Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ sáu, 10/09/2021 14:55 (GMT+7)

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ'

Liên quan đến vụ việc phá dỡ mộ liệt sĩ trong quá trình cải tạo tại Thái Nguyên, một trong những việc liên quan là khi bị phản ánh, số tiền mang tên “đối ứng” được đổi tên thành tiền “vận động ủng hộ”.

Là một khoản thu không bắt buộc, không có quy định người dân phải đóng tiền đối ứng xây dựng nghĩa trang liệt sỹ nhưng UBND xã Úc Kỳ (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) lại ban hành văn bản kế hoạch với nội dung buộc người dân nộp đối ứng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng (20% kinh phí dự án). Khi bị phản ánh, số tiền mang tên “đối ứng” được đổi tên thành tiền “vận động ủng hộ”.

“Nay đưa, mai sửa”

Theo ông Bàn Phúc Quang, trưởng phòng Người có công (Sở Lao động thương binh và Xã hội tỉnh Thái Nguyên) cho biết, theo quy định tại điều 61, Nghị định 31/2013 do Thủ tướng chính phủ ký, ban hành nội dung kinh phí xây dựng, cải tạo, nâng cấp công trình ghi công liệt sỹ không có thuật ngữ “tiền đối ứng” cũng như không có hướng dẫn, quy định bắt buộc người dân phải đóng góp.

Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên cũng không ban hành văn bản hoặc hướng dẫn, quy định, yêu cầu để các địa phương sử dụng thuật ngữ tiền đối ứng vào danh mục kế hoạch thu.

Mới đây, huyện Phú Bình tiến hành khảo sát, thực hiện cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sỹ xã Úc Kỳ với tổng mức đầu tư hơn 4,4 tỷ đồng. Chủ đầu tư là phòng Lao động thương binh và Xã hội, đơn vị trúng thầu là Công ty Cổ phần xây dựng và phát triển Thăng Long (Cty Thăng Long), giá trúng thầu hơn 3,7 tỷ đồng.

Thực hiện ý kiến của Chủ tịch UBND huyện Phú Bình Dương Văn Hưng về việc xã Úc Kỳ phải đối ứng nguồn vốn bằng 20% giá trị công trình (khoảng 885 triệu đồng). Ngày 12/7/2021, Phó Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ ký, ban hành văn bản kế hoạch (số 16) giao thu tiền đối ứng nghĩa trang liệt sỹ. Việc thu tiền đối ứng chia làm 2 đợt, trong đó đợt 1 thu gần 500 triệu đồng (300 nghìn/hộ).

Văn bản nêu rõ, 100% các hộ trên địa bàn xã Úc Kỳ (bao gồm cả thân nhân gia đình liệt sỹ) phải đóng tiền đối ứng. Việc sử dụng thuật ngữ “tiền đối ứng” vào trong danh mục kế hoạch thu đã “vấp” nhiều ý kiến trái chiều của nhân dân địa phương, dư luận xã hội. Bởi theo Khoản 5, Điều 61, Nghị định 31/2013, không có nguồn vốn nào có tên “tiền đối ứng” và việc đóng góp là dựa trên tinh thần ủng hộ và không bắt buộc.

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ' ảnh 1
Là một khoản thu không bắt buộc, không có quy định người dân phải đóng tiền đối ứng xây dựng nghĩa trang liệt sỹ nhưng UBND xã Úc Kỳ yêu cầu 100% các hộ đóng tiền (300 nghìn/hộ, đợt 1)

Việc thu tiền đối ứng được dừng lại khi người dân có phản ánh, báo chí thông tin. Để khắc phục, ngày 11/8/2021, UBND xã Úc Kỳ ban hành kế hoạch số 01 thay cho kế hoạch 16 ban hành trước đó. Việc thay thế được giải thích là bởi văn bản kế hoạch trước đó sử dụng “cụm từ chưa phù hợp”.

Theo đó, thuật ngữ tiền đối ứng được “thay tên đổi họ” chuyển tên thành tiền vận động ủng hộ. Và từ kế hoạch 100% các hộ (bao gồm thân nhân gia đình liệt sỹ) phải nộp tiền (tổng cả 2 đợt khoảng 500 nghìn/hộ) thì nay tuỳ lòng hảo tâm để ủng hộ và mức ủng hộ giảm xuống còn 300 nghìn/hộ. Các hộ chính sách, người có công với cách mạng được ủng hộ tuỳ tâm.

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ' ảnh 2
Tiền đối ứng được đổi tên thành vận động ủng hộ, mức thu tối thiểu là 300 nghìn/hộ

Trả lời báo chí, Chủ tịch UBND xã Úc Kỳ Dương Văn Tuyến thừa nhận việc sử dụng cụm từ “tiền đối ứng” trong văn bản kế hoạch ban hành trước đó là không đúng. Song căn cứ tình hình thực tế và chỉ đạo của UBND huyện Phú Bình, phía xã đã sau đó đã có chỉnh sửa phù hợp.

Cũng theo Chủ tịch xã Úc Kỳ, hiện chưa có thống kê chính xác các hộ đã đóng tiền và tổng số tiền đối ứng thu được trước đó. Phương án xã đưa ra sẽ vận động những hộ dân đã đóng tiền đối ứng trước đó, trường hợp hộ dân không đồng ý sẽ lên phương án để hoàn trả lại tiền cho người dân.

Dư luận nhận định, UBND xã Úc Kỳ là cơ quan quản lý hành chính Nhà nước ở địa phương nhưng lại ban hành văn bản sử dụng cụm từ, một số nội dung không có trong quy định để yêu cầu người dân thực hiện. Hơn hết là sự chậm trễ trong việc sửa sai, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân địa phương.

Vì vậy, để tránh tình trạng “nay đưa, mai sửa”, người dân cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm cũng như có chế tài xử lý đối với tập thể, đặc biệt là cá nhân trực tiếp ký, ban hành văn bản.

“Sở phán đằng, xã nói nẻo”

Liên quan đến phản ánh thông tin trên bia mộ liệt sỹ Khổng Văn Hải khắc thiếu, sai (hi sinh năm 1978 khắc thành 1979) và đến nay chưa được chỉnh sửa, Chủ tịch xã Úc Kỳ Dương Văn Tuyến khẳng định thông tin trên bia mộ liệt sỹ Hải không sai.

Trường hợp người dân có nguyện vọng khắc theo thông tin gia đình thì cần cung cấp cơ sở chứng minh và quan trọng nhất là căn cứ theo thông tin hồ sơ gốc phía Sở LĐTBXH tỉnh Thái Nguyên.

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ' ảnh 3
Ông Khổng Văn Quang, thân nhân gia đình liệt sỹ Khổng Văn Hải phản ánh thông tin trên bia mộ liệt sỹ bị khắc sai, thiếu

Tuy nhiên, khi đối chiếu câu trả lời với tài liệu của Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên cung cấp lại cho thấy thông tin phản ánh là có cơ sở.

Cụ thể, tại nội dung văn bản số 03A do thủ trưởng chỉ huy Quân sự Bắc Thái ký ngày 20/12/1978, nội dung chứng nhận ghi rõ liệt sỹ Khổng Văn Hải hi sinh ngày 4/9/1978 tại Biên giới Tây Nam. Nhưng trên bia mộ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Úc Kỳ, thông tin lại chỉ khắc “vỏn vẹn” năm hi sinh 1979.

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ' ảnh 4
Thông tin ghi rõ liệt sĩ Khổng Văn Hải hi sinh ngày 4/9/1978, nhưng trên bia mộ lại khắc “vỏn vẹn” năm hi sinh là 1979

Liên quan đến vụ việc, Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên lại cho rằng thông tin liệt sỹ không phải căn cứ theo cấp xã hay căn cứ vào hồ sơ gốc mà căn cứ theo thông tin gia đình.

“Tên Liệt sỹ có thể khác nhau, năm sinh, trú quán, ngày hi sinh cũng khác nhau, quan trọng là gia đình chọn như thế nào, chứ không phải xã lập hay căn cứ vào hồ sơ gốc.”, ông Bàn Phúc Quang, trưởng phòng Người có công nói.

Với thông tin trên bia mộ, ông Quang không đưa ra đánh giá thông tin đúng hay sai với lý do không trực tiếp tham gia giám sát, kiểm tra, nghiệm thu. Song, ông Quang nhấn mạnh việc triển khai dự án đã phân cấp cho cấp xã, huyện nên đánh giá thông tin trên bia mộ đúng hay sai phải là cơ quan nhà thầu, đơn vị thi công và UBND xã Úc Kỳ thông tin, cung cấp.

Vụ doanh nghiệp phá dỡ mộ liệt sĩ: Chuyển tiền 'đối ứng' thành 'vận động ủng hộ' ảnh 5
Toàn cảnh mộ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Úc Kỳ bị doanh nghiệp phá dỡ, san phẳng, ghi nhận sáng ngày 19/7/2021.

Đối với trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan đến việc phá dỡ, san phẳng mộ tại nghĩa trang liệt sỹ ngày 18/7, ông Quang cũng nhận định UBND xã Úc Kỳ phải làm rõ và trách nhiệm thuộc về đơn vị giám sát kỹ thuật.

Còn về người dân, thân nhân gia đình liệt sỹ bày tỏ nguyện ý mong muốn được chính quyền các cấp quan tâm, khắc lại thông tin trên bia mộ bị thiếu, sai cũng như làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị trong vụ việc phá dỡ, san phẳng toàn bộ mộ tại nghĩa trang liệt sỹ xã Úc Kỳ.

Cùng chuyên mục

Kon Tum: Động đất có độ lớn 3,7 tại Kon Plông
Động đất tại khu vực huyện Kon Plông xảy thường xuyên và liên tục kể từ năm 2021 đến nay. Khu vực này ghi nhận trận động đất có độ lớn cao nhất trong nhiều năm trở lại đây là 4,7, xảy ra vào chiều 23-8-2022.

Tin mới

Cảnh giác các cuộc gọi kích hoạt 'hộ' định danh điện tử mức độ 2
Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam (VNCERT/CC, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân khi làm thủ tục đăng ký, cập nhật định danh điện tử mức độ 2 thì phải đến trực tiếp trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú hoặc nơi gần nhất để làm định danh điện tử mức 2, không phải cập nhật qua số điện thoại lạ được gọi tới.