WHO gióng lên hồi chuông cảnh báo về bệnh viêm gan siêu vi
Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, với 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, ngang bằng với bệnh lao.
Được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về bệnh viêm gan thế giới (WHS) đang diễn ra từ ngày 9 - 11/4 tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha, báo cáo về bệnh viêm gan toàn cầu năm 2024 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong do viêm gan siêu vi đang gia tăng.
Đây là căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng thứ hai trên toàn cầu, với 1,3 triệu ca tử vong mỗi năm, ngang bằng với bệnh lao.
Theo báo cáo của WHO, mặc dù có các công cụ chẩn đoán và điều trị tốt hơn, nhưng tỷ lệ bao phủ xét nghiệm và điều trị vẫn bị đình trệ. Tuy nhiên, nếu hành động nhanh chóng được thực hiện ngay bây giờ, mục tiêu của WHO trong việc loại trừ căn bệnh này vào năm 2030 vẫn có thể đạt được.
Dữ liệu mới từ 187 quốc gia cho thấy, số lượng ước tính các ca tử vong do viêm gan siêu vi đã tăng từ 1,1 triệu ca vào năm 2019 lên 1,3 triệu ca vào năm 2022. Trong số này, 83% là do viêm gan B và 17% là do viêm gan C. Mỗi ngày có 3.500 ca tử vong trên toàn cầu do nhiễm viêm gan B và C.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng: “Báo cáo này vẽ ra một bức tranh đáng lo ngại: mặc dù có tiến bộ trên toàn cầu trong việc ngăn ngừa viêm gan, nhưng số ca tử vong vẫn gia tăng do có quá ít người mắc bệnh viêm gan được chẩn đoán và điều trị”.
Theo các ước tính được cập nhật, 254 triệu người mắc bệnh viêm gan B và 50 triệu người mắc bệnh viêm gan C vào năm 2022. Một nửa gánh nặng nhiễm viêm gan B và C mãn tính là ở những người từ 30 - 54 tuổi, với 12% ở trẻ em dưới 18 tuổi. Nam giới chiếm 58% trong tổng số ca nhiễm.
Ước tính tỷ lệ nhiễm mới cho thấy sự sụt giảm nhẹ so với năm 2019, nhưng tỷ lệ mắc bệnh viêm gan siêu vi nói chung vẫn ở mức cao. Năm 2022, có 2,2 triệu ca nhiễm mới, giảm so với 2,5 triệu ca hồi năm 2019. Con số này bao gồm 1,2 triệu ca nhiễm viêm gan B mới và gần 1 triệu ca nhiễm viêm gan C mới. Hơn 6.000 người mới bị nhiễm viêm gan siêu vi mỗi ngày.
Trên tất cả các khu vực, chỉ có 13% số người nhiễm viêm gan B mãn tính được chẩn đoán và khoảng 3% (7 triệu người) được điều trị bằng liệu pháp kháng virus vào cuối năm 2022. Đối với viêm gan C, 36% đã được chẩn đoán và 20% (12,5 triệu người) đã được điều trị. Những kết quả này thấp hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là điều trị 80% số người mắc bệnh viêm gan B và viêm gan C mãn tính vào năm 2030.
Gánh nặng của bệnh viêm gan siêu vi cũng chỉ ra sự khác nhau theo từng khu vực. Khu vực châu Phi của WHO chiếm 63% số ca nhiễm viêm gan B mới; bất chấp gánh nặng này, chỉ có 18% trẻ sơ sinh trong khu vực được tiêm vaccine ngừa viêm gan B khi sinh. Ở khu vực Tây Thái Bình Dương, nơi chiếm 47% số ca tử vong do viêm gan B, tỷ lệ điều trị ở mức 23% trong số những người được chẩn đoán, quá thấp để làm giảm tỷ lệ tử vong.
Hội Gan mật Việt Nam tổng kết, tỷ lệ viêm gan siêu vi chiếm trên 50% trường hợp viêm gan ở Việt Nam. Trên thế giới, mỗi năm có 883 ngàn bệnh nhân bị viêm gan. Tình hình viêm gan của Việt Nam và trên thế giới đã trầm trọng. Chính vì thế, trong cuộc họp lần thứ 83 về sức khỏe, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã lấy ngày 28-7 hằng năm là Ngày thế giới phòng, chống viêm gan do vi rút. Đây là dịp để nhắc nhở các nước tích cực phòng ngừa, quan tâm tới sức khỏe của toàn bộ nhân dân
Bệnh viêm gan do vi rút để lại những hậu quả vô cùng tai hại đối với cơ thể người bị mắc bệnh, khi chuyển sang xơ gan, ung thư gan thì vô phương cứu chữa. Không chỉ ảnh hưởng sức khỏe, hệ lụy của bệnh còn tác động trực tiếp đến kinh tế, xã hội và chất lượng cuộc sống.
Viêm gan là bệnh nhiễm trùng với nhiều nguyên nhân do vi khuẩn, vi rút và dùng thuốc. Các triệu chứng tương đối giống nhau, nổi bật là sốt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng, nôn ói, vàng da, đi tiểu đậm màu là viêm gan cấp tính. Viêm gan siêu vi có 5 loại, A-B-C-D-E. Mỗi loại có đặc điểm khác nhau. Loại A và E diễn ra cấp tính, lành tính, khi khỏi bệnh để lại miễn dịch suốt đời. Đối với viêm gan B-C-D, qua giai đoạn cấp tính, có thể không có triệu chứng gì nhưng âm thầm phát triển và có thể xơ gan dẫn đến ung thư gan và tử vong.
Nặng nhất là viêm gan vi rút B, lây truyền qua nhiều đường. Trong khi viêm gan vi rút A, E lây qua đường tiêu hóa, ăn uống và tiếp xúc với máu, còn viêm gan vi rút B-C-D lây truyền qua đường máu và các dịch tiết như tinh dịch, dịch âm đạo, dịch màng phổi và còn một đường đặc biệt nữa là từ mẹ sang con. Đáng chú ý, viêm gan vi rút có số lượng vi rút lan truyền rất mạnh. Ngoài cộng đồng, nếu không chú ý thì sự lây lan rất nhanh.
Khi bệnh nhân phát bệnh ở giai đoạn mãn tính dễ dẫn tới biến chứng nặng nề nên phải được điều trị triệt để, tích cực. Hiện tại, về điều trị chưa có thuốc đặc hiệu nhưng đã có những thuốc kháng vi rút để hạn chế tải lượng vi rút, vì vậy phải điều trị trong các cơ sở y tế đủ điều kiện để cách ly và điều trị dứt điểm. Để phòng viêm gan hiệu quả, cần ăn chin, uống sôi, vệ sinh thân thể, không tiếp xúc với máu, tiết dịch của người bệnh. Khi đã bị cấp tính, cần tự cách ly, ít giao tiếp, vệ sinh là chính.