Thủ tướng chỉ đạo không điều chỉnh tăng giá điện trong những tháng còn lại năm 2020
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về điều hành giá cả những tháng còn lại năm 2020. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan chủ động tuyên truyền về công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá; thực hiện công khai minh bạch thông tin về giá cũng như công tác quản lý điều hành giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng và tạo sự đồng thuận trong dư luận.
Đồng thời, chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thường tăng cao vào cuối năm (dịp Tết Dương lịch, Noel, mùa cưới hỏi, Tết Nguyên đán) để hạn chế tăng giá.
Bên cạnh đó, kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, các văn bản quy phạm pháp luật về cơ chế chính sách quản lý, điều hành giá cho phù hợp với thực tế hiện nay; đồng thời, chú trọng rà soát các nội dung còn chồng chéo, vướng mắc, chưa thống nhất về cơ chế quản lý điều hành, phân công, phân cấp, chưa xác định rõ cơ quan chủ trì, phối hợp trong việc triển khai luật Giá với các luật chuyên ngành.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng linh hoạt, hợp lý Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để thực hiện điều hành giá bán trong nước phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của người dân; tiếp tục chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện giữ ổn định giá điện, không thực hiện điều chỉnh tăng giá điện.
Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải; tổ chức đánh giá Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 quy định khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa; trường hợp cần thiết phải điều chỉnh thì báo cáo ban Chỉ đạo điều hành giá xem xét, quyết định trên cơ sở kiểm soát lạm phát cả năm 2020.
Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể, chi tiết việc triển khai xã hội hóa sách giáo khoa theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội, từ đó đề xuất phương án quản lý giá sách giáo khoa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Bộ Tài chính nghiên cứu rà soát, đánh giá tổng thể việc thi hành Luật Giá để có định hướng sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu công tác quản lý giá nói chung trong đó có vấn đề quản lý giá sách giáo khoa.
Bộ Y tế khẩn trương triển khai việc tính đúng, tính đủ giá xét nghiệm SARS-CoV-2 theo quy định gửi bộ Tài chính để ban hành giá tối đa (đối với xét nghiệm do bộ Y tế đặt hàng) và công bố giá xét nghiệm do Bộ Y tế quy định theo thẩm quyền theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu tại thông báo số 337/TB-VPCP ngày 21/9/2020 của Văn phòng Chính phủ. Đối với giá vật tư y tế, tiếp tục tăng cường cập nhật, công khai kết quả trúng thầu vật tư, trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế để đảm bảo công khai, minh bạch đến người dân và xã hội, nhất là thông tin về giá các mặt hàng phục vụ chống dịch Covid-19.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và các cơ quan báo chí tổ chức thực hiện công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu; tăng cường công khai, minh bạch thông tin về các yếu tố chi phí đầu vào, nhất là các vật tư quan trọng liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.