Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 17/06/2022 16:02 (GMT+7)

TP Cần Thơ: Vượt qua những ngày khó khăn nhất, đang trên đà tăng tốc phát triển

Kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam hàng năm 21/6 trùng với cột mốc 6 tháng sơ kết hoạt động địa phương.

Nhân dịp này, Phóng viên có cuộc phỏng vấn ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ xung quanh vấn đề phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19 và hoạt động truyền thông báo chí trên địa bàn. Xin trân trọng giới thiệu đến độc giả.

Phóng viên: Thành phố Cần Thơ sau đại dịch Covid-19 đã tăng tốc phát triển. Ngoài việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân xây dựng các công trình, thành phố đang tăng cường các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư để hội nhập kinh tế thế giới. Xin ông cho biết, 6 tháng đầu năm 2022, TP Cần Thơ đã đạt được thành tựu gì về tăng tốc phát triển kinh tế?

anh-1-3-1-1655456232.jpg
Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Ông Trần Việt Trường: Sáu tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 8,04% so cùng kỳ năm 2021, cao hơn tốc độ tăng 5,61% của 6 tháng đầu năm 2021, đứng thứ 2/5 thành phố trực thuộc Trung ương (sau TP Hải phòng (11,93%)), đứng thứ 2/13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long (sau tỉnh Hậu Giang (11%)).

Hoạt động sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với trạng thái bình thường mới, các biện pháp sản xuất kinh doanh thích ứng tình hình mới tại các doanh nghiệp đã phát huy được hiệu quả tích cực, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 12,86% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,09%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15,16%.

Thu ngân sách nhà nước theo dự toán giao thực hiện 5.946,21 tỷ đồng, đạt 53,49% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, tăng 0,35% so cùng kỳ; trong đó thu nội địa 5.853 tỷ đồng, đạt 55,13% dự toán Bộ Tài chính và HĐND thành phố giao, tăng 3,14% so cùng kỳ.

Cấp mới đăng ký kinh doanh cho 900 doanh nghiệp, tăng 13,5%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện có 85 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.214 triệu USD, vốn thực hiện chiếm khoảng 22% tổng vốn đăng ký.

Ước 6 tháng 2022, tổng lượt khách đến thành phố 3,11 triệu lượt, tăng 55% so cùng kỳ; các doanh nghiệp lưu trú phục vụ 1,21 triệu lượt khách, tăng 50% so cùng kỳ; tổng doanh thu 2.042 tỷ đồng, tăng 57% so cùng kỳ.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục được chú trọng, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, công tác an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách, khó khăn, người nghèo được triển khai tích cực, chu đáo; hoạt động vui chơi giải trí, văn hoá văn nghệ từng bước được mở cửa trở lại gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh; đặc biệt, thành phố đã tổ chức thành công chuỗi sự kiện Khánh thành Đền thờ Vua Hùng, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, Liên hoan Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III và Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ lần thứ IX năm 2022, thu hút được lượng lớn hơn 03 triệu lượt khách đến thành phố, tăng 55% so cùng kỳ.

Công tác cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được đẩy mạnh. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.

anh-02-57-1655456233.jpg
TP Cần Thơ đã vượt qua những ngày khó khăn nhất, đang trên đà tăng tốc phát triển.

Phóng viên: Đại dịch Covid-19 đi qua để lại nhiều hệ luỵ về xã hội, dân sinh. Cho đến nay, thành phố Cần Thơ đã gánh chịu những thiệt hại như thế nào do dịch bệnh Covid-19, thưa ông? Những tháng qua, thành phố khắc phục hậu quả ra sao? Thành phố đã có phương án đề phòng dịch bệnh quay trở lại ra sao?

Ông Trần Việt Trường: Hiện nay, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cơ bản được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, qua hơn 2 năm chống dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội và khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Khi dịch bùng phát trở lại vào giữa tháng 7/2021, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để tập trung phòng chống dịch, đã ảnh hưởng nghiêm trọng, tác động sâu rộng đến hầu hết các ngành kinh tế và các mặt đời sống xã hội; nhất là làm giảm sâu giá trị và đình trệ nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất, kinh doanh, chuỗi cung ứng hàng hóa, thu ngân sách, doanh nghiệp, sức khỏe và đời sống của Nhân dân.

Trong những tháng cuối năm 2021, thành phố dần mở cửa trở lại theo lộ trình, vừa khởi động lại sản xuất, kinh doanh, vừa phòng chống dịch, các chỉ số kinh tế đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên chưa thể đột biến, tăng tốc để có thể bù đắp sự giảm sút của quý III năm 2021, đã ảnh hưởng đến cả năm 2021 tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn ước giảm 2,79%, một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ mang tính động lực chậm phát triển; hàng hóa nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ, các chương trình xúc tiến thương mại, hoạt động kết nối giao thương chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức trực tuyến nên khả năng kết nối gặp nhiều hạn chế; việc giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm đối tác, khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm đạt kết quả không cao, chưa đáp ứng yêu cầu, đời sống của người dân còn khó khăn, nhất là lao động tự do, công nhân và nông dân.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn tiềm ẩn nguy cơ, với quyết tâm khôi phục sản xuất kinh doanh, ốn định đời sống, thích ứng với tình hình mới trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy, HĐND thành phố về nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Kế hoạch đầu tư công năm 2022, Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; đẩy nhanh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng theo quy định, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng cường thu hút đầu tư, phục hồi tăng trưởng và phát triển kinh tế; thực hiện những giải pháp kịp thời hỗ trợ đúng các đối tượng bị ảnh hưởng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường, khởi động lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

anh-03-34-1655456233.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TP Cần Thơ cấp mới đăng ký kinh doanh cho 900 doanh nghiệp, tăng 13,5%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài 85 dự án với tổng vốn đăng ký 2.214 triệu USD.

Tình hình kinh tế - xã hội, các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi, tốc độ phát triển tích cực, tăng trưởng kinh tế GRDP thành phố đạt mức tăng cao so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, hầu hết các doanh nghiệp đã hoạt động trở lại với trạng thái bình thường mới, chỉ số phát triển công nghiệp tăng so cùng kỳ; tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu của thành phố ổn định, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân…

Ngoài ra, để hỗ trợ Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, UBND thành phố đã triển khai các chủ trương, chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân gặp khó khăn do dịch bệnh: Hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ; hỗ trợ người dân thiếu đói, thiếu lương thực, thực phẩm; hỗ trợ miễn, giảm tiền điện, nước sinh hoạt; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, khôi phục thị trường lao động;…

Để phòng dịch COVID-19 bùng phát trở lại, thành phố tiếp tục thực hiện các biện pháp sau:

- Tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11 tháng 10 năm 2021 của Chính phủ, bảo đảm sự thống nhất trong tổ chức thực hiện quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố; lấy phòng dịch là cơ bản, lâu dài; y tế là lực lượng nòng cốt cùng với các lực lượng quân đội, công an... huy động sự tham gia của tất cả các lực lượng, tầng lớp trong xã hội; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng, chống dịch, trong sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt an toàn.

- Quán triệt quan điểm bao phủ vắc xin là một chiến lược then chốt trong phòng, chống và ngăn chặn dịch bệnh COVID-19, hướng tới mục tiêu tạo miễn dịch cộng đồng, bảo vệ người dân, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc diễn biến nặng, tử vong do COVID-19. Thành phố tiếp tục triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 bảo đảm tiến độ theo quy định của Bộ Y tế; tăng cường vận động người dân tiêm vắc xin, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người (bao gồm cả người bệnh đến khám tại cơ sở y tế) để tránh bỏ sót.

- Theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước; kịp thời cập nhật các hướng dẫn chuyên môn bảo đảm vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa khôi phục, phát triển kinh tế. Phối hợp với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh trong việc giám sát, gửi mẫu xét nghiệm giải trình tự gen để phát hiện sớm các biến chủng mới đối với các trường hợp dương tính từ người nhập cảnh, chùm ca bệnh lây lan nhanh, các trường hợp chuyển nặng bất thường hoặc tái nhiễm.

- Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cho cơ sở y tế dự phòng, y tế cơ sở để nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm và thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn khác trong phòng, chống dịch. Củng cố năng lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các Trung tâm Y tế quận, huyện về cơ sở vật chất, trang thiết bị từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Phóng viên: Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, với cương vị Chủ tịch thành phố, ông có góp ý gì đối với anh chị em hoạt động báo chí trên địa bàn về truyền thông địa phương thời gian qua? Ông đánh giá như thế nào về hoạt động của các văn phòng báo chí trong và ngoài thành phố? Định hướng truyền thông trong thời gian tới?

Ông Trần Việt Trường: TP.Cần Thơ là một trong 3 trung tâm báo chí lớn của cả nước, hiện có khoảng 1.000 cán bộ, phóng viên, nhân viên đang hoạt động tại 68 cơ quan, VPĐD báo chí (chính thức) đóng trên địa bàn. Ngoài ra, còn có 8 đơn vị truyền hình trả tiền cung cấp dịch vụ cho hơn 70% số hộ gia đình trên địa bàn thành phố. Hội Nhà báo TP.Cần Thơ qua hơn 40 năm hoạt động, đến nay Hội có 5 Chi hội và Liên Chi hội trực thuộc với hơn 290 hội viên, là Hội có số lượng hội viên đứng thứ 3 trên cả nước.

Với đội ngũ báo chí ngày một đông đảo, chất lượng tác phẩm báo chí ngày càng nâng cao, báo chí đã phản ánh kịp thời các mặt của đời sống xã hội, tâm tư, nguyện vọng tình cảm của Nhân dân; phát hiện cổ vũ và nhân rộng những điển hình tiên tiến, những thành tựu trong quá trình phát triển TP.Cần Thơ thời kỳ CNH-HĐH. Báo chí trên địa bàn TP.Cần Thơ đã khẳng định rõ vai trò là diễn đàn tin cậy của Nhân dân; phê phán những biểu hiện tiêu cực, những thông tin sai trái của các thế lực thù địch; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, các tệ nạn xã hội, cổ vũ xây dựng xã hội văn minh, con người nhân ái. Tính riêng trong năm 2021, báo chí đã đăng tải trên 4.800 tin, bài phản ánh về TP.Cần Thơ, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin trên các lĩnh vực.

Khái quát những thành tích trên để cho thấy, đó là kết quả của sự phấn đấu vươn lên của mỗi CB, PV cơ quan báo chí. Các cơ quan báo chí đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung của thành phố.

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Ngày truyền thống Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố, tôi xin gửi lời thăm hỏi và chúc sức khỏe tới các nhà báo lão thành, các anh chị em phóng viên, biên tập viên đang công tác hoặc đã nghỉ hưu tại các cơ quan báo chí địa phương và Trung ương đóng trên địa bàn…mạnh khỏe, hạnh phúc; luôn xứng đáng là chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, giữ vững “tâm sáng, lòng trong”; đồng hành cùng thành phố, nhau chung sức đồng lòng vì mục tiêu xây dựng đất nước, xây dựng thành phố ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp, thân thiện; xứng tầm là thành phố động lực, là trung tâm của khu vực ĐBSCL như Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Phóng viên:Xin trân trọng cảm ơn ông dành thời gian cuộc phỏng vấn này!

Cùng chuyên mục

Nhiều chính sách mới về giáo dục, ngân hàng bắt đầu có hiệu lực
Từ hôm nay (ngày 20/11/2024), hàng loạt chính sách mới trong lĩnh vực giáo dục, ngân hàng sẽ chính thức có hiệu lực thi hành như: Quy định mới về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục; thủ tục phê duyệt liên kết đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ; siết chặt quản lý liên kết giáo dục và đào tạo với nước ngoài; quy định mới về mức lãi suất; quy định mới về các hình thức tiền gửi rút trước hạn;...
Quyền của người tham gia bảo hiểm xã hội theo Luật mới
Người thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội được nhận các chế độ bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời, thuận tiện; hưởng bảo hiểm y tế trong trường hợp đang hưởng lương hưu; nghỉ việc hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng...
Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Phong tỏa tài khoản thanh toán không chỉ nhằm đảm bảo an toàn tài chính mà còn là công cụ để xử lý các vấn đề pháp lý hiệu quả. Nghị định 52/2024/NĐ-CP đã quy định rõ các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán.

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...