Yêu cầu không gây áp lực học thêm cho học sinh
Đây là nội dung đáng chú ý được nêu tại Công văn 545/BGDĐT-GDTrH ngày 11/02/2025 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành về việc tăng cường chỉ đạo đối với giáo dục phổ thông.
Theo đó, Công văn 545/BGDĐT-GDTrH nêu rõ, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tuyệt đối không buông lỏng việc tổ chức ôn tập, bồi dưỡng cho những học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt.
Tổ chức cho học sinh lớp cuối cấp tăng cường ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường, xác định đây là trách nhiệm của các nhà trường để giúp học sinh đáp ứng các yêu cầu cần đạt theo từng môn học của từng khối lớp theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
![Ảnh minh họa.](https://media.phapluatvacuocsong.vn/images/2025/02/13/10-1739425517-171503viec-nang-cao-chat-luong-day-va-hoc-chinh-khoa-giup-la-giai-phap-quan-quan-giup-giam-bot-viec-hoc-them-17359145825961196433478-10213847.jpg)
Đồng thời, chỉ đạo ngành giáo dục quán triệt các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng.
Việc ra đề kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kì; xét tuyển học sinh đầu cấp (Tiểu học, THCS) và thi tuyển sinh vào lớp 10 cấp trung học phổ thông phù hợp với yêu cầu cần đạt của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, không gây áp lực học thêm cho học sinh.
Ngoài ra, theo điều kiện thực tế của địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo hỗ trợ kinh phí phù hợp cho các cơ sở giáo dục để tổ chức ôn tập, bồi dưỡng học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là học sinh còn gặp khó khăn trong học tập, học sinh cuối cấp, đối tượng yếu thế, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Trước đó, vấn đề về dạy thêm, học thêm đang nhận được rất nhiều sự chú ý từ dư luận, theo đó, ngày 30/12/2025, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 14/02/2025 đưa ra nhiều quy định mới nhằm đẩy mạnh hiệu quả quản lý hoạt động dạy thêm, nhưng mặt khác cũng tạo ra nhiều nỗi lo cho các bậc phụ huynh, học sinh trong bối cảnh nhu cầu về học thêm, dạy thêm còn đang rất cao tại Việt Nam.
Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Thúy Hạnh, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội, tinh thần của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT này là không cấm việc dạy thêm, học thêm mà việc dạy thêm cần đáp ứng đúng các yêu cầu, điều kiện, thủ tục của Thông tư.
Trong bối cảnh giáo dục ngày càng phát triển, dạy thêm, học thêm trở thành một phần quan trọng của hệ thống giáo dục, giúp học sinh nâng cao kiến thức do vậy, việc đổi mới trong hoạt động quản lý dạy thêm, học thêm cũng là một nhu cầu tất yếu. Từ đó, Luật sư cho biết, có 06 điểm quan trọng cần lưu ý tại Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT này.
Thứ nhất, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT làm rõ định nghĩa về hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường là hoạt động dạy học phụ thêm ngoài thời lượng của chương trình học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành không do Nhà trường tổ chức thực hiện.
Thứ hai, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT đưa ra điều kiện bắt buộc về đăng ký kinh doanh và công khai thông tin đối với cơ sở dạy thêm.
Thứ ba, đảm bảo về mặt hoạt động, cơ sở kinh doanh đã được thành lập đi kèm một số điều kiện.
Thứ tư, chương trình, mục đích, thời gian dạy thêm, cơ sở kinh doanh được xây dựng và hoàn thiện các biểu mẫu văn bản, báo cáo, đơn đăng ký, quy chế hoạt động đảm bảo đúng quy định.
Thứ năm, lưu ý các điều kiện đối với chủ cơ sở dạy thêm, học thêm.
Thứ sáu, lưu ý các điều kiện đối với giáo viên dạy thêm.
Theo Luật sư, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT sẽ tạo ra nhiều thay đổi trong thói quen, tư duy về tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm trong thời gian tới và sẽ góp phần nâng cao hiệu quả về quản lý trong hoạt động dạy thêm, học thêm, tạo ra môi trường giáo dục, đào tạo công bằng, lành mạnh hơn. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng nhu cầu học thêm là nhu cầu lớn của phụ huynh, học sinh, nên việc đăng ký, tổ chức hoạt động dạy thêm là cần thiết để đẩy mạnh chất lượng đào tạo. Do đó, việc các trung tâm, cơ sở đào tạo, giáo viên, giảng viên tìm hiểu kỹ về các quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện đúng quy định là cần thiết.