Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ năm, 16/03/2023 09:12 (GMT+7)

Argentina: Tỷ lệ lạm phát lần đầu vượt 100% sau 30 năm

Lần đầu tiên sau 3 thập kỷ, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Argentina tăng lên ngưỡng hơn 100% theo số liệu được công bố ngày 14/3 bởi cơ quan thống kê quốc gia INDEC, đẩy chính phủ vào cuộc chiến nhằm kiểm soát giá cả tăng cao.

Trong tháng 2, giá tiêu dùng tại Argentina tăng lên 102,5% so với một năm trước đó, đánh dấu mức cao nhất kể từ cuối năm 1991. Thông báo trên của chính phủ Argentina được đưa ra ngày 15/3, đúng thời điểm chính quyền do đảng Peronist đứng đầu đang hướng tới cuộc bầu cử vào tháng 10 sắp tới.

So với tháng trước, lạm phát là 6,6%. Thực phẩm và đồ uống thuộc nhóm tăng mạnh nhất, với 9,8% tháng 2 so với tháng trước đó. Theo sau là công nghệ thông tin - truyền thông và nhà hàng - khách sạn.

Nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latin quay cuồng trong khủng hoảng tài chính và xã hội nhiều năm qua. Gần đây, tình trạng kinh tế của nước này càng xuống dốc do xung đột Nga – Ukraine. Họ đã trải qua 13 tháng liên tiếp lạm phát tháng vượt 4% - mức được coi là tiêu chuẩn để đánh giá nền kinh tế vững mạnh.

tm-img-alt
Tỷ giá hối đoái đồng peso với USD liên tục giảm trong một năm qua. Ảnh: Reuters.

Phe đối lập bảo thủ ở Argentina hiện dẫn đầu trong các cuộc thăm dò khi người dân nước này đang ngày càng mệt mỏi với lạm phát vì giá thực phẩm và khí đốt tăng cao. Các khảo sát cho thấy lạm phát đang là mối quan tâm chính của người dân Argentina, theo sau là tham nhũng và nghèo đói.

Giá tăng cao một phần đến từ việc ngân hàng trung ương Argentina liên tục in tiền. Dữ liệu từ ngân hàng cho biết lượng tiền lưu thông đã tăng gấp 4 lần sau 3 năm cầm quyền của ông Fernandez. Lạm phát cao cũng đã buộc ngân hàng trung ương của nước này tăng lãi suất lên mức đáng báo động là 75%.

Để đối phó lạm phát và ngăn đồng peso mất giá, chính quyền của Tổng thống Alberto Fernandez đã áp dụng chính sách hỗ trợ tỷ giá với một số ngành nhất định. Việc này giúp các doanh nghiệp ngành đó mua được USD với giá rẻ hơn thị trường.

Ví dụ, các hãng sản xuất rượu được áp dụng chương trình Dollar Malbec. Các hãng bán gói du lịch trong dịp World Cup được tham gia Dollar Qatar. Còn Dollar Coldplay dành cho các công ty tổ chức sự kiện âm nhạc.

“Sự thật là chúng tôi chỉ đang sống qua ngày, tìm kiếm các mặt hàng giá thấp”, Gisella Saluzzo, một bác sĩ 30 tuổi ở Buenos Aires, chia sẻ với một hãng tin của Anh.

Trong khi đó, bà Andrea Mendoza, một giáo viên 50 tuổi, nói: “Có những thứ tôi đã phải ngừng mua. Tôi thay đổi thói quen hoặc mua các ưu đãi. Giá cả không thể tăng mãi như thế này được”.

Ngày 13/3, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo họ đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Argentina về gói viện trợ với số tiền khoảng 5,3 tỷ USD. Nếu gói đó được thông qua trong vài tuần tới, số tiền viện trợ mà Argentina nhận được kể từ khi bắt đầu hỗ trợ vào tháng 3 năm ngoái sẽ lên tới 28,8 tỷ USD.

IMF giải thích: “Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hơn, đặc biệt là hạn hán ngày càng nghiêm trọng, các hành động chính sách mạnh mẽ là cần thiết để bảo vệ sự ổn định, giải quyết lạm phát gia tăng và thất bại trong chính sách, đồng thời duy trì vai trò giữ vững của chương trình cho vay”.

Viện Thống kê và Điều tra quốc gia Argentina chỉ ra vào năm 2022, giá tiêu dùng của quốc gia đạt mức đáng báo động 94,8%, đánh dấu một trong những mức tăng đột biến cao nhất trên khắp châu Mỹ Latinh.

Với dữ liệu mới nhất, Argentina được xếp vào những quốc gia lạm phát cao nhất thế giới, chỉ sau Zimbabwe, Lebanon, Venezuela và Syria.. Số liệu chính thức mới nhất mà Venezuela công bố là từ tháng 10 năm ngoái, với lạm phát 155%. Còn tại Lebanon, giá tiêu dùng tháng 1 tăng 124%. Lạm phát Zimbabwe tháng 1 cũng lên 101,5%.

Cùng chuyên mục

Khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc chưa có lối thoát
Cuộc khủng hoảng ngành y ở nước này vẫn chưa thể được giải quyết, dù chính phủ Hàn Quốc đã có nhượng bộ đáng kể là cho phép các trường đại học giảm bớt chỉ tiêu tuyển sinh ngành y cho niên khóa 2025.

Tin mới