Trường hợp nào không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động?
Theo quy định của pháp luật hiện hành, những trường hợp nào không được giải quyết trợ cấp tai nạn lao động?
Căn cứ Điều 40 và Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015, khoản 6 Điều 8 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động, dù bị tai nạn trên thực tế nhưng người lao động thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ không được hưởng trợ cấp tai nạn lao động:
Thứ nhất, bị tai nạn thuộc các trường hợp quy định nhưng mức độ suy giảm khả năng lao động dưới 5%. Theo khoản 1 Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, các tai nạn được xem xét hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:
- Tai nạn xảy ra tại nơi làm việc và trong giờ làm việc.
- Tai nạn xảy ra xgoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi người lao động thực hiện công việc theo yêu cầu của phía người sử dụng lao động.
- Tai nạn xảy ra trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
Thứ hai, bị tai nạn do mâu thuẫn của chính người lao động với người gây ra tai nạn cho người đó mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Thứ ba, bị tai nạn do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân.
Thứ tư, bị tai nạn do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật. Các chất ma túy, chất gây nghiện trong trường hợp này là các chất thuộc Danh mục chất ma túy và tiền chất ban hành kèm theo Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.