Bắc Ninh: Khu đô thị sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm bao giờ cất cánh?
Diện tích 200ha, vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm (Thuận Thành, Bắc Ninh) từng được kỳ vọng là KĐT sinh thái đẹp và hiện đại bậc nhất tại Bắc Ninh cũng như toàn quốc.
Thăng trầm Hồng Hạc
Dự án được khởi động từ năm 2010, tọa lạc tại vị trí đắc địa trên địa bàn 3 xã Xuân Lâm, Ngũ Thái, Song Liễu. Đây là điểm tiếp giáp giữa Bắc Ninh , Hà Nội, Hưng Yên lại nằm trên trục liên kết giũa các tỉnh Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh (vùng tam giác phát triển kinh tế trọng điểm).
Diện tích gần 200ha, với trên 2.700 căn nhà biệt thự, nhà ở xã hội, vốn đầu tư lên tới 3.000 tỷ đồng. Dự án từng được tỉnh Bắc Ninh và chủ đầu tư kỳ vọng Khu đô thị (KĐT) sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm là một trong những “khu đô thị sinh thái có diện tích lớn, đẹp và hiện đại bậc nhất tại tỉnh Bắc Ninh cũng như trên toàn quốc”.
Theo Quyết định số 1503/QĐ-UBND ngày 24/11/2011của UBND tỉnh Bắc Ninh do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh ký về việc thu hồi đất và giao đất cho Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc - Xuân Lâm, tại huyện Thuận Thành nêu rõ: Thu hồi 1.987.388,3m2 (198 ha) đất tại huyện Thuận Thành. Trong đó đất nông nghiệp là 170ha, còn lại là đất mặt nước chuyên dùng, đất nghĩa trang, nghĩa địa, đất cơ sở sản xuất, đất ở….
Đất này thu hồi cho Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương để xây dựng hạ tầng kỹ thuật KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm theo dự án đầu tư đã được UBND tỉnh Bắc Ninh cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 21.1.2.1.000 261 ngày 15/12/2010.
Tuy nhiên, dự án đắp chiếu đến 5 năm sau cho tới ngày 03/11/2015 UBND tỉnh Bắc Ninh mới lại có công văn số 3033/UBND-KTTH do Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Trần Ngọc Thực ký cho phép Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương rút một phần tiền ký quỹ đảm bảo thực hiện dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm.
Và cho tới năm 2016, UBND tỉnh Bắc Ninh lại có văn bản số 972/UBND-XDCB ngày 27/4/2016 do Chánh văn phòng UBND tỉnh Trịnh Hữu Hùng ký gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng ý về chủ trương Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương chuyển nhượng cổ phần thực hiện dự án.
Theo thông tin tìm hiểu của PV Môi trường và Đô thị Việt Nam thì ban đầu Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công Thương chiếm 75% (vốn điều lệ), Công ty CP đầu tư phát triển nhà Hà Nội số 36-Hadico 36 (5% vốn điều lệ), Công ty cổ phần đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc Hà Nội – Hateco (25% vốn điều lệ).
Từ ngày 20/5/2015, cơ cấu cổ đông của công ty bao gồm công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công thương chiếm áp đảo với 98,9% và cổ đông khác chiếm 1,1% vốn điều lệ.
Ngày 23/6/2016, cơ cấu cổ đông của Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công thương đã được thay đổi bao gồm 3 pháp nhân thuộc “nhóm” Phú Mỹ Hưng là Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng (99,68%), Công ty TNHH Nam Sài Gòn Presidences (0,16%) và Công ty TNHH Tân Thuận (0,16%).
Vị trí người đại diện theo pháp luật (Kiêm Chủ tịch HĐQT) của Công ty cổ phần đầu tư công đoàn ngân hàng Công thương được thay thế bằng ông Tseng Fan Chih, sinh năm 1967 có Quốc tịch Đài Loan, ông Tseng Fan Chih cũng là người đại diện của công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.
Hồng Hạc có bay về trời?
Vào cuối năm 2019, PV Môi trường và Đô thị Việt Nam có mặt tại dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc – Xuân Lâm. Tuy nhiên, sau 10 năm triển khai, dự án vẫn là khu đất hoang hóa. Những cánh đồng phì nhiêu, bờ xôi, ruộng mật đã để hoang nhiều năm người dân địa phương thì đất đã thu hồi nên không thể canh tác.
Liên hệ với chủ đầu tư, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc triển khai dự án nhưng đều được trả lời: Dự án đang trong thời gian thanh tra, nên phải chờ kết luận mới có thể cung cấp thông tin cho báo chí.
Mới đây, tháng 5/2020 dự án KĐT sinh thái Hồng Hạc đã có những động thái triển khai sau thời gian dài nằm ngủ. Thế nhưng câu chuyện những vấn đề pháp lý liên quan đến dự án vẫn là dấu hỏi lớn?
Vấn đề ở đây là sau 10 năm nằm ngủ dự án Hồng Hạc tiến độ ra sao, các nhà đầu tư, khách hàng có đủ thông tin và niềm tin để quyết định đầu tư vào dự án hay không. Bởi trên thực tế đã có nhiều dự án sau khi triển khai kêu gọi đầu tư vẫn nằm trơ gan, tuế nguyệt cùng thời gian và câu chuyện Hồng Hạc liệu có bay về trời!?
PV Môi trường và Đô thị Việt Nam tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng, nhà đầu tư để làm rõ vấn đề này trong những bài viết tiếp theo.