Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ tư, 17/11/2021 06:40 (GMT+7)

TP.HCM cho phép quán bar, karaoke, vũ trường,... hoạt động ở 'vùng xanh'

TP.HCM cho phép thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động, nhưng tùy vào tình hình dịch tại các phường, xã, thị trấn.

Ngày 16/11, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM - đã ký quyết định ban hành quy định tạm thời các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trên địa bàn. Quyết định có hiệu lực ngay từ ngày ký và thay thế một số nội dung trong Chỉ thị 18 cùng nhiều văn bản khác liên quan đến việc vận chuyển, hoạt động sản xuất, kinh doanh, ăn uống mà UBND TP.HCM ban hành trước đây.

Theo đó, điều kiện chung để tham gia hoạt động khi áp dụng biện pháp theo từng cấp độ dịch trên phạm vi toàn thành phố là người tham gia các hoạt động phải tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 sau 14 ngày; người thuộc diện phải tiêm vaccine nhưng không thể tiêm do chống chỉ định cần có giấy xác nhận của cơ quan y tế; trẻ em chưa đến tuổi tiêm vaccine được tham gia các hoạt động cùng người lớn đã tiêm đủ liều vaccine.

Đối với các quy định tạm thời các biện pháp áp dụng theo từng cấp độ dịch trên phạm vi phường, xã, thị trấn, TP.HCM cho phép các hoạt động trong nhà được mở lại ở nơi có cấp độ một của dịch Covid-19. Sức chứa tối đa của các hoạt động không hạn chế ở "vùng xanh" và giảm dần theo từng cấp độ dịch.

Đối với các hoạt động trong nhà như đám cưới, đám tang, hội họp, tập huấn, hội thảo, hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao… phải đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

Cấp độ 1 được hoạt động không hạn chế số người tham gia, nhưng không vượt quá sức chứa tối đa, bảo đảm giữ khoảng cách từ 1m trở lên.

Cấp độ 2 hoạt động hạn chế, số người tập trung tối đa không quá 50% sức chứa tối đa, bảo đảm khoảng cách từ 2m trở lên.

Cấp độ 3 hoạt động hạn chế, số người tập trung tối đa không quá 25% sức chứa tối đa, bảo đảm giữ khoảng cách 2m trở lên.

TP.HCM cho phép quán bar, karaoke, vũ trường,... hoạt động ở 'vùng xanh' Ảnh 1
Ảnh minh họa.

TP.HCM cho phép thêm các cơ sở kinh doanh dịch vụ như massage, spa, làm đẹp, quán bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke được hoạt động, nhưng tùy vào tình hình dịch tại các phường, xã, thị trấn.

Cụ thể, cấp độ 1 được phép hoạt động nhưng đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Người làm việc phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19; người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 hoặc có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Ở cấp độ 2, người làm việc và người tham gia theo quy định trên. Nhưng các loại hình này hoạt động hạn chế; chỉ được tối đa 50% công suất tại cùng một thời điểm.

Ở cấp độ 3, người làm việc và người tham gia vẫn theo quy định trên, nhưng các dịch vụ hoạt động tối đa 25% công suất tại cùng một thời điểm, không hoạt động các dịch vụ như bar, vũ trường, câu lạc bộ khiêu vũ, karaoke.

Phường, xã, thị trấn cấp độ 4 không được hoạt động.

Đối với cơ sở ăn uống tại chỗ: TP.HCM cho phép hoạt động ở cấp độ 1, 2. Cấp độ 3 sẽ hoạt động hạn chế có điều kiện và ngừng hoạt động ở vùng có cấp độ 4 theo hướng dẫn cụ thể của Sở Công thương và Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.

Đối với các hoạt động thư viện, đọc sách; rạp chiếu phim, điện tử; cơ sở, địa điểm biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, trò chơi điện tử (không có kết nối mạng): cho phép hoạt động ở cấp độ 1; cấp độ 2 sẽ hoạt động hạn chế, hoạt động tối đa 50% số lượng khách; cấp độ 3 được phép hoạt động tối đa 25% số lượng khách và cấp độ 4 không hoạt động.

Đối với bán hàng rong, vé số dạo: hoạt động ở cấp độ 1; cấp độ 2 hoạt động có điều kiện (người tham gia phải được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh; đảm bảo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn phòng chống dịch Covid-19), cấp độ 3, 4 không hoạt động.

Với hoạt động giáo dục, đào tạo trực tiếp: TP.HCM cho phép hoạt động ở cấp độ 1, 2, 3 và ngừng hoạt động ở vùng có cấp độ 4. Riêng với vùng cấp độ 2, 3, thời gian, số lượng học sinh, và một số hoạt động phải ngừng theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT; kết hợp dạy và học trực tuyến, qua truyền hình.

Cùng chuyên mục

Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Dù lựa chọn phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thế nào đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Nhấn mạnh trên được Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nhất trí phương án cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông
Hôm nay (27/3/2024), tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, các Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ. Trước phiên họp diễn ra, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đã có báo cáo gửi Hội nghị về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật.

Tin mới

Giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông để lừa đảo
Ngày 28/3, ông Bùi Thanh Toàn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua, Sở liên tục nhận được phản ánh có dấu hiệu lừa đảo khi một số đối tượng giả danh cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bạc Liêu gọi điện cho cán bộ lãnh đạo của một số sở, ngành, địa phương và người dân.
Luật Đất đai 2024: Bỏ khung giá đất - lành mạnh hóa thị trường đất đai
Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, trong đó người dân đặc biệt quan tâm đến việc bỏ khung giá đất, xác định giá theo thị trường. Đây được xem là bước đột phá lớn trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tạo nên thay đổi căn bản về các vấn đề kinh tế trong chính sách pháp luật về đất đai; làm lành mạnh hóa thị trường; hạn chế đầu cơ, tham nhũng về đất đai.