Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 26/09/2019 09:34 (GMT+7)

Vĩnh Phúc: Cần dừng việc bán đấu giá tài sản để xem xét thủ tục giám đốc thẩm?

Sau khi phát hiện bản án có nhiều điểm không đúng pháp luật, ngày 24/1/2018, chị Phạm Hồng Nga (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) đã có đơn khẩn cấp gửi TAND Cấp cao tại Hà Nội.

Tuy nhiên, phải hơn 1 năm, ngày 04/6/2019, chị Nga mới nhận được thông báo do thẩm phán Vũ Mạnh Hùng, thừa lệnh Chánh án TAND Cấp cao tại Hà Nội ký ngày 30/11/2018. Trong thông báo trên có nhiều nội dung trả lời không đúng bản chất sự việc dẫn đến không xem xét quyền và lợi ích hợp pháp của chị Nga. 

Công văn của Công ty đấu giá Hợp danh Vĩnh Phúc gửi Chi cục THADS TP. Phúc Yên xin hoãn phiên bán đấu giá tài sản.

Nhiều “bất cập” trong thông báo của TAND Cấp cao tại Hà Nội?

Theo tìm hiểu của phóng viên, trong Thông báo 141/TB-TANDCC-KDTM ngày 30/11/2018 của TAND Cấp cao tại Hà Nội, phần ghi “hợp đồng thế chấp có công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật”, theo chị Nga thì kết luận này hoàn toàn sai bởi hợp đồng thế chấp được lập ngày 31/3/2011, có nhiều điểm vô lý khi chị Nga không ký vào hợp đồng này; có 2 chữ ký của anh Phạm Tiến Dũng (anh trai chị Nga), trên đó có 01 chữ ký gần giống và 01 chữ ký không phải chữ ký của anh Dũng, nhưng lại ghi rõ họ và tên Phạm Tiến Dũng ở phần dưới của cả 2 chữ ký này.

Đồng thời, nét chữ ký và nét chữ viết đều không phải nét bút của anh Dũng. Hơn nữa theo Luật Công chứng, thì tất cả những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đều phải ký nháy vào từng trang và ký ghi rõ họ tên trước mặt Công chứng viên vào bản Hợp đồng thế chấp. Nhưng, trong Hợp đồng thế chấp số 35/2011/BĐTV, không thể hiện.

Như vậy, theo Luật Dân sự, Luật Đất đai, Luật Công chứng… Hợp đồng thế chấp trên không đảm bảo, nhưng TAND Cấp cao lại đưa ra “hợp đồng thế chấp có công chứng và đăng ký giao dịch đảm bảo theo quy định của pháp luật”?

Cũng trong thông báo trên, nội dung đoạn “tại bản tự khai ngày 22/11/2017, thể hiện chị có biết ông Trung thế chấp thửa đất số 176 để làm vốn kinh doanh và không có ý kiến”, theo chị Nga: “Tôi được biết bố tôi thế chấp 02 tài sản theo đơn khởi kiện của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Phúc Yên để làm vốn sản xuất kinh doanh”.

Vì sáng ngày 22/11/2017, ông Phạm Việt Trung (bố chị Nga) có đưa 01 bản tự khai và nói công ty của ông có thế chấp tài sản này, lúc này chị Nga mới biết, nên mới viết vào bản tự khai là “về việc này bản thân tôi không ý kiến gì”, vì trước đây chị Nga đi học, nên không biết việc ông Phạm Việt Trung mang tài sản của gia đình đi thế chấp ngân hàng.

Việc này, chị Nga đã trình bày và ghi biên bản lấy lời khai của đương sự tại TAND thị xã Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên) hồi 8h ngày 26/12/2017, trước sự chứng kiến của thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Hạnh; ông Đường Thái Sơn thư ký… Do việc bố chị Nga mang tài sản chung của gia đình đi thế chấp, đến khi bị khởi kiện ra tòa thì chị Nga mới biết. Sau khi thẩm phán lấy lời khai xong, chị Nga ra về. Biên bản hòa giải thành cùng ngày lập xong lúc 10h35 phút, tất cả mọi người đều kí, chị Nga vắng mặt vì ra về trước đó.

Tại đoạn “Tại biên bản hòa giải thành ngày 26/12/2017, anh Dũng ký nhận và cam kết giao biên bản cho chị, đồng thời chị cũng ký nhận trực tiếp biên bản hòa giải thành do Tòa án tống đạt. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 03/1/2018, của TAND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc”, còn theo chị Nga, 11h20 phút ngày 26/12/2017, anh Dũng đưa cho chị Biên bản bàn giao biên bản hòa giải thành (bút lục số 140) bảo chị Nga ký nhận, nhưng chị Nga đã không ký.

Tại bút lục này anh Dũng chỉ ghi “tôi cam kết giao cho Nga biên bản này”, vậy mà TAND Cấp cao lại hủy đơn đề nghị giám đốc thẩm. 15h chiều ngày 27/12/2017, chị Hoàng Thị Thùy Linh (chị dâu chị Nga) có đưa cho chị Nga “Biên bản giao biên bản hòa giải thành” (bút lục 141) để chị Nga ký, nhưng chị Nga không ký bởi trong Biên bản trên để trống không ghi ngày tháng lập, không ghi hồi giờ kết thúc (còn tất cả biên bản này giao cho các đương sự khác tại tòa đều được đánh máy đầy đủ ngày, giờ…), chỉ có của chị Nga là khác, không được ký tại trụ sở TAND thị xã Phúc Yên như ghi trong biên bản.

Nhưng vì chị dâu chị Nga nói “anh Sơn mang biên bản ra nhà, nhưng em đi vắng, chị biết chỗ em làm nên nhờ chị mang ra để em ký. Chị hỏi kỹ anh Sơn rồi, anh ấy nói đây chỉ là ký nhận Biên bản giao biên bản hòa giải thành không ảnh hưởng gì đâu, chứ không phải kí vào Biên bản hòa giải thành”, nên chị Nga đã ký.

Nhưng ngay sau khi chị Nga có đơn khiếu nại gửi đến các cơ quan chức năng, được tiếp cận chứng cứ thì thấy trong “Biên bản giao biên bản hòa giải thành” (bút lục 141) lại có thêm đoạn chữ “chị Nga đồng ý với nội dung biên bản hòa giải thành”, bị in chèn vào sau khi chị Nga ký vào biên bản này.

Như vậy, đây là hành vi cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, dù chị Nga có đơn nhưng TAND Cấp cao tại Hà Nội lại không xem xét. TAND Cấp cao tại Hà Nội nêu trong Thông báo 141 “chị cũng ký nhận trực tiếp biên bản hòa giải thành do Tòa án tống đạt”, điều này theo chị Nga là không đúng, vì chị Nga không ký trực tiếp tại tòa, mà ký tại nơi làm việc, phần ghi hồi, ngày giờ lập biên bản được điền sau, không đúng với thời điểm chị Nga ký. Điều này cho thấy TAND thị xã Phúc Yên đã có dấu hiệu vi phạm trong Luật Tố tụng.

Mặt khác, trong đoạn “Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 03/1/2018, là đúng quy định tại khoản 1 Điều 212 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015” của TAND Cấp cao tại Hà Nội là sai, vì thời điểm lập Hợp đồng thế chấp số 35/2011/BĐTV ngày 30/03/2011, phải được áp dụng Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005.

Thậm chí, TAND Cấp cao phải tuyên hủy bản án do TAND thị xã Phúc Yên đã xét xử không khách quan, vì trong hợp đồng thế chấp tài sản là nhà và đất trên là tài sản chung của gia đình, nhưng hợp đồng trên không ghi tên chị Nga và anh Dũng có quyền lợi và nghĩa vụ trong đó.

Vi phạm các quy định pháp luật trong quá trình ký kết hợp đồng thế chấp tài sản?

Theo chị Nga, trong quá trình vay nợ, thực hiện các thủ tục liên quan đến việc thế chấp tài sản đảm bảo cho khoản vay của Công ty Kim Việt, quá trình giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án, quá trình thi hành quyết định công nhận thỏa thuận của các đương sự tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố Phúc Yên có nhiều điểm sai phạm, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích, như: Đối với tài sản theo GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất số U460133 mang tên Hộ gia đình ông Phạm Việt Trung.

Tại thời điểm cấp giấy chứng nhận trên, hộ gia đình ông Trung có đầy đủ thành viên trong gia đình như vợ là Đặng Thị Kim Phúc, con Phạm Tiến Dũng và Phạm Hồng Nga. Thời điểm Công ty Kim Việt vay nợ của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam có thế chấp bằng tài sản nêu trên, các thành viên trong gia đình không có tranh chấp giữa các đồng sở hữu. Việc vay mượn trên, chị Nga không được thông báo hay kí kết bất cứ giấy tờ gì. Vì vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật, chị Nga là đồng sở hữu tài sản chung của gia đình.

Ngày 26/12/2017, TAND thị xã Phúc Yên tiến hành lập Biên bản hòa giải thành giữa các đương sự về việc giải quyết toàn bộ vụ án theo Hợp đồng tín dụng số 2890LAV2015000493 ngày 13/2/2015. Trong vụ án này, chị Nga là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trực tiếp, chị Nga không đồng ý ký và không kí tên vào Biên bản hòa giải thành ngày 26/12/2017. Tuy nhiên, TAND thị xã Phúc Yên vẫn lập Biên bản hòa giải thành ngày 26/12/2017, mà bỏ qua ý kiến của chị Nga.

Đến ngày 03/1/2018, TAND thị xã Phúc Yên dựa trên căn cứ Biên bản hòa giải thành ngày 26/12/2017, để ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM. Như vậy, TAND thị xã Phúc Yên vẫn cố tình ra quyết định mà không có chị Nga là vi phạm quy định của pháp luật. Đối với tài sản trong Hợp đồng thế chấp số 35/2011/BĐTV ngày 30/3/2011 và Hợp đồng thế chấp số 34/2011/BĐTV ngày 30/3/2011 là tài sản chung, GCNQSDĐ và tài sản gắn liền với đất U460133 mang tên hộ gia đình ông Phạm Việt Trung diện tích tài sản trên đất là 920m2 và diện tích đất 154,8m2.

Nhưng trên thực tế các diện tích đất đều lớn hơn so với diện tích được cấp sổ đỏ. Trong quá trình giải quyết, TAND thị xã Phúc Yên không tiến hành thẩm định tại chỗ, không xác định đến phần đất thừa trên… gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các đương sự trong vụ án.

Trong quá trình thi hành án, Chi cục Thi hành án dân sự TP Phúc Yên đã không xem xét, đánh giá lại toàn bộ hồ sơ vụ án, có những kiến nghị phù hợp là vi phạm điểm D khoản 1 Điều 23 Luật Thi hành án. Cùng với đó là việc đầu năm 2018, chị Nga có đơn gửi lên TAND Cấp cao để xem xét việc việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện sai trình tự thủ tục xử lý tài sản thế chấp và quy trình giải quyết vụ việc của TAND thị xã Phúc Yên có nhiều sai phạm. Nhưng phải đến ngày 03/6/2019, chị Nga mới nhận được Thông báo trên của TAND Cấp cao ký ngày 30/11/2018. Việc chuyển công văn chậm trên dẫn đến tài sản đã được mang đi đấu giá, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của chị Nga.

Ngày 07/5/2019, Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng có văn bản gửi ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TAND Tối cao có nội dung: Sau khi nhận, nghiên cứu đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo đơn của bà Hoàng Thị Huế (là người đại diện theo ủy quyền của bà Phạm Hồng Nga, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) về việc xem xét thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 01/2018/QĐST-KDTM ngày 03/1/2018 của TAND thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy: Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự trên chưa đảm bảo tính khách quan, rõ ràng; kết luận trong quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án, có dấu hiệu sai lầm trong áp dụng pháp luật, có dấu hiệu vi phạm tố tụng… nhiều vấn đề chưa được xem xét thấu đáo, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Thực hiện quyền và trách nhiệm của ĐBQH tôi trân trọng đề nghị đồng chí Chánh án TANDTC xem xét kháng nghị theo trình tự thủ tục giám đốc thẩm…”.

Văn bản của Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng gửi Chánh án TAND Tối cao xem xét.

Ngày 08/5/2019, ĐBQH Bùi Ngọc Chương, đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cũng có phiếu chuyển đơn đến TAND tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc để xem xét. Tiếp đó, ngày 23/8/2019, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc Trần Văn Tiến cũng có văn bản chuyển đơn gửi TAND tỉnh Vĩnh Phúc và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc xem xét giải quyết.

Trao đổi với PV, đại diện phía Công ty Đấu giá Hợp danh Vĩnh Phúc, đơn vị đứng ra bán đấu giá tài sản thi hành án chi biết: “Chúng tôi vừa có văn bản ngày 09/9/2019, gửi Chi cục Thi hành án dân sự TP Phúc Yên về việc xin tạm dừng phiên đấu giá ngày 20/9/2019 với lý do hiện nay vẫn còn có tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng đối với diện tích đất 154,8m2 tài sản gắn liền trên đất thuộc thửa số 176, tờ bản đồ số 23 có địa chỉ tại tổ 4 phường Trưng Trắc, TP Phúc Yên…”.

Để làm rõ hơn những phản ánh trên, PV đã liên hệ với Ban Chỉ đạo thi hành án tỉnh Vĩnh Phúc, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc... tuy nhiên đến nay PV vẫn chưa nhận được hồi âm từ phía các đơn vị trên.

Báo đề nghị Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Phúc xem xét dừng lại việc thi hành án, nhằm đảo bảo đúng quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Phạm Hồng Nga.

Cùng chuyên mục

Bà Trương Mỹ Lan gửi đơn kháng cáo bản từ trại tạm giam
Ngày 26/4, bà Trương Mỹ Lan (68 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã làm đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm vụ án xảy ra tại xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị, tổ chức liên quan.
Lê Tùng Vân bị khởi tố thêm tội 'Loạn luân"
Ngày 19/4, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Long An ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Lê Tùng Vân (SN 1932; ngụ ấp lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa) để điều tra làm rõ về hành vi "Loạn luân".
Đề nghị truy tố cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam
Cơ quan CSĐT Công an TP. Hồ Chí Minh vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.

Tin mới

Đề xuất bổ sung phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ là ngành nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại
Theo Bộ LĐ-TB&XH cho biết, cơ quan này đang hoàn thiện hồ sơ đề xuất ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong Công an nhân dân, trong đó có nghề, công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Cách tra cứu phạt nguội trước khi đưa xe đi đăng kiểm
Trước khi đưa ô tô đi đăng kiểm, chủ xe cần chủ động tra cứu phương tiện có bị cảnh báo đăng kiểm vì chưa nộp phạt nguội hay không. Từ đó, kịp thời xử lý, tránh bị từ chối kiểm định và có thể bị phạt nếu điều khiển xe quá hạn đăng kiểm.