TP. HCM sẽ thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố
Sau khi HĐND TP thông qua Nghị quyết về vận tải hành khách công cộng, kiểm soát phương tiện giao thông cá nhân, TP. HCM dự kiến xây 34 trạm thu phí ô tô vào trung tâm.
Theo Nghị quyết, TP. HCM sẽ thu phí ô tô lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố trong giai đoạn 2021-2025 (việc thu phí chỉ áp dụng đối với ôtô đi vào trung tâm, không thu chiều ra, không thu phí xe máy).
HĐND TP. HCM cũng tán thành việc phát triển giao thông công cộng phải kết hợp với hạn chế số lượng phương tiện cá nhân. Trong đó, ngân sách nhà nước giữ vai trò chỉ đạo, đảm bảo hệ thống giao thông công cộng hoạt động bền vững.
Theo Nghị quyết, quá trình thực hiện cần có lộ trình cụ thể, cần phải đồng bộ trong việc kiểm soát phương tiện cá nhân và nhận được sự đồng thuận của nhân dân. Trước khi đưa ra biện pháp hạn chế xe cá nhân, thành phố cũng phải đáp ứng đủ điều kiện hạ tầng đô thị, mật độ mạng lưới xe buýt, bãi giữ xe máy, dịch vụ cung cấp xe máy điện, xe đạp điện...
Cùng với đó, TP. HCM sẽ quy hoạch đô thị theo hướng đa trung tâm, giúp kéo giãn mật độ dân cư ở khu trung tâm; tạo nguồn thu hỗ trợ phát triển giao thông công cộng; thực hiện các dự án giao thông thông minh; tổ chức thêm không gian đi bộ ở trung tâm; sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca…
TP. HCM ưu tiên phát triển xe buýt và tập trung nguồn lực phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn; đưa ra một số giải pháp để kiểm soát xe cá nhân; tổ chức giao thông đối với xe máy ở khu vực trung tâm trong giai đoạn 2021-2025.
Đến giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ ưu tiên đầu tư phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn và kiểm soát xe cá nhân. Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến gần 393.800 tỉ đồng (gồm các dự án đang triển khai hoặc có chủ trương đầu tư). Trong đó, ngân sách nhà nước khoảng hơn 47.600 tỉ đồng, còn lại huy động từ các nguồn lực xã hội hóa hoặc vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức).
Những nơi xây trạm thu phí sẽ bao quanh khu vực quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè) – Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách Mạng Tháng Tám – Ba Tháng Hai – Lê Hồng Phong – Lý Thái Tổ – Nguyễn Văn Cừ – Võ Văn Kiệt – Tôn Đức Thắng. Tổng mức đầu tư khoảng 250 tỉ đồng.