Bí quyết của người cao tuổi nhất Nhật Bản
Người cao tuổi nhất tại Nhật Bản hiện nay, cụ bà Fusa Tatsumi vừa tổ chức sinh nhật lần thứ 116 và trở thành người cao tuổi thứ hai trên thế giới còn sống, sau một phụ nữ Tây Ban Nha (hơn 116 tuổi).
Giới chuyên gia Nhật Bản nhận định những người sống thọ trên 100 tuổi chỉ có 20% do yếu tố di truyền, trong khi thói quen ăn uống và sinh hoạt điều độ mới là yếu tố quyết định.
Cụ Fusa sinh ngày 25/4/1907, tức là năm Minh Trị thứ 40, tại thành phố Yao, tỉnh Osaka và đã trải qua 5 thời đại chính trị của Nhật Bản, gồm Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa, Bình Thành và Lệnh Hòa.
Cụ Fusa có 3 người con. Ông Kanji, con trai cụ Fusa, là người sống cùng cụ đến năm cụ 106 tuổi, trước khi cụ được chuyển vào Viện dưỡng lão đặc biệt của thành phố Kashiwabara. Ông Kanji cho biết gia đình ông không có gen di truyền sống trường thọ và bí quyết sống lâu của cụ Fusa là duy trì một cuộc sống vui vẻ, ăn uống và ngủ nghỉ điều độ. Ông cho biết mẹ mình từ khi còn trẻ đến nay vẫn duy trì các 3 bữa ăn đều đặn mỗi ngày theo giờ cố định, chịu khó vận động, không thức khuya và rất ít khi thấy cụ tức giận.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW), thống kê số lượng người già trên 100 tuổi tại Nhật Bản đã tăng đáng kể từ năm 1971. Năm 1956, số người già trên 100 tuổi tại Nhật Bản là 1.000 người, đã tăng lên 10.000 người vào năm 1998 và 50.000 người vào năm 2012 và con số ghi nhận vào tháng 9/2022 là hơn 90.000 người. Trong đó, hơn 80.000 người là phụ nữ, tương đương khoảng 90%. Theo thống kê do MHLW công bố tháng 7/2020, tuổi thọ bình quân là 87,74 tuổi đối với nữ giới và 81,64 tuổi đối với nam giới. So với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác, tuổi thọ của nữ giới Nhật Bản cao thứ 2 sau Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), trong khi tuổi thọ của nam giới Nhật Bản cao thứ 3 sau Hong Kong và Thụy Sĩ.