Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 17/10/2023 08:17 (GMT+7)

Bộ GD-ĐT lấy ý kiến về quy hoạch cơ sở giáo dục cho người khuyết tật

Theo Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt quốc gia, hiện cả nước có 14 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 25 trường giáo dục chuyên biệt cấp tỉnh, 23 trường chuyên biệt cấp huyện.

tm-img-alt
Ảnh minh hoạ.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết đơn vị này đang lấy ý kiến về quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục và hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thiếu và phân bố không đều

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cam kết quốc tế, mạng lưới các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập ngày càng mở rộng. Sự tham gia của các cơ sở giáo dục người khuyết tật ngoài công lập ngày càng đa dạng, tập trung ở các đô thị, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở công lập chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cơ sở pháp lý đối với hoạt động của các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập dần được hoàn thiện, góp phần vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của các trung tâm và công tác hỗ trợ giáo dục hoà nhập ở các cấp học.

Tuy nhiên, hệ thống các trung tâm vừa thiếu về số lượng, vừa phân bố không đồng đều theo các vùng, miền. Nhiều tỉnh, thành phố còn chưa có các cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật nhưng khó thành lập do thiếu chiến lược, quy hoạch hệ thống dẫn đến chưa huy động được nguồn lực của cộng đồng và các tổ chức cá nhân.

Cụ thể, theo báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt quốc gia, tính đến năm 2023, cả nước có 14 Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, 25 trường giáo dục chuyên biệt cấp tỉnh, 23 trường chuyên biệt cấp huyện.

Trong số đó, chỉ có 2,9% trường có thiết kế với trẻ khuyết tật, 9,9% trường có công trình vệ sinh thiết kế phù hợp với người khuyết tật; có 1/6 số trường tiểu học và 1/10 số trường trung học cơ sở có giáo viên được đào tạo phù hợp để dạy học hòa nhập cho trẻ em khuyết tật; có 1/7 giáo viên mầm non được đào tạo để chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật.

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, để người khuyết tật có cơ hội tốt hơn trong giáo dục, đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục, mục tiêu tổng quát là phải phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục chuyên biệt đối với người khuyết tật và các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập trong hệ thống giáo dục quốc dân đảm bảo về cơ cấu, số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu được tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục có chất lượng của người khuyết tật ở tất cả các địa phương trong phạm vi cả nước.

Mục tiêu cụ thể là đến năm 2025, 50% số tỉnh, thành trong cả nước có ít nhất một Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đến năm 2030, 100% các tỉnh, thành trong cả nước có tối thiểu một Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.

Phải khả thi và thuyết phục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức các tọa đàm để lấy ý kiến về việc phải xây dựng Quy hoạch Hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và nhận được sự tán thành cũng như nhiều ý kiến đóng góp.

Đại diện của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng cùng với các giải pháp tổng thể thì phải đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật.

Đại diện Hội Người mù Việt Nam đề nghị nên có giải pháp để chính những người khuyết tật có cơ hội làm việc tại các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đại diện Hội Người điếc Việt Nam kiến nghị trong bảng quy hoạch cần quan tâm đến các cấp học để những người khuyết tật nói chung và người điếc nói riêng có cơ hội được học lên cao hơn.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng cần phải quan tâm hơn nữa tới đối tượng trẻ tự kỷ cũng như cần có chính sách để những người khuyết tật có cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhận định những ý kiến đóng góp là rất quan trọng vì quy hoạch phải có tính khả thi và thuyết phục mới có thể triển khai trong thực tiễn. Việc lựa chọn minh chứng phải rõ ràng, có tiêu chí để xây dựng cơ sở giáo dục chuyên biệt dành cho người khuyết tật. Việc quy hoạch các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải được hiểu một cách đúng và đủ nhất. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập phải thật rõ ràng; trong đó phải có quy định về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên hỗ trợ tại các trung tâm.

Bên cạnh việc lấy ý kiến về Quy hoạch Hệ thống cơ sở giáo dục đối với người khuyết tật và hệ thống Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang lấy ý kiến về một số nội dung chính quy hoạch hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập là hai hệ thống có tính gắn kết với nhau và có nhiều vấn đề đặt ra trong quá trình quy hoạch và hoàn thiện. Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiến hành triển khai đánh giá thực trạng đúng, trúng và đã bước đầu xây dựng nội dung quy hoạch.

Tuy nhiên, bà Minh cho rằng để quy hoạch hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên biệt đối với người khuyết tật và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hiệu quả, cần có những ý kiến chuyên môn sâu từ đại diện các bộ, ngành có liên quan, các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm đến từ các tổ chức cùng ý kiến từ các cơ sở giáo dục chuyên biệt để có góc nhìn tổng quát, toàn diện cũng như tính khả thi khi quy hoạch hoàn thiện và đi vào thực tế trong thời gian tới.

Cùng chuyên mục

Lưu ý đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024 với thí sinh tự do
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 2/5 đến 17 giờ ngày 10/5, các thí sinh sẽ chính thức đăng ký dự thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024. Trong đó, thí sinh tự do sẽ đăng ký dự thi trực tiếp, không phải trực tuyến như học sinh đang học lớp 12; địa điểm đăng ký dự thi do Sở Giáo dục và Đào tạo quy định.
Hà Nội: Sẵn sàng triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học
Ngày 26/4, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức Hội nghị hướng dẫn, triển khai thí điểm học bạ số cấp Tiểu học nhằm thực hiện kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ.

Tin mới

Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cảnh báo các cuộc gọi lừa đảo
Trong thời gian gần đây, Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Bắc (Tổng Công ty Điện lực miền Bắc - EVNNPC) đã nhận được nhiều phản ánh về việc khách hàng nhận được cuộc gọi mạo danh là nhân viên điện lực cung cấp thông tin do điện lực tính sai hóa đơn tiền điện trong kỳ thay đổi Lịch ghi chỉ số về những ngày cuối tháng nên liên hệ để hoàn tiền % theo hóa đơn, hoặc trả tiền điện thừa cho khách hàng.