4 người trong gia đình làm nghề hấp cá tử vong nghi do ngạt khí H2S
Theo các bác sĩ, khả năng gia đình nạn nhân trữ cá biển nhiều trong nhà sẽ có hiện tượng cá ươn sình, thối mà không biết. Những loại thịt cá này khi ươn thối sẽ cho ra mùi thối tanh khó chịu là khí Hydro sulfide.
Được biết, sáng 18/5, tại một phòng trọ trên đường Số 6, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức, người dân phát hiện gia đình gồm 4 người gặp nạn. Tuy nhiên, khi được đưa vào Bệnh viện thành phố Thủ Đức cấp cứu, 3 người (gồm ông K., vợ và con trai) đã tử vong, còn người con gái trong tình trạng hôn mê sâu, sinh hiệu không ổn định, huyết áp tụt, tổn thương não, phù não lan tỏa, tổn thương gan, tổn thương thận... nên được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của người con gái nặng nên đã không qua khỏi dù các bác sĩ đã cấp cứu hồi sức tích cực.
Thạc sĩ, bác sĩ Doãn Uyên Vy, phụ trách Phòng khám Chống độc, Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định: Giả thuyết đã đưa ra là gia đình 4 người làm nghề hấp cá ngụ tại thành phố Thủ Đức tử vong do ngộ độc khí CO là không phù hợp và không thuyết phục, bởi tại hiện trường, nơi các nạn nhân tử vong không có nguồn than củi nào đang cháy để sinh ra khí CO. Như vậy, phải có một khí độc khác làm nạn nhân chết nhanh không chống cự được và chết hàng loạt.
Theo đó, bác sĩ Doãn Uyên Vy phân tích: Qua lâm sàng khi nhập viện tại Bệnh viện Thủ Đức của nạn nhân nữ có tình trạng toan chuyển hóa rất nặng, ngưng tim, ngưng thở nhanh; còn 3 người đã tử vong trước khi đến Bệnh viện Thủ Đức có môi và da vẻ còn hồng như đang ngủ bình thường. Nguyên nhân tử vong của 3 trường hợp này ghi nhận do phù phổi cấp.
“Tất cả những biểu hiện lâm sàng này là phù hợp với nguồn độc khí H2S gây ra, vì khí H2S làm ức chế hô hấp tế bào và kiểu chết "knockdown" của 4 nạn nhân là phù hợp với ngộ độc H2S”, bác sĩ Vy kết luận.
Bác sĩ Uyên Vy cho biết, khả năng gia đình nạn nhân trữ cá biển nhiều trong nhà sẽ có hiện tượng cá ươn sình, thối mà không biết (từ ruột cá, vảy cá, thịt cá, cá cũ). Những loại thịt cá này hay xác động vật nói chung khi ươn thối sẽ cho ra mùi thối tanh khó chịu; mùi thối sinh ra này là H2S, cũng là hơi độc chết người khi hít phải lượng nhiều.
“Khi nấu, hấp cá đã ươn lượng nhiều thì lượng khí H2S sẽ bốc hơi bay ra nhiều. Khởi đầu có thể còn ngửi thấy mùi, nhưng khi H2S ở nồng độ cao sẽ làm liệt khứu giác nên không còn cảm nhận có mùi gì trong phòng, khi đó nạn nhân có thể bị ngất và tử vong”, bác sĩ Uyên Vy nói.
Theo bác sĩ Vy, đã từng có nhiều trường hợp xảy ra các tình huống chết nhiều người cùng lúc khi đi vào hầm chứa cá của tàu đánh cá, vệ sinh hầm chứa nước thải của cơ sở sản xuất nước mắm làm từ cá, xuống cống nạo vét hay đổ acid mạnh xuống cống, đi xuống hầm biogas... Đó là đặc điểm của tình huống ngộ độc khí H2S.
Khi nạn nhân tử vong một cách đột ngột trong phòng kín thiếu oxy thì nguyên nhân tử vong là do ngạt thiếu oxy hoặc vì có hơi độc, khí độc. Hơi độc ức chế hô hấp tế bào sẽ gây trụy tim mạch, ngưng tim, ngưng thở nhanh chóng. Những khí độc gây ức chế hô hấp tế bào như khí hydrogen cyanide (cyanure, HCN, khí arsine (AsH3), khí borane (BH3), khí hydro sulfide H2S (mùi thối).
Bác sĩ Doãn Uyên Vy khuyến cáo người dân không đổ xác cá, tôm, cua xuống cống rãnh, nhà vệ sinh; không đổ các acid mạnh xuống cống hay toilet lượng nhiều vì sẽ làm xác chết động vật ở dưới cống sinh ra khí H2S nhiều và bốc hơi lên mạnh có thể vào nhà qua đường cống; không đun nấu tôm, cua, cá bị ươn trong phòng kín có sử dụng máy lạnh, chật hẹp khiến khí H2S bốc ra từ cá ươn tích tụ khắp phòng kín.
Ngoài ra, trong môi trường có khí H2S, những đồ vật kim loại như đồng xu, chìa khóa… có thể bị ố đen là dấu hiệu cho thấy có khí độc H2S./.