Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 21/10/2019 08:41 (GMT+7)

Bản kế hoạch cưỡng chế trại gà ở Chương Mỹ: Sở kiến nghị một đằng, xã làm một nẻo

UBND xã Tiên Phương lên kế hoạch cưỡng chế khu đất trại gà của người dân trong khi sự việc đang được UBND thành phố giao cho Thanh tra Hà Nội thụ lý giải quyết (?!).

Ngày 18/01/2008, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 05/2008/QĐ-UBND để Quy định về một số Chính sách khuyến khích, phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó, hàng năm, UBND các huyện lập kế hoạch phát triển trang trại và dự kiến ngân sách đầu tư hỗ trợ cho trang trại tại địa phương, tổng hợp, thẩm định và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Ban hành các cơ chế hỗ trợ, khuyến khích trạng trại trên địa bàn, nhằm đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất phát triển kinh tế hàng hóa. Tổ chức theo dõi, đánh giá kết quả hoạt động và trực tiếp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của các trang trại. Thực hiện kịp thời việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận Kinh tế trang trại cho các trang trại. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ quan, đơn vị chức năng chuyên môn thuộc UBND các huyện và các trang trại trong việc thực hiện chính sách này. Ấy vậy mà ở nơi này, địa phương kia lại có biểu hiện đi trật hướng với chủ trương này gây khó khăn, thậm chí đòi xóa bỏ mà không hề quan tâm đến thiệt hại của người dân làm kinh tế trang trại. 

Tuần qua, tòa soạn nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Nguyễn Thị Tâm, công dân sinh sống tại Đội 7, thôn Tiên Nữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Nội dung đơn của bà nêu: “Năm 2004, ông Tống Quang Hải, địa chỉ ở Đội 3, Đồng Nanh đã đại diện bên thuê để thuê lại phần diện tích 18.475 m2 đất công do UBND xã Tiên Phương quản lý (theo Hợp đồng kinh tế số 07/HĐKT ngày 01/01/2004) để sử dụng vào mục đích canh tác, cấy lúa và trồng hoa màu. Thời hạn thuê là 9 năm 10 tháng với mức khoán sản: 50 kg thóc tẻ/ sào/ năm. Trong 18.475 m2 đất mà ông Hải thuê để làm nông nghiệp thì có những phần diện tích đất là hố, thùng, mồ mả (phần diện tích đất hoang hóa này không thể sản xuất nông nghiệp được).

Theo Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại của Thành phố Hà Nội, gia đình tôi lúc bấy giờ có xin ông Hải cho thuê lại phần diện tích đất này với tổng số diện tích là 6.677 m2 để chăn nuôi và đào ao thả cá. Được sự đồng ý của ông Hải, năm 2005 gia đình chúng tôi đã bỏ công sức, tiền bạc ra để san nền đất, di dời mồ mả trong khu vực khu đất ra bên ngoài, xây dựng nhà xưởng để chăn nuôi gà gia công theo hợp tác với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam – Chi nhánh số 2 tại Hà Nội.

Để có vốn ban đầu thực hiện xây dựng nhà xưởng, gia đình tôi đã phải vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội huyện Chương Mỹ (số tiền vay là hai trăm triệu đồng). Tuy nhiên không được may mắn bởi khi bắt đầu thực hiện triển khai mô hình trang trại này thì toàn bộ tài sản, cây trồng, vật nuôi của gia đình tôi bị lũ quét gây thiệt hại đến nỗi trắng tay.

Trước tình trạng thiệt hại nặng nề như vậy, thông qua UBND xã Tiên Phương, tôi có gửi Đơn đề nghị đến ngân hàng chính sách xã hội và phòng Lao động Thương binh xã hội huyện Chương Mỹ xem xét hỗ trợ xóa nợ vay và xin cấp thêm vốn cho gia đình tôi tái kinh doanh khắc phục khó khăn. Để thuận tiện cho việc nộp sản, cũng tại thời điểm này, ông Hải có Đơn gửi UBND đề nghị tách phần diện tích đất thuê của gia đình tôi để gia đình tôi có trách nhiệm nộp khoán sản trực tiếp cho UBND xã.

Đến năm 2011, gia đình tôi được ký hợp đồng thuê đất trực tiếp với UBND xã nhưng chỉ với diện tích 4.497 m2 (theo Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT ngày 25/06/2011) với mức khoán sản không thay đổi. Phần diện tích hơn 2.000 m2 mà gia đình tôi vẫn thuê của ông Hải trước đây đến thời điểm này chúng tôi vẫn thuê của ông Hải và nộp khoán sản cho địa phương thông qua ông này.

Do một phần thiếu hiểu biết về pháp luật và tin tưởng vào sự lãnh đạo của chính quyền địa phương nên Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT lại được UBND xã Tiên Phong ghi nội dung diện tích đất cho thuê là để canh tác, cấy lúa và trồng hoa màu trong khi gia đình tôi đang chăn nuôi và thả cá với thời hạn có vỏn vẹn 02 năm. Lúc này gia đình tôi chỉ nghĩ đã bao năm thuê đất của nhà nước không có vấn đề gì thì nay việc ký hợp đồng thuê đất thì cũng chỉ mang tính hình thức. Vì vậy mà gia đình chúng tôi sau khi ký hợp đồng kinh tế với UBND xã thì vẫn yên tâm thực hiện kinh doanh.

Đến năm 2012, UBND huyện Chương Mỹ có chủ trương thực hiện phương án dồn điền đổi thửa gắn với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. UBND xã Tiên Phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác này và tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất của gia đình tôi. Phần diện tích hơn 2.000 m2 tôi nuôi thả cá UBND xã thu hồi lại giao cho hộ gia đình ông Vũ Đình Minh làm trang trại. Phần diện tích 4.497 m2 gia đình tôi đang chăn nuôi trang trại gà bị thu hồi lại để giao cho 7 hộ gia đình khác (07 hộ gia đình này theo UBND xã cho biết là bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ giao thông thủy lợi). Khi tiến hành thanh lý hợp đồng thuê đất với gia đình tôi, UBND xã đã không xem xét đến cả quá trình xây dựng mô hình kinh doanh chăn nuôi gà của gia đình tôi từ năm 2005.

Cả quá trình hoạt động kinh doanh đã không xảy ra khiếu kiện và cũng không bị chính quyền địa phương nhắc nhở lần nào. Còn 07 hộ gia đình khi tiếp nhận phần diện tích đất này đã áp đặt mức nộp khoán sản hàng năm cho gia đình chúng tôi cao gấp 4 lần mức giá cũ (200 kg gạo tẻ/ sào/ năm).

Trước tình trạng bất cập gây khó khăn cho gia đình tôi như vậy, tôi đã nhiều lần làm Đơn kiến nghị chính quyền sở tại, đề nghị xem xét tạo điều kiện cho gia đình tôi kinh doanh để mưu sinh và trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên chính quyền sở tại cố tình làm ngơ, cương quyết bắt gia đình tôi tháo dỡ trại nuôi gà, di dời toàn bộ con giống đi nơi khác mà chúng tôi chưa biết phải di dời đi đâu”.

Trước tình cảnh hàng nghìn con gà đang chăn nuôi cùng hệ thống chuồng trại và Hợp đồng kinh tế còn thực hiện dang dở với Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, bà Tâm đã làm Đơn tố cáo Lãnh đạo xã Tiên Phương gửi đến Lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội. Bước đầu, UBND thành phố Hà Nội đã thụ lý và giao nhiệm vụ xác minh nội dung Đơn của công dân cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ngày 13/11/2018, Sở Nông nghiệp và Nông thôn thành phố Hà Nội có văn bản số 3456/SNN-TTr gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị: “UBND huyện Chương Mỹ, UBND xã Tiên Phương tạm dừng việc cưỡng chế công trình xây dựng trang trại nuôi gà của bà Tâm cho đến khi có Kết luận giải quyết tố cáo của UBND thành phố Hà Nội”.

Tiếp đến ngày 01/10/2019, thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội, Thanh tra thành phố có Văn bản số 4575/TTTP-P2 gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND huyện bố trí thành phần, chuẩn bị nội dung và làm việc liên quan đến nội dung tố cáo của công dân.

Điều đó cho thấy trước sự kêu cứu của công dân, UBND thành phố Hà Nội đã nhanh chóng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xem xét, làm rõ vấn đề nhằm trả lời công dân một cách minh bạch, khách quan. Trong khi sự việc đang được các cấp có thẩm quyền làm rõ thì UBND xã Tiên Phương lại lên kế hoạch cưỡng chế khu chăn nuôi gà của bà Tâm (chồng là ông Vũ Huy Cường).

Công văn số 4575/TTTP-P2 ngày 01/10/2019 của Thanh tra thành phố Hà Nội gửi UBND huyện Chương Mỹ đề nghị UBND huyện bố trí thành phần, chuẩn bị nội dung và làm việc liên quan đến nội dung tố cáo của công dân.

Nhiều câu hỏi được đặt ra là: Tại sao cứ nhất thiết phải chia ruộng cho người dân ở khu vực trang trại gà của bà Tâm? Chỗ đó đâu có thể canh tác trồng lúa được bởi gần hơn 10 năm qua đã tồn tại trang trại chăn nuôi gà? Tại sao UBND xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ không tạo điều kiện cho gia đình bà Tâm chăn nuôi gà theo đúng Chủ trương khuyến khích của Thành phố? Nếu cứ cố tình phá hủy khu trang trại chăn nuôi này thì miếng cơm, manh áo của chủ trại sẽ thế nào? Là “quan phụ mẫu” địa phương, liệu ông Chủ tịch UBND xã Tiên Phương và huyện Chương Mỹ có chút nào trăn trở?

Để rộng đường dư luận cũng như phản ánh thông tin đa chiều, khách quan sự việc, chiều ngày 15/10/2019 phóng viên đã có mặt tại trụ sở UBND huyện Chương Mỹ làm thủ tục đặt lịch làm việc với Người phát ngôn của huyện thông qua bà Đặng Thị Nam - Phó Chánh văn phòng.

Theo bà Nam thì nội dung đặt lịch làm việc ngay sau đó được chuyển đến ông Trần Ngọc Thông – Chánh văn phòng UBND huyện để báo cáo Lãnh đạo huyện sắp xếp lịch làm việc với phóng viên. Không biết là do Lãnh đạo huyện Chương Mỹ chỉ đạo hay là do chủ ý của ông Thông mà lúc 7h52 ngày 16/10/2019, ông Thông đã liên hệ với phóng viên nhằm thông báo đúng 8h00 sáng cùng ngày Lãnh đạo huyện sẽ làm việc với phóng viên theo yêu cầu được gửi trước đó.

Lấy lý do là phóng viên hẹn lịch làm việc mà giờ ông Thông không liên hệ được, nên ông này đã liên hệ với đường dây nóng của tòa soạn để thông báo với hàm ý là đã tạo điều kiện để phóng viên đến làm việc nhưng không liên hệ được với phóng viên, đề nghị tòa soạn hỗ trợ liên hệ và thông báo cho phóng viên được biết.

Trước sự áp đặt của Chánh văn phòng UBND huyện Chương Mỹ, phóng viên đã nêu lên quan điểm của mình là: “Việc ông Thông sắp xếp và yêu cầu phóng viên có mặt tại trụ sở UBND huyện Chương Mỹ chỉ trong 08 phút (kể từ lúc ông Thông bắt đầu liên hệ với phóng viên) là điều không thể xảy ra bởi chỉ riêng quãng đường từ trung tâm Hà Nội đến trụ sở Ủy ban huyện nếu đi nhanh cũng phải mất gần 50 phút (tương đương với 22km)”.

Hơn thế nữa, kể từ lúc ông Thông gửi tin nhắn cho đến hết ngày 16/10/2019, phóng viên không thể liên hệ được với ông này mặc dù đã rất nhiều lần gọi điện thoại. Lần cuối cùng được tiếp xúc với ông Thông là 17h03 cùng ngày và phải thông qua sự kết nối của bà Nam, lúc này ông Thông mới cho biết: “Vì để máy điện thoại ở chế độ mặt trăng nên không biết phóng viên đã có liên hệ với mình nhiều lần” và hứa hẹn sẽ báo cáo lãnh đạo huyện và sắp xếp một buổi làm việc với phóng viên trong tuần tới.

Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các cấp có thẩm quyền, làm rõ sự việc và thông tin tới bạn đọc.

Cùng chuyên mục

Vụ tranh chấp thừa kế tại xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc: Cần làm rõ việc khai nhận di sản thừa kế và trình tự khai nhận sang tên di sản
Diện tích 338m2 nằm trên thửa đất số 305, Tờ bản đồ địa chính số 4 tại thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc là của cha ông để lại cho cụ Tô Văn Tích sử dụng khi cụ chưa lấy vợ là cụ Nguyễn Thị Lịnh. Năm 1947, cụ Lịnh chết, cụ Tích lấy vợ hai là cụ Lê Thị Dốn. Đến năm 1971, cụ Tích chết, năm 1997, cụ Dốn chết. Khi chết cụ Tích, cụ Lịnh và cụ Dốn không để lại di chúc.
Hợp đồng giả cách và cảnh báo người dân cần biết
Do thiếu những hiểu biết cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, nhiều người dân lỡ ký hợp đồng giả cách đã gặp những rắc rối phát sinh khi xảy ra tranh chấp, dẫn đến rủi ro mất tài sản.
Công ty Matexim Hải Phòng - Animex: Cần bảo đảm lợi ích hợp pháp của người cao tuổi khi thực hiện dự án
Bà con Nhân dân (phần lớn là người cao tuổi) sống ở khu tập thể 7B (nay là số 20) đường Trần Phú có “Đơn kêu cứu” về việc 16 hộ gia đình đang quản lí, sử dụng nhà đất hợp pháp từ những năm 1988 đến nay. Tuy nhiên, ngày 10/8/2023, Công ty Matexim Hải Phòng - Animex tổ chức ngăn rào chắn tôn cản trở cuộc sống và sinh hoạt của người dân…

Tin mới

Vĩnh Phúc: Cảnh báo thủ đoạn mạo danh Trung tâm đăng kiểm xe để lừa đảo
Trước tình trạng các đối tượng mạo danh lãnh đạo, nhân viên các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới gọi điện đến chủ phương tiện để thực hiện các hành vi lừa đảo, ngày 18/11 vừa qua. Sở GTVT tỉnh Vĩnh Phúc đã ra văn bản cảnh báo, để người dân nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn này.
Điều kiện thanh toán thuốc điều trị ung thư cho người tham gia BHYT từ năm 2025
Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán đối với thuốc điều trị ung thư, điều hòa miễn dịch khi đáp ứng các quy định tại Thông tư 37/2024/TT-BYT đồng thời đáp ứng điều kiện như: Sử dụng để điều trị ung thư khi được chỉ định bởi bác sĩ có phạm vi hành nghề ung bướu hoặc y học hạt nhân hoặc huyết học truyền máu hoặc trường hợp thuộc phạm vi chuyên môn của người hành nghề theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh...