Hotline: 0969 332 828 Email: [email protected]
Thứ ba, 06/02/2024 14:49 (GMT+7)

Bộ Y tế đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở tài xế

Bộ Y tế đang lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị chuyên môn, từ đó đề xuất xác định nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở tài xế, làm cơ sở để xử phạt theo yêu cầu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) vừa có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa, đề nghị nghiên cứu, đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông.

Bộ Y tế đề xuất xác định nồng độ cồn trong hơi thở tài xế
Ảnh minh họa.

Việc đề xuất được căn cứ từ khía cạnh y tế như: nồng độ cồn phát hiện trong cơ thể không do sử dụng rượu, bia; giới hạn nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

Cục Quản lý khám, chữa bệnh đề nghị các chuyên gia, đơn vị gửi các đề xuất nội dung quy định về Cục Quản lý khám, chữa bệnh trước ngày 20/2, để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế.

Đề xuất từ các chuyên gia, các đơn vị chuyên môn là cơ sở để đơn vị này nghiên cứu, đề xuất quy định nồng độ cồn trong máu hoặc trong khí thở lái xe.

Mới đây, đại diện Bộ Y tế đã có cuộc họp với Bộ Công an về một số vấn đề liên quan đến quy định nồng độ cồn với lái xe. Vấn đề này sẽ được hai bộ và các cơ quan liên quan thảo luận trong thời gian tới.

Hiện nay, nghị định 100/2019 quy định ba ngưỡng nồng độ cồn, tương ứng với 3 mức xử phạt đối với người điều khiển xe máy, ôtô.

Cụ thể, với xe máy, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở; người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 2-3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở; người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Với ôtô, mức thấp nhất chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa quá 0,25 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10-12 tháng.

Mức cao nhất vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở, người điều khiển phương tiện giao thông bị phạt 30-40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Cùng chuyên mục

Khai trừ Đảng đối với ông Phạm Thái Hà
Ban Bí thư nhận thấy, những vi phạm của ông Phạm Thái Hà đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận bức xúc, ảnh hưởng rất xấu đến uy tín của tổ chức đảng, cơ quan nhà nước.
Đề xuất tăng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị đơn vị soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Tin mới

Phúc thẩm vụ Việt Á: Đề nghị bác kháng cáo của cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Chiều 16/5, đại diện Viện Kiểm sát đã công bố bản luận tội và quan điểm giải quyết đối với 11 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Công ty Việt Á. Đáng chú ý, mặc dù nộp thêm 1 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nhưng bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) vẫn bị đề nghị không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Hơn 500 bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm ở Đồng Nai được chủ cửa hàng bánh mì thanh toán viện phí
Liên quan vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại cửa hàng bánh mì B. (phường Xuân Bình, thành phố Long Khánh) khiến hơn 500 bệnh nhân nhập viện cấp cứu, ngày 16/5, ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Long Khánh (Đồng Nai) cho biết, bước đầu chủ cơ sở bánh mì đã khắc phục hậu quả, thanh toán hơn 580 triệu đồng viện phí cho các bệnh nhân.