13 trường hợp có thể đăng ký thuế tại cơ quan Thuế
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế thay thế Thông tư 105/2020/TT-BTC. Theo dự thảo, trường hợp Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư thực hiện truyền thông tin chủ động cho Cơ sở dữ liệu thuế khi cấp số định danh cá nhân, cơ quan Thuế cập nhật ngay số định danh cá nhân vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế để sử dụng làm mã số thuế cho cá nhân mà không yêu cầu cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan Thuế.
Cụ thể, Dự thảo Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn về đăng ký thuế đã quy định về đối tượng đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế; cấu trúc mã số thuế; hồ sơ, thủ tục, mẫu biểu đăng ký thuế trong các trường hợp gồm: Đăng ký thuế lần đầu; cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế, thông báo mã số thuế; thông báo thay đổi thông tin đăng ký thuế; thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh; chấm dứt hiệu lực mã số thuế; khôi phục mã số thuế; đăng ký thuế đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14.
Đáng chú ý, tại Điều 4, dự thảo Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế, đối tượng đăng ký thuế được đề xuất gồm: Người nộp thuế (NNT) thuộc đối tượng đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông; NNT thuộc đối tượng đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan Thuế.
Trong đó, có 13 trường hợp phải đăng ký thuế trực tiếp tại cơ quan Thuế (không được đăng ký thuế thông qua cơ chế một cửa liên thông), gồm: Doanh nghiệp (DN) hoạt động trong các lĩnh vực: Bảo hiểm, Kế toán, Kiểm toán, Luật sư, Công chứng hoặc các lĩnh vực chuyên ngành khác không phải đăng ký DN qua cơ quan đăng ký kinh doanh; văn phòng đại diện của tổ chức nước ngoài tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài và tổ chức ở Việt Nam sử dụng tiền viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có thuế GTGT ở Việt Nam, chủ dự án ODA thuộc diện được hoàn thuế GTGT, Văn phòng đại diện nhà tài trợ dự án ODA; tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài hành nghề độc lập kinh doanh tại Việt Nam có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hoặc có phát sinh nghĩa vụ thuế tại Việt Nam (gọi chung là nhà thầu nước ngoài, nhà thầu phụ nước ngoài); nhà cung cấp ở nước ngoài là tổ chức không có cơ sở thường trú tại Việt Nam hoặc là cá nhân không cư trú có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (gọi chung là nhà cung cấp ở nước ngoài); cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số; cá nhân có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân; cá nhân là người phụ thuộc; tổ chức, cá nhân được cơ quan Thuế uỷ nhiệm thu…
Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 3, Điều 5, số định danh cá nhân sẽ được sử dụng thay cho mã số thuế của NNT là cá nhân và người phụ thuộc. Đồng thời, số định danh cá nhân của người đại diện hộ gia đình, đại diện hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh cũng được sử dụng thay cho mã số thuế của hộ gia đình, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đó.
Dự thảo Thông tư cũng làm rõ việc ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư, định danh và xác thực điện tử trong thực hiện thủ tục đăng ký thuế. Theo đó, cơ quan Thuế thực hiện khai thác thông tin cá nhân trong CSDLQG về dân cư phù hợp với lộ trình triển khai kết nối, chia sẻ thông tin giữa CSDLQG về dân cư và cơ sở dữ liệu thuế để giải quyết thủ tục đăng ký thuế cho NNT theo quy định tại dự thảo Thông tư này và phải lưu trữ, bảo quản thông tin, dữ liệu bảo đảm an toàn, bảo mật theo quy định của pháp luật. Trường hợp các thông tin đã có trong CSDLQG về dân cư và đã được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu thuế thì không yêu cầu NNT khai báo lại với cơ quan Thuế.
Trường hợp cá nhân đã đăng ký và kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức độ 2, đồng thời hệ thống định danh và xác thực điện tử, Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế đã được kết nối, vận hành thì được sử dụng tài khoản định danh điện từ mức độ 2 để thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan Thuế mà không phải nộp bản sao hộ chiếu trong hồ sơ đăng ký thuế theo quy định tại khoản 2, Điều 22; khoản 1, Điều 25, dự thảo Thông tư này nếu đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử. Dự thảo Thông tư cũng nêu rõ, trường hợp CSDLQG về dân cư thực hiện truyền thông tin chủ động cho Cơ sở dữ liệu thuế khi cấp số định danh cá nhân, cơ quan Thuế cập nhật ngay số định danh cá nhân vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế để sử dụng làm mã số thuế cho cá nhân mà không yêu cầu cá nhân thực hiện thủ tục đăng ký thuế với cơ quan Thuế theo quy định tại điểm b, c, d, khoản 1, Điều 22, Thông tư này.
Cũng theo dự thảo Thông tư, cơ quan Thuế sẽ giải quyết thủ tục đăng ký thuế cho NNT quy định tại dự thảo Thông tư này theo quy trình dự phòng trong các trường hợp sau: hệ thống ứng dụng đăng ký thuế hoặc Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư gặp sự cố kỹ thuật; các trường hợp bất khả kháng khác.
Căn cứ vào thời gian dự kiến khắc phục sự cố Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế hoặc Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Tổng cục Thuế thông báo trước về thời gian dự kiến để cơ quan Thuế giải quyết thủ tục cho NNT theo quy trình dự phòng, trừ trường hợp bất khả kháng. Việc giải quyết thủ tục cho NNT theo quy trình dự phòng thực hiện theo quy trình xử lý hồ sơ bằng bản giấy. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tổng cục Thuế về việc Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế hoàn thành việc khắc phục sự cố, cơ quan Thuế phải cập nhật, bổ sung dữ liệu, thông tin đã giải quyết cho NNT theo quy trình dự phòng vào Hệ thống ứng dụng đăng ký thuế.