Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ hai, 25/12/2023 14:09 (GMT+7)

Bộ Công an khuyến cáo các giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong đăng ký định danh điện tử

Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thực sự cần thiết; khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt, đánh cắp cần trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bộ Công an khuyến cáo các giải pháp bảo vệ thông tin cá nhân trong đăng ký định danh điện tử

Ảnh minh họa.

Liên quan đến đề nghị bảo mật tốt thông tin cá nhân của người dân trong quá trình triển khai đăng ký định danh điện tử, Bộ Công an cho biết: Vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu khi xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cấp căn cước công dân và thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Theo đó, hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế và triển khai đảm bảo theo yêu cầu an toàn thông tin cấp độ 4, với các hệ thống giám sát, bảo vệ nhiều tầng nấc bảo đảm chặt chẽ 24/24 giờ; các yêu cầu bảo đảm an ninh, an toàn được thực hiện nghiêm ngặt, xuyên suốt từ Trung ương cho tới cấp xã; các Cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác khi kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều được Cơ quan chức năng kiểm tra kỹ, bảo đảm an ninh, an toàn mới kết nối.

Quá trình thu thập định danh của người dân được Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và Công an các địa phương thực hiện theo một quy trình khép kín. Cụ thể:

- Dữ liệu được thu thập tại các địa điểm do Công an địa phương bố trí, trên các thiết bị đã được các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an kiểm tra;

- Quá trình chuyển dữ liệu định danh của công dân được thực hiện qua đường truyền riêng biệt của Bộ Công an, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, giải pháp của Ban Cơ yếu;

- Thông tin dân cư được bảo mật nghiêm ngặt từ các biện pháp vật lý đến các biện pháp kỹ thuật;

- Dữ liệu lưu trữ được mã hóa nhiều lớp và bảo đảm chỉ có cán bộ chuyên trách và quyền truy cập mới có thể tiếp cận.

Như vậy, dữ liệu thông tin cá nhân của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được bảo vệ chặt chẽ và chỉ được khai thác, sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Công an chia sẻ với những băn khoăn, lo lắng của cử tri về các trường hợp bị đánh cắp thông tin cá nhân hiện nay. Tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ sự chủ quan của cá nhân khi tham gia các giao dịch (như mua, bán hàng...) tự nguyện cung cấp các thông tin cá nhân của mình, trong khi bên nhận thông tin không có sự bảo quản chặt chẽ, cá biệt có trường hợp cung cấp thông tin cho bên thứ ba dẫn đến lộ, lọt thông tin của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công an đã và đang triển khai nhiều giải pháp cụ thể như: Tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 về bảo vệ dữ liệu cá nhân; đồng thời chuẩn bị các điều kiện để xây dựng và trình Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân trong thời gian tới, góp phần tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho vấn đề này; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân; phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến đánh cắp hoặc làm lộ, lọt thông tin cá nhân...

Bộ Công an đề nghị người dân nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, chủ động bảo vệ thông tin cá nhân của mình; hạn chế chia sẻ, cung cấp thông tin cá nhân nếu không thực sự cần thiết; khi phát hiện thông tin cá nhân của mình bị lộ lọt, đánh cắp cần trình báo với cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cùng chuyên mục

Tin mới