Bộ Công an thông tin về vấn đề bảo đảm bí mật cá nhân trên thẻ căn cước công dân
Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và lưu trữ trong thẻ Căn cước công dân là thông tin cần bảo vệ.
Tới đây, dự thảo Luật Căn cước do Bộ Công an soạn thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Được biết, đây là Luật được kỳ vọng sẽ đáp ứng được các yêu cầu trong chuyển đổi số, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, có đề cập đến thẻ căn cước công dân gắn chip, thẻ căn cước công dân tích hợp nhiều thông tin.
Tuy nhiên, người dân vẫn luôn băn khoăn về việc, người khai thác sẽ biết được tất cả các thông tin đã tích hợp, như: Cảnh sát giao thông kiểm tra thông tin về giấy phép lái xe sẽ biết được những thông tin cá nhân khác của công dân như bảo hiểm, tình trạng hôn nhân...
Liên quan đến vấn đề này, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an cho rằng, thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và lưu trữ trong thẻ căn cước công dân là thông tin cần bảo vệ.
Theo đó, Luật Căn cước công dân đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước công dân, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, chặt chẽ và an toàn.
Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an luôn có các thiết bị chuyên dụng để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước công dân có gắn chip.
Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước công dân được bảo đảm đủ các điều kiện kỹ thuật sau:
- Chỉ có cơ quan, tổ chức được phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phải sử dụng thiết bị chuyên dụng do Bộ Công an kiểm tra, đánh giá, bảo đảm về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật mới có thể khai thác được thông tin tích hợp trong thẻ căn cước công dân (việc sử dụng phải bằng phần mềm chuyên dụng, được mã hóa bảo mật, quản lý thiết bị theo mã riêng, truy nguyên được chủ thể được trang bị thiết bị).
- Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước công dân được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao (khai thác thông tin phù hợp với nhiệm vụ của mình và phải được công dân đó đồng ý);
- Xác thực qua việc xác nhận của công dân bằng quét vân tay trên thiết bị, quét khuôn mặt… hoặc xác nhận qua ứng dụng di động VNeID.
- Việc cho phép khai thác thông tin nào sẽ do công dân quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID.
Trường hợp công dân bị mất thẻ căn cước công dân, người sử dụng thẻ căn cước công dân không thể khai thác được thông tin tích hợp trong chip khi không có công dân đó xác nhận trên thiết bị chuyên dụng hoặc ứng dụng VNeID.
Công dân bị mất thẻ căn cước công dân thì thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước công dân điện tử (ứng dụng VNeID).
Những thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng tương đương với việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin được tích hợp.
Việc sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chip đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Quy định này không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý (không tác động đến việc quản lý dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp, việc cấp giấy khai sinh, Bộ Tư pháp vẫn xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch như hiện nay, vẫn quản lý về hộ tịch, giấy khai sinh).