Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn
Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2024 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đà hồi phục kinh tế.
Bộ Tài chính vừa gửi Bộ Tư pháp thẩm định Dự thảo Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn với đề xuất giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với các sản phẩm này đến hết năm 2024.
Bộ Tài chính nhận định, nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế vĩ mô ổn định chưa vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ những yếu tố bất lợi của thị trường nước ngoài. Hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa phục hồi hoàn toàn. Đời sống của người lao động trong nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn…
Việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn tăng trở về bằng mức trần của biểu khung thuế (4.000 đồng/lít xăng và 2.000 đồng/lít dầu...) từ ngày 1/1/2024 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Do vậy, Bộ Tài chính cho rằng việc tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ, trong đó giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã thực hiện trong năm 2023 để áp dụng sang năm 2024 là cần thiết nhằm tạo thêm đà phục hồi phát triển kinh tế.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2024. Cụ thể như sau: xăng (trừ ethanol): 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn: 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn: 1.000 đồng/kg; dầu hỏa: 600 đồng/lít. Từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ ethanol) là 4.000 đồng/lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 2.000 đồng/lít; dầu hỏa là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng/kg.
Bộ Tài chính cho biết, việc thực hiện điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, thời gian qua đã góp phần thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và phù hợp với chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội đất nước từng giai đoạn.
Đây được đánh giá là giải pháp linh hoạt và hiệu quả để góp phần kiềm chế sự biến động tăng giá xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu biến động khó lường; góp phần hỗ trợ trực tiếp người dân và doanh nghiệp để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Bộ Tài chính, khi xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, Bộ Tài chính đã tính toán và đưa vào dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 số giảm thu ngân sách nhà nước do tiếp tục thực hiện chính sách này.
Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động đến cân đối ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính cho rằng cần tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.