Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 26/02/2020 14:29 (GMT+7)

Tiền Giang: Chính quyền 'phớt lờ' các quy định của pháp luật?! (Kỳ 2)

Dù Chủ tịch huyện đã có chỉ đạo Chủ tịch xã giải quyết dứt điểm phản ánh của người dân nhưng việc hát nhạc sống gây ồn ào vẫn diễn ra thậm chí còn nhiều hơn trước với lý do nhà có… “nhiều đám tiệc lắm”???

Báo đã đăng tải “Tiền Giang: Chính quyền 'phớt lờ' các quy định của pháp luật?! (Kỳ 1)”, phản ánh việc ông Nguyễn Thế Hợp - Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết đơn thư phản ánh, khiếu nại,… của người dân địa phương. Khi bài báo phát hành, người dân địa phương rất vui mừng vì các sai phạm “sơ đẳng” của Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa trong việc giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị của người dân đã được nêu ra…

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của báo chí trong việc phản biện, góp phần xây dựng chính sách, là diễn đàn của nhân dân... trong đó có báo Kinh doanh và Pháp luật.

Người dân ký đơn tập thể gửi đến UBND xã Tăng Hòa rồi… để đó!

Nhạc sống 'hành dân': Chủ tịch xã không đủ thẩm quyền xử lý???

Quay trở lại những phản ánh của người dân địa phương, không dừng lại đó, hàng loạt biểu hiện vi phạm pháp luật khác xảy ra trên địa bàn, người dân nhiều lần trình báo chính quyền địa phương nhưng tất cả... rơi vào im lặng. 

Cụ thể là việc nhạc sống, karaoke sử dụng dàn âm thanh khủng, từ 4-8 loa, mở hết công suất là hình ảnh thường thấy ở tỉnh Tiền Giang nói riêng và đã xảy ra án mạng từ karaoke nhạc sống nói trên…

Để quản lý việc karaoke nhạc sống, âm thanh khủng nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành chỉ thị số 07/CT – UBND vào năm 2015. Nhưng việc vận dụng ở một số địa phương chưa triệt để, chưa có biện pháp kiên quyết,… 

Dân phản ánh, chính quyền nhân đơn... để đó?

Từ đơn phản ánh, kiến nghị tập thể của người dân ở Ấp Giồng Lãnh 2, xã Tăng Hòa, huyện Gò Công Đông, PV đã đến địa phương tìm hiểu thì được biết hầu hết khu vực nơi có nhạc sống hoạt động là địa bàn khu dân cứ, có nhiều trẻ nhỏ và ở độ tuổi cắp sách đến trường, rất cần thời gian nghỉ ngơi, học hành khi ở nhà. Chị Nguyễn Thị Ngọc Dung, cho biết: “Việc ca hát gây ồn ào, để loa ngoài sân ầm ầm suốt cả ngày, có hôm hát đến 11-12 giờ đêm, không ai ngủ nghê được gì. Chúng tôi trình báo chính quyền từ lâu lắm rồi, có mời họp dân, cam kết, mà họ vẫn cứ hát, hát càng lúc càng nhiều hơn…”.

Theo đó, từ năm 2017, gia đình ông Võ Văn Chuyền, tiếp đến là gia đình ông Đoàn Văn Mờ, ở địa bàn Ấp Giồng Lãnh 2 thường xuyên mở karaoke nhạc sống, công suất lớn với dàn âm thanh từ 4-6 loa, hướng loa lại quay thẳng vào các nhà lân cận, trong đó có gia đình chị Võ Ngọc Kim Ngân có 02 con nhỏ là: cháu trai 5 tuổi và 01 cháu gái hơn 01 tuổi, rất cần sự yên tĩnh. Do âm thanh làm khuấy động nhà tôi, ảnh hưởng cả khu vực nên chị Võ Ngọc Kim Ngân cũng như nhiều người dân địa phương rất bất bình, nhiều lần trình báo chính quyền địa phương, báo với cán bộ phụ trách Văn hóa Thông tin rồi đến Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa nhưng không ai đến giải quyết, vì cho rằng đây là thẩm quyền của… huyện (?).

Do việc ca hát diễn ra liên tục, không ngừng nghỉ, không thể chịu đựng được nên vào tháng 8/2018 ông Võ Văn Thử, ngụ Ấp Giồng Lãnh 2 viết đơn trình báo, yêu cầu UBND xã Tăng Hòa có biện pháp xử lý đối với việc mở nhạc sống làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương, gây ồn ào, huyên náo cả khu vực… nhưng vẫn không được ông Nguyễn Thế Hợp - Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa xem xét, giải quyết.

Chủ tịch huyện chỉ đạo "lần 2", Chủ tịch xã mới tổ chức họp dân nhưng... "đâu lại vào đấy"!

Bức xúc trước việc nhạc sống liên tiếp “hành dân”, nhất là các ngày nghỉ cuối tuần, người dân xin được số điện thoại Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, liền gọi điện trình báo vụ việc, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông tiếp nhận và thông báo là sẽ chỉ đạo Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa xử lý nghiêm túc… Tuy nhiên, nhạc sống với dàn âm thanh khủng xuất phát từ 02 hộ: gia đình ông Võ văn Chuyền, tiếp đến là gia đình ông Đoàn Văn Mờ, ở địa bàn Ấp Giồng Lãnh 2 vẫn thường xuyên tổ chức hát hò, như chưa có chuyện gì xảy ra.

Vụ việc kể trên tiếp diễn khoảng 30 ngày, một lần nữa người dân điện thoại báo cho Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, sau khi nghe người dân trình bày, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông ngỡ ngàng: “Ủa?Vụ việc đó chưa xử lý sao? Được rồi, hôm nay họp có Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa ngồi đây, tôi sẽ yêu cầu giải quyết liền…”. Đúng 02 ngày sau, ông Nguyễn Thế Hợp - Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa tổ chức cuộc họp dân, yêu cầu ông Võ Văn Chuyền cam kết không làm phiền người dân qua việc hát karaoke nhạc sống, mà chỉ hát vào những ngày có đám tiệc…

Sử dụng âm thanh quá quy định sẽ bị xử phạt đến 160 triệu đồng

Việc hát karaoke nhạc sống ở nhà ông Võ Văn Chuyền im ắng một thời gian, thời gian sau thì tiếp diễn và diễn ra cả ngày lẫn đêm, khi người dân thắc mắc thì được biết nhà ông Chuyền có đám tiệc nhiều như: đám giỗ, đám kỵ cơm, sinh nhật bạn… của con,… nên ông ta có quyền tổ chức hát karaoke nhạc sống??? Nhiều lần người dân điện thoại trình báo ông Nguyễn Thế Hợp - Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa, nhưng không bắt máy… Sau đó, ông Võ Văn Thử tìm gặp cán bộ phụ trách VHTT xã Tăng Hòa trình báo vụ việc, thì “vị này” nói đó chỉ có huyện mới xử lý được rồi bỏ đi…  

Dàn nhạc sống, âm thanh khủng ở sân nhà ông Võ Văn Chuyền và ông Đoàn Văn Mờ.

Bên cạnh đó, những ngày ghi nhận thông tin vụ việc xảy ra, PV đã chứng kiến đoàn công tác ở huyện Gò Công Đông treo các băng rôn cảnh báo xử lý hành vi sử dụng nhạc sống gây ồn ào, mất trật tự ở khu dân cư, với mức phạt lên đến 160 triệu đồng, người dân địa phương hết sức phấn khởi và mong muốn việc xử phạt kể trên sớm được thực hiện, răn đe các hành vi vi phạm pháp luật.

Qua những lần xác minh thực tế ở xã Tăng Hòa, PV chứng kiến việc tổ chức đám tiệc, tiệc cưới,… diễn ra ở Nhà văn hóa (TTVH) xã Phước Trung, Bình Nghị,… thuộc huyện Gò Công Đông vào các ngày nghỉ cuối tuần. Dù theo quy định, Trung tâm Văn hóa – Thể thao cấp xã và nhà văn hóa – khu thể thao ở ấp,… là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí,… phục vụ công tác tuyên truyền phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với người dân, người dân ở mọi lứa tuổi được học tập thường xuyên, được phổ biến kiến thức và sáng kiến kinh nghiệm trong sản xuất, hình thành môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân… (PV sẽ trở lại đề tài trên vào thời gian gần nhất).

Tạm kết

Từ một số vụ việc cụ thể, tuy chưa phải là những việc mang tầm vóc lớn lao, nhưng cách tiếp nhận rồi giải quyết của ông Nguyễn Thế Hợp- Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa có điều gì đó “bất ổn”? Phải chăng Chủ tịch UBND xã Tăng Hòa chưa kịp cập nhật thông tin chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang ở năm 2015 trong việc xử lý nhạc sống gây ồn ào khu dân cư? Chưa kịp “bổ sung” Luật Tiếp Công Dân năm 2013, Luật Tố Cáo, Luật Khiếu Nại năm 2011 và các Nghị định, văn bản hướng dẫn thi hành dưới Luật? Hay vì nguyên nhân nào khác? Công luận đang chờ câu trả lời minh bạch, đúng đắn nhất từ cơ quan chức năng huyện Gò Công Đông và tỉnh Tiền Giang.

Điều 9 “Chỉ thị 07/CT-UBND năm 2015 của Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang về tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất an ninh trật tự tại khu dân cư trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” quy định trách nhiệm rất rõ như sau: “Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố: Chỉ đạo các phòng, ban, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật…”.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới