7 lý do khiến bạn đổ mồ hôi khi ngủ, cảnh giác với những điều liên quan đến thay đổi trong cơ thể
Trong nhiều trường hợp, đổ mồ hôi vào ban đêm cảnh báo loạt bệnh nguy hiểm, nhắc mọi người tuyệt đối không được chủ quan.
Mọi thứ từ bộ đồ ngủ, chăn ga gối đệm cho đến thời tiết đều sẽ ảnh hưởng đến nhiệt độ môi trường ngủ. Các chuyên gia cho biết thêm, nhiệt độ cơ thể của chúng ta dao động suốt đêm nên chuyện đổ mồ hôi vào thời điểm nào đó đôi khi rất bình thường. Tuy nhiên, đôi khi nó có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe đáng lo ngại.
BS Natalie Barnett (chuyên gia bệnh tâm thần và giấc ngủ, làm việc tại New York) mới đây chỉ ra những lý do tại sao bạn có thể bị đổ mồ hôi khi ngủ. Đồng thời đưa ra cảnh báo khi nào tình trạng này gây ảnh hưởng sức khỏe.
1. Phòng ngủ có nhiệt độ và độ ẩm cao hơn bình thường
Nếu môi trường ngủ quá ấm, cơ thể bạn sẽ đổ mồ hôi khi ngủ. Theo BS Natalie Barnett, điều này nghe có vẻ hiển nhiên. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp.
Bạn cần theo dõi nhiệt độ và độ ẩm trong phòng để xem liệu đó có phải là nguyên nhân khiến mình bị đổ mồ hôi khi ngủ hay không. Hãy giữ phòng ngủ luôn mát mẻ, mở cửa sổ hoặc dùng thêm quạt, điều hòa...
2. Mặc đồ không thấm mồ hôi
Quần áo ngủ, thậm chí cả bộ ga gối có chất liệu không thoáng khí đều có thể khiến bạn đổ mồ hôi khi ngủ. Tốt nhất, bạn nên tránh các loại vải như polyester, nylon và bông. Thay vào đó nên lựa chọn chất liệu thấm mồ hôi. Đảm bảo chăn và ga trải giường của bạn phù hợp với thời tiết để tránh đổ mồ hôi khi ngủ.
3. Uống rượu trước khi ngủ
Nhiều người uống rượu trước khi ngủ để ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, điều này thực ra có thể gây phản tác dụng, làm bạn bị đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường. Rượu làm tăng nhịp tim và làm giãn đường hô hấp, khiến bạn khó thở hơn. Cả hai điều này đều có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể, khiến bạn đổ mồ hôi khi ngủ.
Chuyên gia giải thích, rượu ảnh hưởng đến hệ thần kinh của bạn, gây ra phản ứng về huyết áp, nhịp tim và nhiệt độ cơ thể, có thể kích hoạt tiết mồ hôi. Thay vào đó, hãy uống thức uống nhẹ nhàng như sữa nghệ hoặc nước ép anh đào chua... trước khi ngủ để có giấc ngủ ngon hơn.
4. Căng thẳng, lo âu
Khi căng thẳng, não sẽ phản ứng lại, gây ra những thay đổi sinh lý trong cơ thể, làm tăng nhịp tim và giải phóng hormone. Những phản ứng này có thể dẫn đến tăng tiết mồ hôi.
Đổ mồ hôi do căng thẳng có thể xảy ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều người có thể nhận thấy điều này trước một cuộc phỏng vấn xin việc hoặc một bài thuyết trình quan trọng tại nơi làm việc.
Hãy cố gắng dành thời gian để thư giãn trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn giảm mức độ căng thẳng và giảm đổ mồ hôi. Những thay đổi nhỏ như giảm thời gian sử dụng thiết bị trước khi đi ngủ, có thể giúp bạn chìm vào giấc ngủ trong trạng thái thoải mái hơn, ít đổ mồ hôi hơn.
5. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc có thể dẫn đến tăng tiết mồ hôi do tác dụng phụ. Theo BS Barnett, điều này đặc biệt có thể xảy ra khi bạn dùng thuốc chống trầm cảm hoặc điều trị bệnh tiểu đường, thuốc giảm đau và một số chất bổ sung chế độ ăn uống, như canxi và niacin.
Nếu bạn e ngại loại thuốc nào đó mình đang dùng dẫn đến tăng tiết mồ hôi ban đêm, hãy liên hệ với bác sĩ để điều chỉnh liều lượng hoặc tìm lựa chọn thay thế.
6. Thay đổi nội tiết tố
Thay đổi nội tiết tố có thể là nguyên nhân gây đổ mồ hôi vào ban đêm. Nếu đang trải qua thời kỳ mãn kinh hoặc thay đổi nội tiết tố trong kỳ kinh nguyệt, bạn có thể bị tăng tiết mồ hôi. Để hạ nhiệt, chị em nên để hở chân tay, cổ, đắp khăn mát lên đầu.
Bốc hỏa là một triệu chứng mãn kinh phổ biến gây ra bởi sự thay đổi nồng độ hormone. Chúng có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày và đêm, kéo dài vài phút, khiến bạn nóng mặt, đổ bừng, đổ mồ hôi. Phụ nữ cũng có thể bị bốc hỏa trong giai đoạn tiền mãn kinh, mang thai hoặc sau sinh, đều dễ bị đổ mồ hôi vô cớ.
7. Mắc một số bệnh
Một số bệnh có thể khiến bạn đổ mồ hôi khi ngủ. Chúng bao gồm chứng rối loạn đổ mồ hôi có tên là hyperhidrosis.
Ngoài ra, tình trạng hạ đường huyết, cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức), nhiễm khuẩn, bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD), rối loạn tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp, bệnh thần kinh và một số bệnh ung thư (bệnh bạch cầu và ung thư hạch Hodgkin) cũng thường bị đổ mồ hôi vào ban đêm.
Đổ mồ hôi ban đêm cũng là một triệu chứng phổ biến của chứng ngưng thở. Nếu bạn thức dậy với cảm giác khó thở hoặc như thể bạn ngừng thở trong giây lát, hãy đi khám bác sĩ sớm.
(Nguồn: Byrdie, Health)