Trend 'đúng nhận sai cãi' gây sốt mạng xã hội: Hài hước hay mê tín dị đoan?
Những ngày gần đây, mạng xã hội Facebook và TikTok rầm rộ lan truyền câu nói "đúng nhận, sai cãi" và nhanh chóng trở thành trend trong giới trẻ.
Theo tìm hiểu, câu nói "đúng nhận, sai cãi" bắt nguồn từ trong những clip của một người phụ nữ tên T.H được cho là cô đồng ở Hải Dương. Mặc dù hoạt động trên mạng xã hội khá lâu nhưng gần đây bà T.H mới được nhiều người biết đến qua những video vừa bổ cau, vừa xem bói đăng tải trên mạng.
Rầm rộ trên mạng xã hội khi giới trẻ không ngừng bắt chước, diễn lại mang tính hài hước, nhưng cũng có người cho rằng những đoạn clip viral "đúng nhận sai cãi" của cô đồng T.H là nhảm nhí, nhiều câu nói thiếu chuẩn mực.
Trong các video đăng tải trên mạng xã hội, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn… Đặc biệt, ở mỗi lời phán, cô đồng T.H thường sử dụng câu "đúng nhận, sai cãi" và trở thành trend thu hút hàng triệu người xem.
Chỉ trong 2 ngày rầm rộ trên mạng xã hội, nhiều người dùng mạng đã "bắt trend" tự quay và đăng tải clip bổ thanh long, dưa hấu, nho, ổi,... với nhiều tình tiết hài hước, gây cười.
Mặc dù vậy, không ít cư dân mạng sau khi xem xong những clip của cô đồng T.H lại tỏ ra khó chịu bởi trong đó có nhiều lời lẽ thiếu chuẩn mực, nhiều đoạn cô đồng toàn nói nước đôi, lợi dụng tín ngưỡng phán những điều không có căn cứ. Thậm chí, có nhiều đoạn clip cô đồng này còn chửi bậy, văng tục đối với khách hàng.
Theo đó, trong một số video, cô đồng dùng những từ thiếu chuẩn mực với người nghe như: "Không có các cụ nhà mình đỡ cho chuối xanh ngắm cả nải, ngắm gà khỏa thân, mồ yên mả đẹp cứ ngồi ngắm chuối xanh với gà khỏa thân. Đúng nhận, sai cãi cho tôi cái".
Nhiều người không đồng tình với trend "đúng nhận sai cãi" này còn cho rằng cơ quan chức năng nên vào cuộc xử lý, gỡ bỏ những video nhảm nhí, tranh gây ảnh hưởng xấu đến giới trẻ.
Theo khoản 2, điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, hành vi lợi dụng hoạt động để lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa... và các hình thức tương tự khác để trục lợi sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Trong trường hợp việc bói toán gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng. Trường hợp gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc người đã từng bị xử phạt hành chính nhưng vẫn vi phạm tiếp thì có thể bị xử lý hình sự phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm.