Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao
Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao”.
Theo Quyết định số 162/QĐ-BYT, Bộ Y tế ban hành tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao”.
Tài liệu gồm 7 phần: đại cương, chẩn đoán bệnh lao, điều trị bệnh lao, chẩn đoán và điều trị lao tiềm ẩn, dự phòng bệnh lao, chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng do NTM và phụ lục.
Theo tài liệu, bệnh lao là một bệnh lây nhiễm do vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis - MTB) gây nên. Bệnh lao có thể gây tổn thương ở tất cả các bộ phận của cơ thể, trong đó lao phổi là thể lao phổ biến (chiếm 80 - 85%), nguồn lây chính cho người xung quanh. Bệnh lao lây qua đường không khí do hít phải các hạt bụi nhỏ có chứa vi khuẩn lao được sinh ra khi người mắc lao phổi trong giai đoạn tiến triển ho, khạc, hắt hơi. Bệnh lao có thể gây tử vong nhưng có thể điều trị khỏi và dự phòng.
Lao tiềm ẩn là tình trạng cơ thể người có đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên của vi khuẩn gây bệnh lao ở người nhưng chưa có dấu hiệu lâm sàng, cận lâm sàng nào cho thấy bệnh lao hoạt động.
Người nghi mắc bệnh lao là người có ít nhất một trong các biểu hiện sau: triệu chứng lâm sàng nghi mắc bệnh lao, tình trạng bệnh lý hoặc yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao, hình ảnh bất thường nghi lao trên X-quang ngực hoặc phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác.
Phần III của tài liệu “Điều trị bệnh lao” đề cập đến các phương pháp điều trị, trong đó có điều trị bằng y học cổ truyền: điện châm, cứu ngải, châm tê điều trị bí đái, điều trị liệt ngoại biên và liệt thần kinh trung ương trong lao màng não và lao xương khớp.
Tài liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và dự phòng bệnh lao” được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.