Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 23/08/2021 11:18 (GMT+7)

Vụ ông Nguyễn Đức Chung mua chế phẩm Redoxy 3C: Các đơn vị nhận quà tặng, được tài trợ có phải trả lại không?

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước là 36 tỉ đồng.

Đây là vật chứng của vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này được phân chia, quản lý, sử dụng như thế nào để buộc các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải hoàn trả số tiền này cho nhà nước theo quy định của pháp luật.

tm-img-alt

Ngày 14/8 vừa qua, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ban hành kết luận điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan đến sai phạm trong việc mua chế phẩm Redoxy 3C xử lý ô nhiễm nước hồ.

Theo đó, Cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ sang VKSND tối cao đề nghị truy tố các bị can: Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội); Võ Tiến Hùng (Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thoát nước Hà Nội) và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Arktic).

Theo tài liệu điều tra, Hà Nội có kế hoạch nhiệm vụ và các giải pháp xử lý ô nhiễm môi trường bức xúc trên địa bàn TP. Hà Nội. Theo đó, cơ quan chức năng TP. Hà Nội đã có nhiều chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn thành phố. Cuối năm 2015, Công ty Thoát nước đã có tổng kết, đề nghị các sở, ngành báo cáo UBND TP. Hà Nội cho nhân rộng nhưng UBND thành phố không có ý kiến phản hồi.

Tháng 08/2016, bị can Nguyễn Đức Chung đã kết luận và ra Văn bản 308 chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH. Tuy nhiên, ông Chung lại chỉ đạo miệng bị can Võ Tiến Hùng mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic, không mua trực tiếp từ hãng Watch Water GmbH như chỉ đạo bằng văn bản.

Để định hướng mua chế phẩm Redoxy 3C của CHLB Đức thay thế hóa chất đang sử dụng, ngay từ tháng 05/2016, bị can Nguyễn Đức Chung đã cử đoàn công tác đi CHLB Đức để làm việc, đàm phán, đặt hàng với Watch Water GmbH và quyết định lựa chọn chế phẩm Redoxy 3C.

Do đó, bị can đã yêu cầu dừng việc xử lý ô nhiễm nước hồ theo công nghệ cũ khi chưa thực hiện thử nghiệm (quy trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ theo đề án trước đây quy định phải thử nghiệm 12 tháng) và chưa có cơ quan có thẩm quyền đánh giá tính hiệu quả của chế phẩm Redoxy 3C.

Trong giai đoạn này, dù không phải cán bộ của UBND TP. Hà Nội nhưng trong suốt quá trình đi thăm, làm việc, khảo sát, trao đổi, đàm phán với ông Deepak Chopra để sản xuất, sử dụng chế phẩm Redoxy 3C, bị can Nguyễn Trường Giang đã được bị can Nguyễn Đức Chung cử đi cùng như cán bộ của UBND TP. Hà Nội.

Để tạo vị thế cho bị can Giang đối với ông Deepak Chopra, các cơ quan, đơn vị của TP. Hà Nội. Từ đó, bị can Giang có vị thế ký độc quyền, nhập khẩu từ Watch Water GmbH và bán cho UBND TP. Hà Nội chế phẩm Redoxy 3C do chính UBND TP. Hà Nội đặt hàng.

Cũng theo kết luận điều tra, Công ty Arktic do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa (vợ bị can Chung) bỏ 100% vốn (05 tỉ đồng) và làm thủ tục thành lập lấy tên con trai (Nguyễn Đức Hạnh) tham gia đứng tên trong Giấy đăng ký kinh doanh. Sau đó bà Hoa, nhờ bà Nguyễn Thị Bích Hằng đứng tên sở hữu 40% vốn điều lệ thay cho gia đình bị can Chung, còn bị can Nguyễn Trường Giang đứng tên sở hữu 60% Vốn điều lệ.

Vì vậy, bị can Nguyễn Đức Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy 3C qua Công ty Arktic để Công ty Arktic được hưởng khoản lợi nhuận gộp không chính đáng số tiền hơn 36 tỉ đồng. Đồng thời, bị can Nguyễn Đức Chung yêu cầu bị can Giang lấy số tiền lợi nhuận từ Công ty Arktic tặng quà, tài trợ cho một số cơ quan, tổ chức nhằm đánh bóng hình ảnh, tên tuổi, phục vụ mục đích cá nhân của bị can Chung (Bệnh viện Xanh Pôn; Ban quản lý phố cổ Hà Nội; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Ba Đình; UBND tỉnh Sơn La; Bộ tư lệnh Thủ đô; Trường mầm non Yển Khê, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ; Trường Đại học FPT).

Vậy, các đơn vị nhận quà tặng, được tài trợ từ số tiền lợi nhuận không chính đáng của Công ty Arktic liệu có sẽ xử lý như thế nào?

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam thì tài sản do phạm tội mà có là vật chứng của vụ án hình sự, sẽ bị thu hồi, xử lý theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Trường hợp người nào biết rõ tài sản là do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ án này, cơ quan điều tra xác định số tiền mà các bị cáo gây thiệt hại cho nhà nước là 36 tỉ đồng. Đây là vật chứng của vụ án hình sự, cơ quan điều tra sẽ làm rõ số tiền này được phân chia, quản lý, sử dụng như thế nào để buộc các bị cáo và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan phải hoàn trả số tiền này cho nhà nước theo quy định của pháp luật.

Theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự cũng quy định về việc xử lý vật chứng. Theo đó, việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do Hội đồng xét xử quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Vật chứng được xử lý như sau:

- Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;

- Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;

- Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.

Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan, người có thẩm quyền quy định có quyền:

- Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó;

- Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án;

- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì có thể được bán theo quy định của pháp luật; trường hợp không bán được thì tiêu hủy;

- Vật chứng là động vật hoang dã và thực vật ngoại lai thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp có tranh chấp về quyền sở hữu đối với vật chứng thì giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Như vậy, trường hợp cơ quan điều tra có căn cứ cho thấy trong số số tiền 36 tỉ đồng mà các bị can đã chiếm đoạt của nhà nước đã sử dụng một phần vào việc tặng cho, từ thiện cho một số tổ chức, cá nhân thì các tổ chức, cá nhân này có trách nhiệm hoàn trả lại số tiền đó để nộp trả lại cho ngân sách nhà nước. Số tiền này là vật chứng của vụ án, các tổ chức cá nhân đó không có quyền hưởng thụ theo quy định của pháp luật.

Trường hợp số tiền do phạm tội mà có đã sử dụng để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong các giao dịch dân sự khác mà bên nhận số tiền đó không biết tiền do phạm tội mà có và cũng đã chi tiêu số tiền đó rồi. Số tiền đó cơ quan điều tra cũng không thu giữ được thì người phạm tội có trách nhiệm phải hoàn trả số tiền đó cho người bị hại. Còn nếu số tiền đó được chuyển giao cho bên thứ ba mà bên thứ ba không phải là một bên trong các giao dịch dân sự, không có quyền được nhận số tiền đó thì bên thứ ba chiếm hữu, sử dụng số tiền là vật chứng của vụ án không có căn cứ phải trả lại cho người bị hại.

Pháp luật cũng quy định trường hợp người nào biết rõ tài sản do phạm tội mà có nhưng vẫn chứa chấp, tiêu thụ thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tiêu thụ hoặc chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có" theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo Luật sư Cường, để giải quyết vụ án một cách triệt để thì cơ quan điều tra phải thu thập đầy đủ các chứng cứ về thiệt hại, việc sử dụng số tiền thiệt hại cũng như trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan phải làm căn cứ cho tòa án xác định nghĩa vụ dân sự trong vụ án hình sự.

Cùng chuyên mục

Xét xử phúc thẩm vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1: VKS đề nghị y án tử hình đối với bị cáo Trương Mỹ Lan
Ngày 15/11, Tòa án nhân dân Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phiên tòa xét xử phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (Ngân hàng SCB) với phần tranh luận. Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) Cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu quan điểm luận tội và đề nghị mức án đối với các bị cáo.
Bí mật bên trong ổ “dùng người Việt lừa người Việt” tại Campuchia
Các ông chủ người Trung Quốc thuê những toà nhà trong khu đô thị thu nhỏ giữa rừng ở Campuchia, sát biên giới Thái Lan làm căn cứ. Dưới trướng có nhiều người Việt quản lý, tiến hành tuyển lao động phổ thông đưa sang Campuchia, lừa gia nhập đường dây lừa đảo công nghệ cao mà thị trường hướng đến là cộng đồng người Việt sinh sống ở nước ngoài, nhất là các quốc gia có đồng tiền giá trị cao như Mỹ, Úc, Canada….

Tin mới

FDA Mỹ phát hiện thuốc điều trị hen suyễn Singulair có thể ảnh hưởng đến não bộ
Các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện rằng thuốc hen suyễn phổ biến Singulair, do Merck sản xuất trước đây, có thể liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần nghiêm trọng ở một số bệnh nhân. Thuốc này, với thành phần chính là montelukast, gắn vào nhiều thụ thể trong não có vai trò quan trọng đối với các chức năng tâm thần.
Cảnh giác với hình thức lừa đảo bằng mã QR thông qua các nền tảng kỹ thuật số
Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác khi bắt gặp các tin nhắn, Email hoặc các bài đăng chứa đựng mã QR. Đồng thời, cẩn trọng xác minh thông tin của cá nhân, đơn vị hoặc tổ chức cung cấp mã QR thông qua số điện thoại hoặc các trang thông tin uy tín.