An Giang: Đẩy mạnh những chuyến hàng Việt về nông thôn
Ngày 19/9, tại UBND xã Long An, Tân Châu (An Giang), Sở Công thương tỉnh phối hợp với UBND thị xã Tân Châu, Siêu thị Tứ Sơn - Châu Đốc tổng kết 99 chuyến hàng Việt và phát động cho các chuyến hàng Việt tiếp theo trên địa bàn tỉnh An Giang.
Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, năm 2022, Sở Công thương tỉnh An Giang, Siêu thị Tứ Sơn - TP Châu Đốc đã tổ chức thành công cho 99 chuyến hàng hàng Việt tại các địa phương với mục đích tiếp tục tạo điều kiện cho người dân nông thôn được tiếp cận với các sản phẩm do doanh nghiệp trong nước sản xuất đảm bảo chất lượng, có giá cả hợp lý, mẫu mã đa dạng, phong phú, phù hợp với thu nhập của người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình đã thu hút khoảng 110.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm, với tổng giá trị trên 1,2 tỷ đồng. Riêng địa bàn thị xã Tân Châu đã tổ chức thành công 16 chuyến hàng, đạt tổng doanh số trên 180 triệu đồng và có trên 15.000 lượt người đến tham quan, mua sắm.
Bên cạnh đó, trong 3 tháng cuối năm, Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với địa phương và Siêu thị Tứ Sơn tổ chức thêm nhiều chuyến hàng Việt và phiên chợ hàng Việt cuối tuần để người dân đến tham quan, mua sắm.
Nhằm tiếp nối thành công của Chương trình hàng Việt thời gian qua và tiếp tục triển khai, đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” theo chỉ đạo của Ban Bí thư tại Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, ngay từ những tháng đầu năm 2022, Sở Công thương đã tích cực phối hợp với các địa phương, các siêu thị (đặc biệt là Siêu thị Tứ Sơn) chuẩn bị chu đáo các điều kiện và tổ chức triển khai đồng bộ Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn trong khuôn khổ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” là một chủ trương đúng đắn, có ý nghĩa sâu sắc, góp phần quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng, an sinh xã hội và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Cuộc vận động đã được Ban Bí thư xác định là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sau 10 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả quan trọng, phát huy được mạnh mẽ lòng yêu nước, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.
Để thực hiện thắng lợi hơn nữa Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 và các năm tiếp theo, ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố tiếp tục chỉ đạo các ngành chuyên môn của địa phương phối hợp với Sở Công thương trong công tác tổ chức và tuyên truyền vận động người dân tại địa phương ủng hộ và sử dụng hàng Việt.
Đồng thời, Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cũng đề nghị địa phương tiếp tục hỗ trợ phát thanh tuyên truyền cho những chuyến hàng Việt lưu động, phiên chợ hàng Việt trước 2-3 ngày. Lựa chọn và bố trí địa điểm thuận lợi; hỗ trợ mặt bằng (không thu phí); hỗ trợ điện nước (nếu có); an ninh trật tự, an toàn giao thông. Thực hiện giám sát quá trình tham gia của doanh nghiệp tại địa phương.
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh An Giang cũng cho rằng, Siêu thị Tứ Sơn cần chủ động phối hợp với Sở Công thương và địa phương (Phòng Kinh tế/Phòng Kinh tế - Hạ tầng) và các cơ quan liên quan tại các huyện, thị xã, thành phố khảo sát mặt bằng, thống nhất thời gian và địa điểm tổ chức chuyến bán hàng Việt, phiên chợ. Chuẩn bị hàng hóa sản xuất trong nước có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chọn các mặt hàng, sản phẩm phù hợp nhu cầu người tiêu dùng nông thôn, nhất là các mặt hàng chủ lực, hàng nhãn riêng của đơn vị để bán; thực hiện các chương trình khuyến mại nhằm thu hút khách hàng (nếu có); thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.
Ông Tạ Minh Sơn, Giám đốc Siêu thị Tứ Sơn cho biết, việc siêu thị tổ chức các chuyến hàng Việt về nông thôn nhằm tạo cơ cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với người tiêu dùng khu vực nông thôn, giúp người tiêu dùng cảm nhận sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm OCOP và đặc sản vùng miền, giúp sản phẩm đi sâu vào thị trường An Giang qua hệ thống phân phối của Siêu thị Tứ Sơn.
“Việc tổ chức các phiên chợ hàng Việt và các chuyến hàng Việt về nông thôn, siêu thị không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Nhiều mặt hàng doanh nghiệp chỉ bán bằng giá vốn và kèm tặng đồ khuyến mãi góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh”, ông Sơn khẳng định.