Xã Thái Phương, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình: Cần xử lí việc xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp
Tạp chí Người cao tuổi nhận được thông tin của bạn đọc là người cao tuổi ở xã Thái Phương, huyện Hưng Hà về việc nhiều hộ gia đình xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng không bị xử lí dứt điểm...
Theo đó, người dân (trong đó có nhiều người cao tuổi) phản ánh về việc ông Đinh Văn Sáng, công chức địa chính UBND xã Thái Phương có hành vi: Lạm dụng chức vụ, quyền hạn gây phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực, chỉ đạo thu tiền của người làm hồ sơ đất đai, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và chỉ định mua đất ruộng tại khu giải phóng mặt bằng cho các công ty làm dự án để hưởng lợi; Có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho một số hộ gia đình xây dựng trái phép, việc quản lí đất đai, giao đất, cho thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phép, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; Dấu hiệu làm thất thoát từ việc sử dụng đất 5% công tích đã giúp tạo điều kiện sang tên cho nhiều cá nhân không đúng mục đích ở thôn Hà Nguyên...
Thời gian gần đây, dư luận quan tâm về thông tin “loạt cán bộ, lãnh đạo xã, huyện ở tỉnh Thái Bình vướng vòng lao lí”, cụ thể như tại huyện Hưng Hà, Cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn thực hiện trái quy định của pháp luật về đất đai”, bắt tạm giam một số cán bộ thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi nhánh Văn phòng Đăng kí đất đai, Ban quản lí dự án, UBND xã...
Sự việc chưa hết nóng, thì người dân tiếp tục phản ánh tại xã Thái Phương, huyện Hưng Hà xuất hiện nhiều công trình nhà ở kiên cố có diện tích hàng trăm mét vuông ngang nhiên mọc trên đất nông nghiệp, bất chấp quy định của pháp luật. Mặc dù, những công trình trên rất gần trụ sở UBND xã Thái Phương, nhưng không bị cơ quan hữu quan xã Thái Phương ngăn chặn, xử lí triệt để.
Làng Mẹo, xã Thái Phương là làng nghề dệt nổi tiếng. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình trên địa bàn xã đầu tư, mở rộng quy mô, cũng như các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh về xây dựng nhà xưởng, cơ sở kinh doanh. Điều này dẫn đến hàng loạt các đơn vị, cá nhân bất chấp các quy định pháp luật, xây dựng nhà ở, cơ sở kinh doanh trên đất nông nghiệp, có nguy cơ tiềm ẩn gây cháy nổ, mất trật tự an ninh.
Bà Nguyễn Thị Hường, 62 tuổi, ở xã Thái Phương cho biết: “Căn nhà xây dựng đó của gia đình ông Vũ Đức Hội và bà Đinh Thị Tỵ, thôn Phương La 3. Ông Hội cũng là chủ doanh nghiệp dệt may trên địa bàn xã. Ngôi nhà đang xây dựng trên đất nông nghiệp, khu vực trên đã được quy hoạch vào cụm công nghiệp Phương La. Khu đất được ông Hội và bà Tỵ mua gom đất của nhiều hộ dân trong xã”.
Bà Hường cho biết thêm: Việc hộ ông Hội, bà Tỵ đã tư ý mua đất nông nghiệp của các hộ dân xung quanh, tự ý giải phóng mặt bằng, san lấp và xây dựng nhà kiên cố khi chưa được bất kì cơ quan có thẩm quyền cho phép là không đúng quy định của pháp luật. Vợ chồng ông Hội không chuyển mục đích sử dụng mà tự ý xây dựng như vậy dẫn đến không thực hiện nộp nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Không chỉ riêng hộ gia đình ông Vũ Đức Hội, mà còn nhiều hộ gia đình khác cũng đã xây dựng và hoàn thiện từ năm 2022 và nhiều năm trước. Điển hình như hộ gia đình ông Trần Văn Sơn, con ông Trần Văn Bồng, thôn Phương La 4, người dân cũng phản ánh việc gia đình này có dấu hiệu xây dựng tường bao lấn ra bờ mương.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Người cao tuổi, đại diện Ban Tiếp công dân huyện Hưng Hà cho biết: UBND huyện và Thanh tra huyện nhận được đơn thư của công dân tố cáo địa chính UBND xã Thái Phương. Tháng 2/2024, UBND huyện Hưng Hà và Thanh Tra huyện đã có văn bản chuyển cho Chủ tịch UBND xã Thái Phương xem xét giải quyết theo đúng quy định và yêu cầu báo cáo UBND huyện kết quả.
Liên quan đến vụ việc, ông Đoàn Ngọc Toản, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Phương cho biết: UBND xã cũng nhận được đơn tố giác, nhưng xác định là đơn nặc danh, nhiều chữ kí của người dân khi đến hỏi thì họ không thừa nhận. Sau khi nhận được đơn phản ánh, Chủ tịch UBND xã đã ban hành Quyết định số: 19/QĐ-UBND ngày 27/1/2024 về việc thành lập đoàn xác minh. Căn cứ vào báo cáo kết quả kiểm tra xác minh ban đầu của Tổ kiểm tra xác minh cho thấy, đơn tố cáo không đủ điều kiện thụ lí giải quyết theo quy định. Tuy nhiên, xét nội dung tố cáo có cơ sở để thẩm tra xác minh phục vụ cho công tác quản lí. Vì vậy, Chủ tịch UBND xã chỉ đạo Tổ kiểm tra xác minh 4 nội dung tố cáo trên, đồng thời yêu cầu công chức địa chính Đinh Văn Sáng làm báo cáo giải trình theo nội dung tố cáo của công dân.
Kết quả kiểm tra xác minh của Tổ kiểm tra xác minh đối với 4 nội dung cho thấy: Nội dung 1,2,4 tố cáo của Nhân dân không đúng. Riêng nội dung 3 đúng một phần, đó là hiện trạng xây dựng nhà trên diện tích đất chuyển đổi (đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm). Trong những năm qua, có một số hộ gia đình tự ý xây dựng nhà vượt diện tích quy định trên đất chuyển đổi. UBND xã cùng cán bộ cơ sở thôn đã kiểm tra, lập biên bản làm việc vi phạm đối với một số hộ gia đình. Song việc xây dựng tại khu vực chuyển đổi đã hình thành từ những năm 2022, trải qua nhiều thời kì cán bộ và lãnh đạo xã trước chưa giải quyết dứt điểm, nên đến thời điểm hiện tại một số hộ gia đình xây dựng vi phạm. UBND xã đã lập biên bản nhưng chưa giải quyết triệt để... UBND xã cũng đã mời ông Trần Văn Sơn, con ông Trần Văn Bồng về làm việc theo Biên bản làm việc ngày 5/3/2024 của lãnh đạo thôn Phương La 4. Ông Trần Văn Sơn đề nghị cấp ủy thôn Phương La 3 và UBND xã lùi thời gian đo đạc lại diện tích gia đình nhà ông đến qua 100 ngày của ông Trần Văn Bồng.
Được biết, ngày 8/3/2024, UBND xã Thái Phương đã có Báo cáo số: 15/BC-UBND về việc giải quyết đơn tố cáo công chức địa chính xã. Tuy nhiên, đến thời điểm ngày 4/5/2024, UBND xã Thái Phương vẫn chưa gửi Báo cáo trên đến UBND huyện và Thanh tra huyện.
Theo luật sư Đỗ Thành Hưng, Đoàn luật sư TP Hà Nội: Đối với hành vi xây dựng trên đất nông nghiệp căn cứ Điều 9, 10, 11, 12 Nghị định 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai: Người nào sử dụng đất sai mục đích, xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp mà không chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì mức phạt áp dụng có thể lên đến 200 triệu đồng, nếu ở khu vực nông thôn và 400 triệu đồng ở khu vực thành thị. Đồng thời, người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, trong đó có biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu. Biện pháp buộc khôi phục tình trạng ban đầu có nghĩa vụ phải tháo dỡ nhà ở (nếu có) vì sử dụng đất sai mục đích...