Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ bảy, 08/02/2025 08:48 (GMT+7)

Bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và phòng cúm A cho trẻ

Bệnh cúm A khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hướng dẫn các dấu hiệu cần lưu ý.

Bác sĩ hướng dẫn cách nhận biết và phòng cúm A cho trẻ ảnh 1
Trẻ mắc cúm A nhập viện.

Trước tình hình dịch cúm đang gia tăng, đáng lo ngại nhất là cúm A dễ biến chứng nặng, TS. BS Đặng Thị Thúy, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cảnh báo: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra vào mùa Đông Xuân và khi giao mùa (hay còn gọi cúm mùa).

Bệnh cúm A có thể gây ra bởi các chủng như: H1N1, H2N3, H7N9…. Bệnh lây lan qua đường hô hấp thông qua các hạt bụi nước, giọt bắn li ti dính virus được thải ra khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc qua tiếp xúc với các đồ vật, bề mặt nhiễm virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng…

Triệu chứng ban đầu của nhiễm cúm A hay bệnh cúm mùa nói chung và nhiễm các virus gây viêm đường hô hấp khác là tương tự nhau, trẻ thường có sốt, viêm long đường hô hấp (như ho, hắt hơi, sổ mũi), đau họng… Do vậy, khi trẻ có những dấu hiệu này, cha mẹ thường khó phân biệt trẻ mắc cúm A hay các bệnh hô hấp khác.

Ngoài các triệu chứng ban đầu như trên, với trẻ nhiễm cúm A thường có sốt cao 39-40 độ C, da mắt sung huyết, họng sung huyết, đỏ toàn bộ, trẻ mệt mỏi, ăn kém, quấy khóc, nhiều trường hợp nặng có cảm giác khó thở, viêm phổi, viêm tiểu phế quản…

Khi trẻ có biểu hiện của sốt cao và viêm long đường hô hấp như đã đề cập ở trên, cha mẹ cần cho con đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chẩn đoán bệnh, cũng như tư vấn cách chăm sóc và điều trị phù hợp với tình trạng của từng trẻ.

Phần lớn trẻ mắc cúm mùa được chẩn đoán mắc cúm đơn thuần sẽ được kê đơn thuốc điều trị ngoại trú. Những trường hợp có biểu hiện của biến chứng viêm đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, sẽ có chỉ định nhập viện điều trị.

Về chăm sóc trẻ mắc cúm, TS.BS Nguyễn Thị Thúy hướng dẫn: Cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng bệnh cũng có thể có biến chứng nặng và nguy hiểm thường gặp ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp.

Bộ Y tế đã có phác đồ hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh cúm mùa. Bệnh đã có thuốc điều trị đặc hiệu và được chỉ định dùng cho những trường hợp cụ thể, phác đồ cũng hướng dẫn các biện pháp điều trị triệu chứng và các trường hợp cúng mùa có biến chứng.

Khi trẻ mắc bệnh, cha mẹ cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, cho con uống nhiều nước, ăn thức ăn lỏng và dễ hấp thu, uống thuốc hạ sốt, thuốc điều trị triệu chứng (thuốc ho, thuốc cảm chống ngạt mũi), vitamin (đặc biệt là vitamin C) hỗ trợ tăng sức đề kháng... Cha mẹ lưu ý, các thuốc phải do bác sĩ chỉ định, không nên tự ý sử dụng cho trẻ.

TS. BS Đặng Thị Thúy khuyến cáo, cúm A là bệnh dễ lây lan, mọi người đều có thể mắc đặc biệt là trẻ nhỏ, người già, phụ nữ có thai.

Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vaccine phòng cúm chủ động; thời điểm tiêm thích hợp là trước lúc giao mùa Đông Xuân khoảng 3 tháng (tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh những kháng thể cần thiết chống lại virus gây bệnh. Virus cúm không ngừng biến đổi, sau một năm kháng thể cũng dần ít đi, do vậy nên tiêm phòng nhắc lại hàng năm.

Bên cạnh đó, cần chú ý nâng cao thể trạng cho trẻ như: Ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin khoáng chất, vitamin tổng hợp theo lứa tuổi. Cha mẹ cũng giữ gìn vệ sinh cá nhân cho trẻ bằng các biện pháp: Rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà, sau khi đi vệ sinh; hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng; thường xuyên vệ sinh không gian sống và vui chơi của trẻ; tránh đưa trẻ đến nơi tập trung đông người, đặc biệt là tiếp xúc với những người có dấu hiệu bị cúm và đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để để hạn chế lây nhiễm cúm A.

Cùng chuyên mục

Bộ Y tế khuyến cáo người dân phòng chống bệnh sởi
Trước tình hình dịch sởi gia tăng ở nhiều địa phương, Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế) cảnh báo: Bệnh sởi là bệnh lây lan nhanh nhất trong số các bệnh truyền nhiễm. Bệnh lây qua không khí khi người bị nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi và chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.
Đối tượng dễ mắc bệnh khi giao mùa, cách phòng tránh hiệu quả
Khi giao mùa, thời tiết chuyển đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hay từ ẩm sang khô có thể trở thành tác nhân gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Đặc biệt, một số đối tượng nhất định dễ bị ảnh hưởng hơn cả. Vậy ai là đối tượng dễ mắc bệnh khi giao mùa?
Cách khám bệnh không cần mang theo thẻ BHYT
Khi đi khám chữa bệnh, người dân không còn phải lo lắng về việc quên mang theo thẻ bảo hiểm y tế giấy. Thay vào đó, người dân có thể sử dụng Căn cước công dân, hoặc có thể dùng ứng dựng VNeID hay ứng dụng VssID.

Tin mới

Phạt 80 triệu đồng và đình chỉ hoạt động Viện thẩm mỹ Quốc tế TK Korea
Thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã đưa ra quyết định xử phạt đối với Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Kovibe số tiền 80 triệu đồng vì những vi phạm nghiêm trọng tại Viện Thẩm mỹ Quốc tế TK Korea, tọa lạc tại 7 Trần Quang Diệu, Phường 14, đã thực hiện các hành vi can thiệp xâm lấn trái phép vào cơ thể người, vi phạm theo quy định tại khoản 6 Điều 40 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.