BIDV, Vietinbank, MBBank, Oceanbank và PVCombank 'gánh nợ' nghìn tỷ tại Dự án Xơ sợi Đình Vũ
CTCP Hoá dầu và sơ sợi dầu khí (PVTex) hiện đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ hiện đang có dư nợ hơn 5.000 tỷ đồng tại các ngân hàng như: BIDV, Vietinbank, MBBank, Oceanbank, PVCombank, VRB và The Siam Commerical Bank.
Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), CTCP Chăn nuôi Bình Hà và Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng”.
Cơ quan CSĐT đã ra Quyết định tách vụ án hình sự số 07/CSKT-P13, tách hành vi BIDV cấp tín dụng cho CTCP Xi măng Phú Sơn và 7 công ty có dư nợ lớn tại BIDV có thực trạng hoạt động không hiệu quả, hoạt động cầm chừng hoặc đã dừng hoạt động, không có doanh thu, quá trình cho vay BIDV có nhiều vi phạm, nhưng hiện tại BIDV vẫn đang đôn đốc thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay.
Trong đó, đáng chú ý, CTCP Hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) có dư nợ tại BIDV là 1.837,423 tỷ đồng và dư nợ tại 7 tổ chức tín dụng khác là 3.350,005 tỷ đồng. Trong đó Vietinbank là 1.234,724 tỷ đồng, VIB là 224,495 tỷ đồng, MBBank là 224,495 tỷ đồng, Oceanbank là 336,743 tỷ đồng, PVCombank là 1.059,57 tỷ đồng, VRB (Ngân hàng Liên doanh Việt-Nga) là 155,414 tỷ đồng, The Siam Commerical Bank là 114,565 tỷ đồng. Hiện công ty này đã dừng hoạt động, không có khả năng trả nợ.
Nói tới CTCP Hoá dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex) hẳn nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới 12 đại dự án nghìn tỷ “đắp chiếu” của Bộ Công Thương.
Cụ thể, năm 2007, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) thành lập PVTex. Năm 2008, HĐQT PVTex phê duyệt dự án xơ sợi Đình Vũ tại Khu công nghiệp Đình Vũ, quận Hải An, thành phố Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng trong bối cảnh chủ đầu tư chỉ có 30% vốn, còn lại toàn bộ là vốn vay.
Sau khi hoàn thành các hạng mục dự án, tháng 7/2011, nhà máy cho chạy thử được công bố là thành công nhưng sau đó vẫn không thể vận hành thương mại. Hàng chục đợt chạy thử tiếp theo, cho ra lò hàng chục ngàn tấn sản phẩm vẫn không đạt chất lượng nên Vinatex không tiêu thụ. Lúc này PVTex nhìn nhận các sản phẩm của nhà máy này đã không đạt chất lượng.
Từ khi chạy thử đến chính thức, nhà máy liên tục thua lỗ. Sau 2 năm đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhà máy thua lỗ hơn 1.472 tỷ đồng.
Sau 5 năm giữ chức Tổng giám đốc PVTex (từ 2009 đến tháng 2/2014), ông Vũ Đình Duy bị giáng chức xuống làm Phó Tổng giám đốc vài tuần sau khi lễ ký bàn giao nghiệm thu nhà máy. Ít tháng sau, ông về làm Phó Giám đốc Sở Công Thương Hải Phòng, bỏ lại sau lưng dự án vận hành phập phù, đến năm 2015 phải dừng hoạt động.
Năm 2016, Bộ Công an khởi tố 5 bị can liên quan gồm ông Trần Trung Chí Hiếu, nguyên Chủ tịch HĐQT PVTex; ông Vũ Đình Duy, nguyên Tổng giám đốc PVTex; ông Vũ Phương Nam, Kế toán trưởng PVTEX; ông Đào Ngọ Hoàng, nguyên Trưởng phòng thương mại hợp đồng PVTEX và ông Đỗ Văn Hồng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty PVC.KBC. Tuy nhiên trước khi vụ án được phanh phui, Vũ Đình Duy đã bỏ trốn. PVTex trở thành một trong những dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”.
Một trong những điểm đáng chú ý trong khoảng 2 năm trở lại đây là việc đi vào hoạt động trở lại của Nhà máy xơ sợi Đình Vũ – một trong những nỗ lực của Bộ Công Thương để giải bài toán 12 dự án nghìn tỷ “đắp chiếu”.
Tháng 4/2018, PVTex đã khởi động lại 3 dây chuyền DTY của Đình Vũ và đến tháng 5/2019, nâng tổng số dây chuyền hoạt động lên con số 12.
Dù đã có nhiều giải pháp đã được triển khai ở các bộ, ngành song dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vẫn chưa cho thấy dấu hiệu có kết quả khả quan.
Báo cáo tài chính của PVN cho thấy, lỗ luỹ kế của PVTex ngày càng tăng nhanh. Cuối năm 2017, PVTex lỗ lũy kế 4.039 tỷ đồng, đến cuối năm 2018 mức lỗ lũy kế đã lên 4.748 tỷ đồng. Chỉ trong năm 2018, dự án này đã lỗ thêm 700 tỷ đồng dù nhà máy đã đi vào hoạt động trở lại.
Tính đến thời điểm 31/12/2018, tổng tài sản của PVTex là khoảng 5.237 tỷ đồng (giảm đáng kể so với tổng tài sản một năm trước đó), nhưng nợ phải trả đã lên tới 7.726 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 7.384 tỷ đồng tại ngày 31/12/2017.
Theo một báo cáo gửi tới Quốc hội vào tháng 10/2019 thì Dự án xơ sợi Đình Vũ đến ngày 31/8/2019 thì lỗ lũy kế của nhà máy là hơn 5.120 tỷ đồng, tăng lỗ 12% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng nợ phải trả là 7.806 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn An Phát không tiếp tục gia hạn Hợp đồng hợp tác tại Dự án xơ sợi Đình Vũ nên PVTex đang tìm kiếm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh nhằm khởi động lại toàn bộ nhà máy này.
Đại diện PVTex thì cho biết, theo Đề án, công ty ưu tiên phương án khởi động lại, song song với tìm đối tác hợp tác sản xuất, kinh doanh, từ đó tiến hành thoái vốn nhà nước.