự cúng dường của nhân dân, chính vì thế mà họ được thọ hưởng phước báo vô cùng to lớn.
Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp chia sẻ thêm: “Các Phật tử cúng dường cho chư Tăng là hoàn toàn tự nguyện, không bị ai ép buộc. Chư Tăng thọ nhận sự cúng dường đó là hoàn toàn hợp pháp. Hơn nữa, trong Bộ luật Dân sự về việc cho biếu, tặng phẩm vật, tài sản, vấn đề này không vi phạm luật pháp của Nhà nước”.
“Vì vậy, chư Tăng thọ nhận những phẩm vật cúng dường của Phật tử để nuôi dưỡng Tăng đoàn, xây dựng chùa chiền làm nơi tu học cho Phật tử, làm công tác từ thiện xã hội. Đó là vấn đề hoàn toàn hợp pháp, không có gì sai trái” - Hòa thượng Thích Tánh Nhiếp khẳng định.
Nhìn nhận thêm dưới góc độ pháp luật, các chuyên gia pháp lý cũng phân tích, Bộ luật Dân sự Việt Nam hiện không có quy định cấm, hạn chế hành vi “xin” của cá nhân, tổ chức, cũng không quy định chi tiết hành vi “tặng cho”. Do vậy, hành vi “khất thực” (xin) và “sớt bát cúng dường” (cho) đều được phép thực hiện và được pháp luật công nhận.
Khoản 6, Điều 7 Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo cũng quy định: Tổ chức tôn giáo có quyền “nhận tài sản hợp pháp do tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tự nguyện tặng cho”. Như vậy, hiện không có quy định cấm, hạn chế về các loại tài sản được phép dâng cúng, tặng cho. Do đó, cần hiểu rằng, một chủ thể được phép “sớt bát cúng dường” (bên tặng cho) một chủ thể khác là vị khất sĩ, nhà tu hành (bên nhận tặng cho) bất kỳ tài sản nào hợp pháp, tức là bao gồm: tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản, bao gồm bất động sản và động sản. Hành vi dâng cúng nhà tu hành bằng hoa, thức ăn, vật phẩm hay tiền, giấy tờ có giá đều là hành vi hợp pháp.
Trong Phật giáo, Lễ Vu Lan (tháng 7 Âm lịch) thường được xem như ngày Tự tứ sau 3 tháng An cư kiết hạ của chư Tăng. Vào dịp này, Đức Phật dạy nhân dân, Phật tử sắm sửa phẩm vật gồm: y áo, đồ ăn, thuốc men, tọa cụ,… để cúng dường tới chư Tăng, hồi hướng tới cho cha mẹ, bà con quyến thuộc; trong đó, không thể kể đến tấm gương của Đại hiếu Mục Kiều Liên Bồ tát – vị Thánh đệ tử có thần thông đệ nhất của Đức Phật, đã bán nhà cửa, ruộng vườn để cúng dường Đức Phật và Tăng chúng, cứu mẹ mình là bà Thanh Đề chịu khổ đau trong cảnh giới địa ngục. Trong dịp Lễ Vu Lan, việc cúng dường chư Tăng là truyền thống hằng năm từ thời Đức Phật và được lưu truyền trong kinh tạng, chỉ là hình thức nhận đồ cúng dường ở mỗi chùa, cơ sở tự viện sẽ theo các cách khác nhau.
Tại Việt Nam, trong dịp Lễ Vu Lan vừa qua, nhiều ngôi chùa đã tổ chức trì bình khất thực và thọ nhận tịnh tài cúng dường của các Phật tử như chùa Bửu Quang, chùa Long Vân, chùa Kỳ Viên Trung Nghĩa, chùa Hương Nghiêm, chùa Khánh Quới, chùa Vĩnh An,… Trong đó, có các vị Hòa thượng, Thượng tọa ở vị trí chức sắc trong Giáo hội như: Hòa thượng Thích Nguyên Quang – Chứng minh Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Khánh Hòa; Hòa thượng Thích Tâm Trí – Trụ trì chùa An Dưỡng; Thượng tọa Thích Chánh Định – Phó ban Phật giáo Quốc tế tỉnh Đồng Nai, Trụ trì chùa Tam Phước.
Không chỉ thế, nhiều ngôi chùa trên thế giới như Thái Lan, Lào,… chư Tăng ôm bình bát đi khất thực trên đường phố và nhận tiền bạc hay bất kỳ đồ dùng nào từ Phật tử, nhân dân cúng dường. Do vậy, mỗi chúng ta hãy trở thành những người sử dụng mạng xã hội thông thái, trước khi đánh giá vấn đề, cần căn cứ dựa trên Pháp lý và Giáo lý đạo Phật cũng như chuẩn mực đạo đức để bình luận, tránh những hệ quả không tốt.