Top 12 lễ hội nên đi trong tháng 1 Âm lịch ở miền Bắc
Người xưa quan niệm, tháng Giêng là tháng ăn chơi vì vậy có rất nhiều lễ hội được diễn ra ở miền Bắc.
Cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, người dân lại nô nức đi các lễ hội truyền thống. Đây cũng là thời điểm các lễ hội lớn diễn ra nhiều nhất trên khắp cả nước, mang nhiều nét văn hóa đặc sắc. Những cùng tôi điểm qua những lễ hội lớn mà các bạn không nên bỏ lỡ trong dịp đầu năm.
12 lễ hội xuân nổi tiếng ở miền Bắc
Hội chùa Keo Thái Bình bắt đầu từ mùng 4 Tết
Hội chùa Keo được tổ chức tại xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Với tục thờ thiền sư Không Lộ, theo xuân thu nhị kỳ, lễ hội thu hút mọi tầng lớp nhân dân và mọi lứa tuổi.
Bên cạnh lễ Phật, lễ hội diễn ra các cuộc đua tài giải trí như nấu cơm, ném pháo, bắt vịt. Lễ hội chùa Keo diễn ra một đợt trong năm: đầu năm vào mùng 4 Tết và mùa thu từ 13 đến 15 tháng 9 âm lịch.
Hội Gò Đống Đa, Hà Nội vào mùng 5 Tết âm lịch
Gò Đống Đa là di tích lịch sử thuộc phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.
Hàng năm, vào mùng 5 Tết, người dân lại nô nức tổ chức lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, chiến thắng oanh liệt của người anh hùng áo vải Quang Trung đã lãnh đạo quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh vào đầu xuân Kỷ Dậu năm 1789.
Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ của người dân Hà Nội.
Lễ hội Chùa Hương trải dài khắp mùa xuân
Cứ mỗi mùa xuân, người dân cả nước lại đổ về xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội tham gia lễ hội chùa Hương.
Với thời gian diễn ra trong suốt ba tháng đầu năm, chùa Hương được xem là lễ hội lớn nhất cả nước.
Đến với chùa Hương, khách tham quan không chỉ cầu bình yên, may mắn cho một năm mà còn được du ngoạn chiêm ngưỡng cảnh sơn hà non nước hữu tình.
Lễ hội Cổ Loa ở Đông Anh, Hà Nội
Nhiều người dân quen với cái tên Hội đền An Dương Vương hơn là lễ hội Cổ Loa vì lễ hội này nhằm tưởng nhớ đến vua Thục Phán An Dương Vương có công dựng nước Âu Lạc và xây thành Cổ Loa.
Lễ hội diễn ra với rất nhiều trò vui như kéo co, leo cây, đấu vật, múa võ, đấu cờ, chọi gà, hát chèo, tuồng, thu hút mọi ánh nhìn. Hội có sự tham gia của ba xã: Cổ Loa, Xuân Canh, Uy Nỗ.
Hội đền Gióng, Sóc Sơn
Hội đền Gióng kéo dài ba ngày, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng với các nghi lễ truyền thống: dâng hương, khai quang, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.
Nơi đây được xem là điểm dừng chân cuối cùng của Thánh Gióng trước khi bay về trời, nên hàng năm người dân lại mở lễ hội để tưởng nhớ công lao đánh giặc cứu nước.
Hội Xoan - Phú Thọ
Hội Xoan diễn ra trong bốn ngày từ mùng 7 tháng Giêng âm lịch ở làng Hương Nha, huyện Tam Thanh, Phú Thọ. Lễ hội tổ chức để tưởng nhớ một nữ tướng tài giỏi của Hai Bà Trưng, có tên là Xuân Nương.
Bên cạnh những phần lễ truyền thống như tiệc cầu Xuân dâng Thành hoàng, trò trình nghề ở bãi sông trước đình làng, lễ hội còn thu hút nhiều người tham gia với các vai diễn cày, bừa, gieo mạ, tát nước, bán con ngài tằm, bán bông...
Hội chợ đêm chợ Viềng, Nam Định
Hội chợ Viềng diễn ra vào đêm mùng 8 Tết tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Hội chợ diễn ra vào ban đêm, từ 11, 12 giờ đêm hôm trước đến hết ngày hôm sau.
Với quan niệm mua may bán rủi, chợ Viềng bày bán rất nhiều sản phẩm, chủ yếu là các cây trồng, vật nuôi, các vật dụng nhà nông... Không chỉ để vui đầu năm, hội chợ Viềng đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật.
Xem thêm: Năm Ất Tỵ 2025 xuất hành theo hướng nào để đón tài lộc?
Lễ hội chùa Yên Tử, Quảng Ninh
Bên cạnh lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Yên Tử cũng là lễ hội lớn có thời gian diễn ra dài từ mùng 10 tháng Giêng đến hết tháng 3. Lễ hội thuộc khu di tích và danh thắng Yên Tử (huyện Uông Bí, Quảng Ninh). Yên Tử chính là khu di tích lịch sử - thắng cảnh nổi tiếng của vùng Đông Bắc Tổ quốc.
Đầu năm, mọi người thường về đây thành tâm chiêm bái chốn Tổ Thiền Trúc Lâm. Ngoài những hoạt động thể hiện sự thành kính, trang nghiêm như dâng hương, bái Tổ Trúc Lâm, lễ hội còn diễn ra nhộn nhịp với các hoạt động như múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian…
Hội Lim - Bắc Ninh
Hội chùa Lim diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng, được coi là kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ và tục trò dân gian nổi tiếng. Là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, hội chùa Lim hội tụ đầy đủ những hoạt động văn nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của vùng quê Bắc Ninh.
Đây cũng là dịp để các liền anh, liền chị được giao lưu, thể hiện giọng ca trong các bài quan họ rất riêng của mảnh đất Bắc Ninh. Bên cạnh đó, lễ hội còn diễn ra các hoạt động như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, thi dệt cửi, nấu cơm…
Lễ hội đền Trần - Nam Định
Với những ai mong muốn được thăng tiến trên đường công danh trong năm tới, lễ hội đền Trần là một sự kiện không thể bỏ qua. Lễ hội diễn ra từ 13 đến 15 tháng Giêng.
Lễ hội Bà chúa Kho - Bắc Ninh
Bên cạnh lễ hội Lim, tại Bắc Ninh còn nổi tiếng với lễ hội bà chúa Kho - lễ hội lớn đối với giới kinh doanh, buôn bán. Hội bà chúa Kho diễn ra tại làng Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh vào ngày 14 tháng Giêng đến hết tháng.
Lễ hội có tục dâng hương, khấn vay tiền Bà Chúa (tượng trưng) "cầu tài phát lộc". Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho đã trở thành một phong tục, truyền thống lâu đời của người Việt Nam.
Hội đền Hùng - lễ hội mang tầm vóc quốc gia
Giỗ tổ Hùng Vương là dịp để người dân cả nước tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng. Lễ hội mở từ ngày 9 đến 13 tháng 3 âm lịch.
Trong lễ hội có các nghi thức rước bánh chưng, bánh giầy. Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Trong phần lễ có lễ rước kiệu vua và dâng hương. Lễ hội còn có rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc thu hút mọi người như hội thi hát xoan, thi đấu vật, thi kéo co, thi bơi...
Những lưu ý khi đi hội xuân đầu năm
Khi tham gia các lễ hội xuân đầu năm, bạn nên lưu ý một số điều để có một trải nghiệm trọn vẹn và tôn trọng các phong tục truyền thống.
Trước hết, hãy chuẩn bị tâm lý thật thoải mái và trang phục lịch sự, phù hợp với không gian thiêng liêng của các lễ hội.
Trong suốt quá trình tham gia, cần tôn trọng các nghi lễ, không gian thờ cúng và các hoạt động văn hóa đặc sắc.
Nếu bạn tham gia các trò chơi dân gian hay hoạt động ngoài trời, hãy giữ thái độ vui vẻ, hòa đồng và tránh những hành động làm gián đoạn không khí trang nghiêm.
Cuối cùng, đừng quên chuẩn bị sẵn sàng để thưởng thức những món ăn đặc sản của địa phương và tận hưởng những khoảnh khắc giao lưu văn hóa, gắn kết cộng đồng trong những ngày đầu năm.