“Tuyệt đối không cung cấp thông tin, bảo vệ người tố giác tội phạm”
Đó là ý kiến của ông Trương Văn Châu- Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phú Đông trước Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang, do ông Nguyễn Hữu Lợi- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn.
Mới đây, tại buổi làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân và Công an huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang, đại biểu tham dự đã cung cấp nhiều thông tin, tài liệu có giá trị để Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang có cơ sở báo cáo tại Kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang vào dịp cuối năm 2022.
Ông Trương Văn Châu- Phó Chủ tịch HĐND huyện Tân Phú Đông nêu ý kiến: “Tuyệt đối không cung cấp thông tin, bảo vệ người tố giác tội phạm… thì cơ quan chức năng mới tiếp nhận được những tin báo có giá trị. Việc bảo vệ người tố giác hành vi phạm tội, đối tượng phạm tội cũng đã được quy định rõ trong luật. Vì thế, sau khi tiếp nhận tin báo từ các nguồn tin khác nhau, cơ quan chức năng phải có biện pháp bảo vệ người tố giác tội phạm…
Đã có trường hợp ông A trình báo vụ việc vừa xảy ra ở địa bàn, lực lượng chức năng đến làm việc, người bị tố giác hỏi ai báo lại nói ông A báo. Như vậy thì làm sao người dân dám trình báo các hành vi vi phạm pháp luật nữa…”.
Luật sư Lê Quốc Sơn (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết: “Tố giác tội phạm là một trong những quyền cơ bản của công dân để đảm bảo sự thực thi nghiêm túc của pháp luật. Trong những trường hợp chứng kiến hoặc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân, mỗi công dân đều có quyền gửi đơn tố giác đến các cơ quan chức năng để được xử lý kịp thời.
Hành vi tố giác tội phạm được pháp luật bảo vệ. Từ Điều 484 đến Điều 490 Chương XXXIV Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định về bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, người bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Khoản 1 Điều 484 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định chủ thể được bảo vệ trong tố tụng hình sự tránh nguy cơ bị xâm hại về tính mạng, sức khỏe danh dự, nhân phẩm, tài sản, lợi ích hợp pháp khác bao gồm: Người tố giác tội phạm; người làm chứng; bị hại; người thân thích của người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại…”.
Cũng theo luật sư Lê Quốc Sơn, Khoản 3 Điều 487 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ việc bảo vệ phải được giữ bí mật: “Chấp hành nghiêm chỉnh các yêu cầu của cơ quan bảo vệ liên quan đến việc bảo vệ; giữ bí mật thông tin bảo vệ; thông báo kịp thời đến cơ quan có trách nhiệm bảo vệ về những vấn đề nghi vấn trong thời gian được bảo vệ… ”.
Công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Không tố giác tội phạm” nếu biết mà không tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 314 Bộ luật Hình sự.
Theo kết quả mà Đoàn giám sát của Thường trực HĐND tỉnh Tiền Giang ghi nhận được sau khi đến làm việc trực tiếp 5 đơn vị công an xã và Viện kiểm sát, Công an 5 đơn vị cấp huyện thì tin báo của người dân, các nguồn tin khác trình báo đến cơ quan chức năng là đúng 100%. Vì thế, việc cơ quan chức năng bảo vệ người tố giác tội phạm là một trong những yêu cầu phải được đặt lên hàng đầu.