Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 21/05/2020 14:23 (GMT+7)

3 lý do chưa nên bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày

Theo khoản 3, Điều 27 dự thảo Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi quy định bắt buộc người điều khiển xe máy phải bật đèn cả ban ngày khi tham gia giao thông.

Cụ thể, trong suốt cả ngày, xe mô tô, xe máy, xe đạp điện, xe máy điện, khi tham gia giao thông phải bật sáng đèn nhận diện được trang bị theo thiết kế của nhà sản xuất hoặc phải bật sáng ít nhất một đèn chiếu sáng gần phía trước và một đèn đỏ phía sau.

Đối với loại xe máy hiện đại như SH, Spacy… khi khởi động đèn nhận diện sẽ tự động bật sáng (bất kể ban ngày, hay ban đêm). Và những loại xe này, không có thiết kế lắp đặt công tắc tắt đèn nhận diện; mà chỉ có công tắc đèn chiếu xa, đèn chiếu gần; đương nhiên khỏi phải bàn chuyện bắt buộc bật đèn ban ngày hay không bắt buộc.

Trở lại câu chuyện dự thảo Luật GTĐB sửa đổi bắt buộc người điều khiển xe máy phải bật đèn cả ban ngày khi tham gia giao thông không phải là chuyện mới lạ, mà ở rất nhiều nước phát triển (kể cả xứ hàn đới, hay xứ nhiệt đới) đã thực hiện từ lâu. Còn ở Việt Nam chúng ta lại khác, không thể “máy móc” làm theo.

3 lý do chưa nên bắt buộc xe máy bật đèn ban ngày.

Tôi cho rằng, có 3 lý do chưa nên bắt buộc người điều khiển xe máy phải bật đèn cả ban ngày khi tham gia giao thông.

Thứ nhất, có thể nói ở Việt Nam từ nay đến năm 2030 “ra ngõ vẫn gặp xe máy”. Điều này đồng nghĩa với việc xe máy vẫn thịnh hành và chiếm tới 60% trong thành phần phương tiện giao thông ở nước ta. Về kích thước, xe máy đối với người Việt Nam cũng không đến nỗi quá khó để nhận biết khi lưu thông trên đường, dù có bật đèn hay không bật đèn.

Thứ hai, chưa thấy có đề tài nghiên cứu khoa học nào được công bố chứng minh tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ ở Việt Nam do xe máy không bật đèn ban ngày chiếm tỷ lệ bao nhiêu phần trăm trong tổng số vụ TNGT đường bộ?

Sẽ có ý kiến cho rằng, chẳng lẽ khi nào TNGT đường bộ gia tăng do xe máy không bật đèn ban ngày mới bắt buộc người tham gia giao thông bật đèn ban ngày? Và như vậy “mất bò mới lo làm chuồng”? Tuy nhiên, ý kiến này hơi cực đoan.

Thứ ba, lực lượng chức năng bắt lỗi, xử lý người điều khiển xe cơ giới lưu thông vào ban đêm bật đèn chiếu xa trong thành phố (hoặc trên quốc lộ) khi có xe cơ giới đi ngược chiều lại còn rất hạn chế; nếu chưa muốn nói là “đếm trên đầu ngón tay”. Nếu đưa ra quy định bắt buộc người điều khiển xe máy phải bật đèn cả ban ngày thì liệu lực lượng chức năng có đủ lực lượng để xử lý lỗi này không? Nếu bỏ qua lỗi, hoặc không thường xuyên bắt lỗi thì Luật đưa ra sẽ “mất thiêng”.

Cùng chuyên mục

Tin mới

Không tái ký hợp đồng lao động, công ty phải báo trước bao nhiêu ngày?
Theo quy định của pháp luật, công ty phải thông báo trước bao lâu về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động để người lao động được biết? Trường hợp, mai hết hạn hợp đồng lao động nhưng nay công ty mới thông báo cho người lao động về việc không ký tiếp hợp đồng thì có được hay không?
Người đi bộ vi phạm giao thông sẽ bị xử lý thế nào?
Khi lái xe trên đường cao tốc, tôi thấy nhiều người đi bộ bắt xe, đi bộ tập thể dục trên làn đường khẩn cấp của đường cao tốc, hành vi này rất nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ cao gây tai nạn giao thông. Bộ Công an cho hỏi, nếu người đi bộ vi phạm quy tắc giao thông đường bộ sẽ bị xử lý như thế nào?