Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 12/05/2020 02:27 (GMT+7)

Trung Quốc muốn đàm phán lại thỏa thuận thương mại, Trump nói không

Trung Quốc đang là một dấu hỏi lớn về câu chuyện Covid-19 lây lan trên toàn thế giới, đánh mất niềm tin từ các nước bạn bè, quốc gia này đang phải chịu sự chỉ trích lớn, đặc biệt là từ phía Mỹ. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm trên thế giới là 4,2 triệu người, trong đó số ca tử vong vì Covid-19 là 286.945 ca, số ca được công bố chữa khỏi là 1.524.715 ca.

Trung Quốc muốn bẻ kèo giữa chừng, đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Mỹ?

Những chỉ trích của Mỹ đối với Trung Quốc thời gian gần đây đã tạo ra “cơn sóng thần giận dữ” ở Trung Quốc, Thời Báo Hoàn Cầu khẳng định. Các cố vấn thương mại của Chính phủ Trung Quốc là những người tức giận trước tiên và đang chia thành hai phe.

Phe đầu tiên ôn hòa hơn, kêu gọi đánh giá lại thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ, hay còn gọi ngắn gọn là thỏa thuận giai đoạn 1.

Phe thứ hai cứng rắn hơn, chủ trương hủy luôn thỏa thuận này và đàm phán lại một thỏa thuận mới theo hướng ít bất công và nhiều lợi ích nghiêng về Trung Quốc.

Nhóm này lập luận trong khi Trung Quốc đã thỏa hiệp và chấp nhận nhượng bộ để đình chiến thương mại, Mỹ lại tiếp tục lấn lướt. “Hủy thỏa thuận giai đoạn 1 là lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, Thời Báo Hoàn Cầu dẫn lời một “cố vấn giấu tên” đặt vấn đề.

Vị này khẳng định đây là thời khắc thích hợp để xé bỏ thỏa thuận đã ký, bởi lẽ nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và nước này lại sắp tới bầu cử tổng thống.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6/2019. Ảnh: REUTERS

“Nước Mỹ bây giờ không còn đủ khả năng tái phát động một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc nếu mọi thứ quay trở về vạch xuất phát”, vị cố vấn của Chính phủ Trung Quốc tỏ ra tự tin.

Theo thỏa thuận giai đoạn 1 ký hồi tháng 1 năm nay tại Nhà Trắng, Trung Quốc cam kết trong vòng hai năm mua ít nhất 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ Mỹ, từ năng lượng đến nông nghiệp.

Tuy nhiên, các số liệu hải quan được Trung Quốc công bố gần đây cho thấy nước này vẫn chưa mua đáng kể hàng hóa và dịch vụ Mỹ. Một số chuyên gia lo ngại nếu giữ tốc độ mua hàng như vậy, Bắc Kinh khó lòng giữ được cam kết với Washington ngay trong năm đầu tiên.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thể hiện sự tức giận trước điều này. Nhà lãnh đạo Mỹ sau đó đe dọa sẽ hủy thỏa thuận và tái áp đặt thuế quan mức cao lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ. Tình hình sau đó được xoa dịu bởi một hội nghị qua điện thoại giữa các quan chức cấp cao Mỹ – Trung vào ngày 8/5.

Được biết, Thời Báo Hoàn Cầu thuộc Nhân Dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Theo Hãng tin Reuters, mặc dù không phải là tờ báo chính thức của đảng, song một số nội dung của Thời Báo Hoàn Cầu phản ánh các suy nghĩ của giới lãnh đạo Trung Quốc trong các vấn đề đối ngoại.

Tổng thống Trump bác bỏ ý tưởng đàm phán lại thỏa thuận thương mại với Trung Quốc

Ngày 11/5, ngay khi được hỏi về các báo cáo cho biết Trung Quốc đang muốn mở lại các cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại đã ký với Mỹ hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố: “Tôi không quan tâm điều đó. Chúng ta đã ký thỏa thuận rồi!”.

“Không, không đâu, không một chút nào… Tôi cũng nghe thông tin đó, họ muốn mở lại các cuộc đàm phán thương mại để có một thỏa thuận tốt hơn dành cho họ”, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định không ủng hộ ý tưởng trên.

Hồi tháng 1/2020, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn một trong bối cảnh hai nước dính vào thương chiến với các đòn áp thuế ăn miếng trả miếng.

Tuy nhiên, trang Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 11/5 lại tiết lộ các cố vấn thương mại của chính phủ nước này đã thúc giục Bắc Kinh hủy thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ để đàm phán lại một thỏa thuận mới, có lợi hơn.

Với việc bác bỏ chuyện tái đàm phán, Tổng thống Trump tuyên bố: “Hãy chờ xem liệu họ có đáp ứng được thỏa thuận mà họ đã ký hay không”.

Tuần trước, Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã có cuộc điện đàm với Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, xác nhận hai bên nhất trí thực hiện thỏa thuận trên.

Theo thỏa thuận, chính quyền Tổng thống Trump đồng ý hoãn tăng thêm thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh hứa hẹn tăng mua số hàng hóa và dịch vụ trị giá 200 tỉ USD từ Mỹ trong giai đoạn 2 năm (2020 và 2021).

Tuy nhiên, Tổng thống Trump đã chỉ trích cách xử lý đại dịch Covid-19 của Trung Quốc và dọa sẽ áp thuế mới. Chính quyền của ông cáo buộc Trung Quốc mất quá lâu trong việc cảnh báo cho thế giới về đại dịch, châm ngòi cho khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Trong khi đó, theo báo New York Times, Trung Quốc đã tăng nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ sau khi thỏa thuận trên được ký kết, nhưng vẫn chưa đáp ứng được những kỳ vọng  của chính quyền ông Trump. Một số chuyên gia lo ngại nếu giữ tốc độ mua hàng chậm như vậy, Bắc Kinh khó có thể đáp ứng cam kết với Washington ngay trong năm đầu tiên.

Cùng chuyên mục

Mỹ nhận định về thời gian xuất hiện và lây lan của virus H5N1 ở gia súc
Nhiều khả năng virus cúm gia cầm đã lây lan ở bò sữa 4 tháng trước khi giới chức Mỹ phát hiện và xác nhận loại virus này là chủng H5N1 độc lực cao. Đây là thông tin được nêu trong bản phân tích mới nhất về dữ liệu di truyền do Trung tâm dịch bệnh động vật thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thực hiện và công bố gần đây.

Tin mới

Bộ TN&MT đã hoàn thành các văn bản hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024
Trả lời báo giới về tiến độ để chuẩn bị cho Luật Đất đai có hiệu lực sớm từ ngày 01/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Minh Ngân cho biết, Bộ này đã hoàn thành dự thảo 6 Nghị định và 4 Thông tư. Bộ Tư pháp đã thẩm định, dự kiến trước ngày 10/5, Bộ TN&MT sẽ trình Chính phủ các Nghị định hướng dẫn thi hành.
Vụ nổ lò hơi ở Đồng Nai: Tạm giữ giám đốc công ty và tạm hoãn xuất cảnh với 7 người nước ngoài
Liên quan đến vụ nổ lò hơi xảy ra hôm 1/5, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết đã ra lệnh tạm giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Feng Yong (quốc tịch Trung Quốc), Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại gỗ Bình Minh và tạm hoãn xuất cảnh đối với