Bác sĩ khuyến cáo người mắc Covid-19 ở một mình cần phải biết những điều này để đảm bảo an toàn
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, bác sĩ Trương Hữu Khanh đã có những chia sẻ, khuyến cáo vô cùng hữu ích đối với những người mắc Covid-19 đang sống một mình.
Dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tại TP HCM và Hà Nội khi hàng ngày vẫn liên tục ghi nhận nhiều ca mắc mới.
Trước tình trạng trên, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Cố vấn chuyên môn khoa nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), đã có những tư vấn, chia sẻ vô cùng hữu ích đến người dân.
Người mắc Covid-19 sống một mình cần chuẩn bị gì?
Bác sĩ Khanh: Nếu là người sống một mình mà mắc Covid-19 thì cần có một số điện thoại, để mình liên lạc với người thân hoặc với các đơn vị y tế.
Bên cạnh đó, cần phải có một kế hoạch nấu nướng hàng ngày thế nào, chế độ ăn uống, nạp năng lượng ra sao. Chuẩn bị sẵn sàng lhi cần thì gọi cho ai.
Nguyên tắc này cũng cần chuẩn bị giống như F0 khác tại nhà, chuẩn bị về tinh thần, dinh dưỡng, nước, giấc ngủ. Ngoài ra, mình cần phải chuẩn bị những loại thuốc đơn giản, thiết yếu.
Đối với những người tại TP HCM, chính quyền đã có những túi thuốc hỗ trợ nên nếu mình là F0 thì nên liên lạc với y tế phường, để y tế phường cung cấp cho mình túi thuốc đó. Lúc này, họ sẽ dặn mình cần uống thêm những loại thuốc nào, khi nào thì cần sử dụng loại thuốc nào.
Điều đầu tiên cần làm sau khi phát hiện mắc Covid-19 là gì?
Bác sĩ Khanh: Khi phát hiện thì phải hết sức bình tĩnh, cố gắng cảm nhận cơ thể mình đang mệt ở mức độ nào, có cần sử dụng thuốc hay không. Bất cứ khi nào cảm thấy mình mệt thì cần đo nồng độ o xy trong máu để xác định được rõ. Tránh yếu tố tâm lý làm mình hoảng hốt rồi mệt mỏi.
Nên làm gì khi có người thân mắc Covid-19?
Bác sĩ Khanh: Nếu có người thân thì tốt, có thể hỗ trợ chăm sóc và liên lạc khi cần. Trường hợp người thân cũng là F0 thì 2 người F0 có thể chăm sóc cho nhau. Nếu người thân là F1 thì có thể qua trung gian nhờ chăm sóc giúp, qua bạn bè, qua y tế…, có thể nấu nướng xong nhờ chuyển vào trong cho F0.
Luôn luôn phải nắm nguyên tắc người khoẻ mạnh không ăn chung, không ngủ chung, không nghỉ ngơi chung, không sinh hoạt chung và không sử dụng nhà vệ sinh chung. Nếu bảo đảm những nguyên tắc đó thì sẽ không lo sợ bị lây nhiễm.
Người thân phải luôn động viên tinh thần F0 cho tinh thần họ thoải mái sẽ nâng đề kháng cao lên, họ sẽ nhanh khỏi bệnh hơn.
F0 tự chăm sóc ở nhà một mình thì yếu tố tâm lý ảnh hưởng thế nào?
Bác sĩ Khanh: Đã có rất nhiều F0 tự chăm sóc ở nhà và họ vượt qua rất nhẹ nhàng. Điều quan trọng nhất là xác định sẽ nấu nướng thế nào, liên lạc với ai khi cần và để sẵn một số điện thoại để khi cần thì liên lạc.
Đa số người trẻ khoẻ sẽ đều tự chăm sóc ở nhà được.
Đặc biệt, người lớn tuổi mắc Covid-19 không nên tự chăm sóc ở nhà một mình vì những người này khi bệnh trở nặng sẽ không kịp trở tay. Do vậy cần lựa chọn việc người F0 nào nên ở nhà tự chăm sóc.
Người thân chăm sóc F0 tại nhà có vai trò thế nào với tâm lý người bệnh?
Bác sĩ Khanh: Rất quan trọng, vì khi người thân mà rối lên thì chắc chắn F0 họ cũng sẽ rất hoảng loạn. Đối với người lớn tuổi, yếu tố tâm lý thường hơi mặc cảm.
Khi người thân chăm sóc mà có biểu hiện như sợ bị lây thì sẽ tạo ra tâm lý rất khó khăn cho người bệnh, chính vì vậy người thân cần tìm hiểu về nguyên tắc lây bệnh. Những yếu tố tâm lý rất quan trọng lưu ý cho người thân chuẩn bị để F0 vượt qua nhẹ nhàng.
Người thân cần chuẩn bị tâm lý gì khi có người nhà mắc Covid-19?
Bác sĩ Khanh: Đánh giá nguy cơ của người nhà,liên lạc với y tế địa phương để chuẩn bị thuốc. Cần có dụng cụ đo nồng độ o xy trong máu. Cần có dụng cụ đo thân nhiệt, thậm chí cả dụng cụ đo huyết áp.
Chuẩn bị các phương án tiếp tế như thế nào, xử lý rác thải ra sao, quần áo cho người bệnh thế nào? Chuẩn bị xem người F0 có thể tự làm được việc gì, khi nào thì phải thở o xy, khi nào cần chuyển đi, phải tính toán hết và thật bình tĩnh.
Những nguyên tắc mà F0 cần tuân thủ?
Bác sĩ Khanh: Không lây thêm cho ai, không lây cho người tiếp tế. Khi tiếp tế cần tiếp tế qua trung gian, qua một cái bàn, không tiếp xúc gần, cần đeo khẩu trang khi tiếp tế. Rác thải nên cho vào 2 túi ni lông, những vật dụng mà F0 khi cần dùng lại thì cần tự F0 tráng qua nước sôi.
Nồng độ o xy trong máu rất quan trọng, cần có một số liên lạc với y tế khi có bất thường xảy ra.